Lợi thế so sánh của Việt Nam là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước từ nông nghiệp, bằng nông nghiệp; trước hết và cơ bản là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Nhưng cốt lõi của nông nghiệp, nông dân, nông thôn chính là sự phát triển của giai cấp nông dân. Bất kỳ chủ trương, đường lối, chính sách nào có liên quan đến nông dân, nông thôn, nông nghiệp đều phải vì người nông dân, từ người nông dân.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm, động viên một số mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang _Ảnh: TTXVN
Những vấn đề đặt ra hiện nay về vị thế của người nông dân
Nông dân là ai?
Khi nói về người nông dân, người ta thường hay nói đến: 1- Bản thân họ; 2- Gia đình họ; 3- Sinh kế chính của họ; 4- Không gian sinh tồn của họ; 5- Các tổ chức xã hội và xã hội - nghề nghiệp của họ; 6- Giai cấp nông dân; 7- Liên minh công - nông - trí thức và những “câu chuyện” có vai trò quyết định đến vị thế chính trị, địa vị kinh tế và thân phận xã hội của người nông dân.
Trong các loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp và khả năng tiếp cận các nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn, ai là nông dân (farmer hay peasants), ai là người làm thuê (tá điền - employee), ai là người lĩnh canh (tenant), ai là ông chủ, ai là nhà đầu tư (invester); hay tất cả họ, những người làm nông nghiệp, dù dưới bất kỳ hình thức nào, miễn là tham gia quá trình sản xuất nông nghiệp, sống chủ yếu bằng nghề nông và có sản phẩm đầu ra là nông sản, cũng đều được coi là nông dân?
Tổ chức nào là tổ chức thực sự của nông dân, là điểm tựa cho nông dân, là niềm tin và tự hào của nông dân? Hiện nay, ở Việt Nam có 2 tổ chức phổ biến nhất là Hội Nông dân Việt Nam và hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn chưa mặn mà với HTX, có phải vì họ bị ám ảnh bởi các dư âm về HTX của những năm 60, 70 của thế kỷ XX ở miền Bắc hay còn những lý do nào khác nữa?
Thực tế, nông dân đang là người chịu nhiều hy sinh và thiệt thòi nhất trong xã hội. Ai đang là tầng lớp nghèo khó nhất, chịu nhiều hy sinh và thiệt thòi nhất trong xã hội? Nông dân!
Do vậy, chúng ta cần một nghị quyết mới, sâu hơn, rộng hơn, toàn diện hơn về người nông dân, để có thể tạo ra một thời đại mới cho nông nghiệp Việt Nam, cho nông thôn Việt Nam. Trước đây, chúng ta đã có Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (gọi tắt là Nghị quyết về tam nông). Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, vị thế của người nông dân trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0), thời kỳ chuyển đổi số đã có nhiều thay đổi.
Những “câu chuyện” của người nông dân
Người nông dân có rất nhiều “chuyện” để bàn; ở đây, chỉ xin đề cập những “câu chuyện” có lẽ là cấp thiết nhất có liên quan đến cuộc sống, sinh kế và tương lai của họ, đó là nghề nông, làng - không gian sinh tồn, đất đai và đầu tư công.
Nông nghiệp
Người dân Việt Nam vốn coi trọng nghề nông (nông nghiệp), coi hạt thóc là hạt ngọc (“ngọc thực”); triết lý của người Việt Nam coi nông nghiệp là gốc của mọi thứ trong xã hội (“canh nông vi bản”).
Hình hài của đất nước, vóc dáng của dân tộc Việt Nam hôm nay là do nông dân tạc vào lịch sử; truyền thống và văn hóa của người Việt Nam cũng là do nông dân và các tầng lớp trí thức tinh hoa của họ tạo dựng lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc... Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”(1).
Nghề gì là nghề chính của nước ta, có ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất đến sự ổn định xã hội và phát triển của đất nước? Nông nghiệp!
Ngành kinh tế nào là ngành kinh tế quan trọng nhất, có ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất đến sự ổn định xã hội và phát triển của đất nước? Kinh tế nông nghiệp!
Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng nhất của đất nước, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai, “nền kinh tế lấy canh nông làm gốc”. Thực tế cho thấy, chúng ta cũng đã từng quyết tâm xây dựng nền kinh tế “thoát nông” lấy ưu tiên phát triển công nghiệp nặng làm nền tảng, làm “then chốt”, theo mô hình phát triển đã qua của các cường quốc công nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy, phải lấy điểm tựa cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước từ nông nghiệp. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trước hết là cho nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phải chăng, đó mới là gốc, đó mới là sức mạnh nội sinh của chúng ta?
