Nhận diện, phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam hiện nay

Trong bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào ngày 24/11/2021 tại Hà Nội, đồng chí đã nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là: “Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới” (1). Nhằm góp phần làm rõ nội dung chỉ đạo nêu trên của đồng chí Tổng Bí thư, bài viết bước đầu nhận diện “sức mạnh mềm” văn hóa và gợi mở hướng phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam hiện nay.

1. Nhận diện về “sức mạnh mềm” văn hóa

Thuật ngữ “sức mạnh mềm” ngày càng được giới nghiên cứu quốc tế và trong nước quan tâm nghiên cứu. Có thể tổng hợp quan niệm về sức mạnh mềm trên các nội dung cơ bản sau:

Một là, “sức mạnh mềm là một bộ phận của sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Sức mạnh tổng hợp của một quốc gia được hiểu bao gồm sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Sức mạnh cứng do các yếu tố địa lý - dân cư, kinh tế, quân sự tạo thành; còn sức mạnh mềm do các yếu tố thể chế chính trị, tư tưởng và chiến lược quốc gia (lãnh đạo nhà nước), ý chí của nhân dân trong thực hiện chiến lược, hệ giá trị xã hội và quan hệ quốc tế tạo thành (2).

Theo một số nhà nghiên cứu, trên thực tế cho thấy rằng, ưu thế của sức mạnh mềm không chỉ dừng lại ở sự tăng giảm dựa trên nền tảng sức mạnh cứng, mà nó có giá trị riêng, độc lập. Sức mạnh mềm cũng vốn là một loại sức mạnh tổng hợp quốc gia. Trong một số trường hợp và đối với một số quốc gia, sức mạnh tổng hợp quốc gia nhiều khi chủ yếu dựa trên sức mạnh mềm. Có những quốc gia (điển hình như Thụy Sĩ, Singapore) tuy có dân số ít và lãnh thổ nhỏ, nhưng lại có trình độ phát triển cao cả về thể chế chính trị dân chủ, nhân quyền, nền kinh tế hiện đại; khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo phát triển; môi trường thiên nhiên được quan tâm bảo vệ, nên các quốc gia này có sức hấp dẫn, có uy tín trên trường chính trị quốc tế (3).

Như vậy, có thể thấy rằng có sự đồng thuận ở nội dung cơ bản của “sức mạnh mềm” là sự phát huy ảnh hưởng, sự hấp dẫn của một quốc gia trong quan hệ quốc tế trên tổng thể nhiều yếu tố, trong đó trước hết và quan trọng là từ nền văn hóa của quốc gia.

Hai là, các đặc tính cơ bản của sức mạnh mềm”.        

Dựa trên nghiên cứu và luận giải của J.Samuel Nye và nhiều nhà nghiên cứu về “sức mạnh mềm” thì nó có các đặc tính sau: (1) Sức mạnh mềm là sự hấp dẫn chứ không phải cưỡng chế hay ép buộc; (2) Sức mạnh mềm phản ánh khả năng của một quốc gia đề ra và tham gia xây dựng các thể chế quốc tế; (3) Sức mạnh mềm mang tính thừa nhận quốc tế, có thể là thừa nhận về giá trị hay thể chế, cũng có thể là thừa nhận trong phán đoán hệ thống quốc tế. Quyền lực hay sức mạnh mềm được thừa nhận giúp cho một quốc gia đạt được sự hợp pháp trên trường quốc tế (4).  

 

Ba là, sức mạnh mềm vừa mang tính đặc thù, vừa mang tính phổ quát.          

Trong các yếu tố cấu thành nên sức mạnh mềm có yếu tố quan trọng là văn hóa dân tộc. Đây là yếu tố thường được xác định là mang tính đặc thù. Nhưng nếu quá nhấn mạnh tính đặc thù thì có khả năng xung đột với đặc tính thừa nhận quốc tế của sức mạnh mềm, từ đó sẽ làm suy giảm khả năng chinh phục, hấp dẫn của quốc gia đó đối với con tim và khối óc của các quốc gia, dân tộc khác. Điều đó đi ngược lại mục tiêu của triển khai sức mạnh mềm, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia. Do đó, sức mạnh mềm quốc gia ngoài việc gìn giữ, bảo tồn các đặc tính bản sắc văn hóa cần chú trọng phát triển các đặc tính phổ quát, lý tưởng, đáp ứng niềm khát vọng của con người trên khắp hành tinh. Trong thời đại ngày nay, khát vọng cơ bản và nhu cầu phổ quát của toàn thể nhân loại là hoà bình, tự do, an ninh, an toàn, dân chủ, công bằng, môi trường trong sạch, bảo đảm đời sống về vật chất và tinh thần. Hiện nay, đã và đang cho thấy nỗ lực về việc hình thành, phổ biến các giá trị của sức mạnh mềm mang tính đặc thù của một quốc gia, khu vực ra phạm vi toàn cầu như trường hợp của Mỹ, Trung Quốc, EU.

