Nhận thức mới về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 và trong nhiều bài viết, phát biểu quan trọng vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “Với thế và lực đã tích luỹ được sau 40 năm đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với những thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam”. Đây là nhận thức, tư duy lý luận mới tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.

Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Theo cách hiểu thông thường, kỷ nguyên là thời kỳ đánh dấu sự chuyển biến về chất của xã hội, đất nước, quốc gia, dân tộc. Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam là thời kỳ lịch sử mới trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam mà ở đó các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược được thực hiện, hoàn thành, tạo ra bước ngoặt trong tiến trình phát triển của dân tộc, đất nước ta.

Nhận thức mới về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam -0
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Kỷ nguyên mới mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề cập đối với dân tộc Việt Nam là sau 40 năm đổi mới, đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ vươn mình của dân tộc Việt Nam. Thời kỳ đó có lý luận mới, tư duy mới, chiến lược mới, cách thức triển khai và nhiệm vụ đặt ra mới hơn. Lý luận thời kỳ mới không phải phủ nhận cái cũ mà là bổ sung trên cơ sở kế thừa, phát triển, hoàn thiện những kết quả, thành tựu đã đạt được, mang tính chất “đi trước, mở đường” cho thời kỳ phát triển mới. Tư duy mới tiếp tục tìm tòi, nhận thức, đột phá hơn; cách thức tổ chức, thực hiện nhiệm vụ chiến lược mạnh mẽ, quyết liệt để đạt mục tiêu nhanh hơn, sớm hơn.

Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc dựa trên cơ sở khoa học, nguyên tắc nào?

Đó là phải luôn kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Đúng như Lênin khẳng định: Chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là cái gì đã xong xuôi hoàn toàn. Mặc dù là hệ thống lý luận khoa học và cách mạng, song không phải là “chìa khóa vạn năng” áp dụng cho mọi mô hình, quốc gia, dân tộc vốn có hoàn cảnh lịch sử cụ thể không giống nhau. Chính vì vậy, một trong những bài học lịch sử, thực tiễn phong phú mà Đảng ta rút ra là phải luôn kiên định, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp điều kiện thực tiễn nước ta, là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động.

Tư duy lý luận về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc chính là sự kế thừa, phát triển nhận thức, tư duy lý luận về giai đoạn phát triển mới của đất nước và của dân tộc Việt Nam. Hành trang bước vào kỷ nguyên mới, vươn mình của dân tộc đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định là: Phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ XHCN, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững, là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Mục tiêu của kỷ nguyên mới là gì?

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, mục tiêu tổng quát của kỷ nguyên mới chính là: Phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

ttxvn-ha-noi-trang-hoang-ruc-ro-chao-mung-79-nam-quoc-khanh-2-9-3108-2-2041.jpg -0

Thực hiện thắng lợi kỷ nguyên mới bằng cách nào?

Trong một số bài viết vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề cập nhiều nội hàm mới, thể hiện yêu cầu về chất trong phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đó là ứng dụng thành tựu phát triển của khoa học công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát huy hiệu quả, ưu việt của kinh tế thị trường định hướng XHCN; yếu tố sức mạnh ý chí, con người. Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tiếp tục cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hoá thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; giữ vững an ninh chính trị; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Quan niệm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam thể hiện tầm nhìn, nhận thức, tư duy lý luận, quan điểm mới, phương hướng, định hình chiến lược của người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta. Quan điểm này cũng gợi mở, tạo tiền đề phát triển, bổ sung, hoàn thiện văn kiện Đại hội XIV của Đảng đạt tầm khoa học kết tinh trình độ lý luận, tầm cao trí tuệ của toàn Đảng, hiện thực hóa niềm tin và khát vọng phát triển của dân tộc và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.


TS Lê Thế Cương

Nguồn Báo CAND

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website