Ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn Độc lập

Ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945, nay đã trở thành một di tích lịch sử thiêng liêng, lưu giữ nhiều kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ngày Độc lập.

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang có vị trí thuận lợi, là trung tâm buôn bán sầm uất của đất Hà thành, thông giữa hai mặt phố Hàng Ngang và Hàng Cân. Trước năm 1975, ngôi nhà thuộc sở hữu của gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, một tư sản dân tộc được giác ngộ cách mạng sớm và trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

Trong những ngày từ 25/8/1945 đến ngày 2/9/1945, ngôi nhà này là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây đã diễn ra cuộc họp thành lập Chính phủ lâm thời, là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trong những ngày đầu trở về Hà Nội.

Tại căn gác tầng 2, nhà số 48 Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau năm 1975, ngôi nhà đã được gia đình ông bà Trịnh Văn Bô hiến tặng cho Nhà nước và trở thành một di tích lịch sử để du khách tham quan. Hiện nay căn nhà vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, ghi dấu ấn của cuộc Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9/1945.

Nơi đây còn lưu giữ những kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bản Tuyên ngôn Độc Lập, chiếc vali mây và bộ quần áo kaki của Người mặc trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945.

Hình ảnh những người làm việc cùng Bác  tại căn nhà 48 Hàng Ngang.

Chiếc bàn nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn Độc lập.

Ảnh chụp căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng tiếp khách, bàn bạc công việc.

 

Báo Đại Đoàn kết

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website