          2. Một số gợi mở về hướng phát triển “sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam hiện nay

          Việt Nam ở vào vị trí địa chính trị quan trọng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (hiện nay đang được mở rộng thành không gian Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương), khu vực phát triển năng động nhất của thế giới nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định. Sự cạnh tranh chiến lược về nguồn lực phát triển giữa các nước trong khu vực và sự tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn sẽ ngày càng gia tăng và có tác động trực tiếp đến nước ta. Để giữ vững độc lập, chủ quyền và định hướng XHCN trong quá trình phát triển, đòi hỏi chúng ta cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó cần đi sâu tìm hiểu về cội nguồn sức mạnh văn hóa, phát huy sức mạnh văn hóa thành bộ phận quan trọng của “sức mạnh mềm” Việt Nam.  

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào ngày 24/11/2021, trong bài phát biểu của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI” (5)

Việt Nam tự hào là một dân tộc văn hiến và anh hùng, với nhiều truyền thống tốt đẹp được hun đúc qua quá trình dựng nước và giữ nước. Nổi bật trong các giá trị về “sức mạnh mềm” văn hóa có thể phải kế đến là tình thần yêu nước, hòa hiếu, nhân văn, tinh thần nhân nghĩa của nền văn hiến Việt Nam qua các cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc. Bài học về “chiến lược tâm công” - chiến lược đánh vào lòng người, mà người sử dụng và phát triển cao nhất trong thời phong kiến là thiên tài chính trị, quân sự và ngoại giao Nguyễn Trãi. Nguyễn Ái Quốc là người đã tiếp tục phát huy và phát triển tư tưởng về văn hóa, nhân văn liên quan đến “sức mạnh mềm” kể từ khi Người đi tìm đường cứu nước, khi Người viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, một tác phẩm hiện thực, phân tích về tội ác vô nhân đạo của chủ nghĩa thực dân, nó có sự tương đồng với “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Sức mạnh của truyền thống văn hóa được thế hệ Hồ Chí Minh phát huy và phát triển để góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Như vậy, nhận thức về “sức mạnh mềm” và sử dụng “sức mạnh mềm” là không mới mẻ đối với dân tộc Việt Nam. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần tiếp tục có sự chỉ đạo đầu tư, nghiên cứu và xây dựng chiến lược cụ thể để phát huy sức mạnh văn hóa trong thời đại hội nhập quốc tế hiện nay. Trước mắt, cần phải tiếp tục nghiên cứu về sức mạnh văn hóa Việt Nam, về tính nhân văn, nhân đạo và chiến lược “thu phục lòng người” trong hoạt động bảo vệ ANQG và đối ngoại; phát huy nó trong mối giao lưu học thuật quốc tế để có được tầm nhìn toàn diện, sâu sắc hơn nữa, nhằm phát huy cao độ “sức mạnh mềm” Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay. Đồng thời, cần thực hiện tốt các giải pháp được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa  toàn  quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, tập trung các giải pháp cơ bản: Thứ nhất, nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Thứ hai, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới. Thứ ba, quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Thư tư, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa; văn hóa ứng xử lành mạnh với kiên quyết đấu tranh chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Đó là những vấn đề cơ bản, cốt lõi để phát triển “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện nay./.

 

(1) Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa  toàn  quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đăng trên báo Nhân dân điện tử ngày 25/11/2021.

(2)Xem thêm Lương Văn Kế: Nhân diện sức mạnh mềm Trng Quốc và ứng xử của Việt Nam, tại địa chỉ http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/593-nhan-dien-suc-manh-mem-trung-quoc-va-ung-xu-cua-viet-nam.html.

(3)Xem thêm Lương Văn Kế: Nhân diện sức mạnh mềm Trng Quốc và ứng xử của Việt Nam, tại địa chỉ http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/593-nhan-dien-suc-manh-mem-trung-quoc-va-ung-xu-cua-viet-nam.html;

(4)Soft Power J. Samuel Nye (2004), “Soft Power: The Means to success in world politics”, New York: Public Affairs.

(5)Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa  toàn  quốc. Đăng trên báo Nhân dân điện tử ngày 25/11/2021.

 

Trung tá, TS. Lê Anh Thực

Khoa KHXHNV và Tâm lý, Học viện Chính trị CAND

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website