Làng - không gian sinh tồn của người nông dân
Không gian sống của người nông dân, cụ thể và gắn bó nhất, là làng; vì vậy, có lẽ là, làng phải là đơn vị trung tâm trong phát triển nông thôn nói chung, trong xây dựng nông thôn mới nói riêng, chứ không phải xã, huyện hay tỉnh.
Làng là điểm tụ cư, là nơi sinh sống và làm ăn lâu đời của nông dân ở vùng đồng bằng và trung du, với các vùng địa lý - sinh thái khác là buôn, bản, plei, sóc... có phạm vi địa lý cụ thể và mang những đặc trưng riêng biệt của cư dân, của “người làng”. Thường thì làng nào cũng có văn hóa phi vật thể riêng của làng ấy, từ tập tục, “nếp nhà”, tính nết, phong cách con người, sự cố kết của các dòng họ, lời ru của mẹ, chuyện cổ tích của bà, tiếng gà tao tác trưa hè đến lễ hội và thậm chí là cả giọng nói; đây cũng là nơi tạo dựng nên văn hóa vật chất, những thứ đã tạc vào tâm thức mỗi đứa con của làng, như cánh đồng với cánh cò lặn lội bờ sông, bến đò với lững lờ con nước tháng Ba, cây đa đợi chờ và chào đón người đi xa từ khi họ còn cách làng hàng mấy cây số; rồi thì chùa làng, ao làng, giếng làng, cổng làng, nhà thờ họ... nơi bó bện của biết bao tình nghĩa, nơi vui buồn của biết bao kiếp người...
Làng, theo những đứa con của làng, là nơi nối dài truyền thống của một vùng đất, giữ làng là giữ cái gốc để con người còn có nơi để mà hướng về cội nguồn. Chính những cái tưởng như nhỏ bé và vụn vặt này làm nên sức mạnh của làng, của dân tộc; nên, yêu làng thì yêu nước, đã yêu nước thì tất nhiên là yêu làng, yêu dân, đó là chân lý giản đơn nghìn đời nay của dân tộc này; vì vậy, giữ làng là giữ nước và ngược lại: muốn giữ nước thì phải giữ làng, giữ dân, được dân tin yêu...
Như vậy, làng mới làm nên sức mạnh văn hóa và văn hiến Việt Nam. Chúng ta đã nhiều lần mất nước, nhưng chưa bao giờ mất làng. Sức mạnh và sự trường tồn của làng thật to lớn và bền bỉ. Có làng thì mới có nước, trong ngôn ngữ của người Việt Nam, không phải ngẫu nhiên mà có các từ ghép “làng nước”, “nước nhà”, “đất nước” để chỉ Tổ quốc, để nói lên sức mạnh cộng đồng của người Việt Nam, sự gắn bó với quê cha, đất Tổ của người Việt Nam, cái làm nên sức mạnh cội nguồn của dân tộc Việt Nam.
Những cái “văn hóa phi vật thể’ và “văn hóa vật thể’ ấy cùng với cư dân (người làng) làm nên LÀNG. Diện mạo và đặc trưng của nông thôn Việt Nam là làng. Khi phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới, cần gạn đục, khơi trong để làng vẫn chứa đựng các không gian văn hóa đặc trưng xưa của làng nhưng với hơi thở mới, mang tính thời đại. Nếu không, làng Việt Nam sẽ dần biến mất, không ai và không gì có thể cứu vãn nổi.
Nhìn vào bức tranh làng quê Việt Nam từ khi có Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), ai cũng phải thừa nhận, về mặt vật chất, điện - đường - trường - trạm, do Nhà nước và nhân dân cùng làm và những ngôi nhà mới xây, từ trụ sở các cơ quan đến nhà dân, nhìn chung đều to đẹp và khang trang, đã làm thay đổi hẳn khuôn mặt nông thôn, diện mạo làng quê.
Nhưng làng phải thế nào hay nên như thế nào về cả mặt hình thức thể hiện bên ngoài lẫn cái hồn cốt bên trong ở các vùng, miền khác nhau?
Một trong những nét chấm phá dễ nhận ra nhất của công cuộc xây dựng NTM hiện nay là “bê-tông hóa nông thôn” và “phố hóa làng mạc”. Làng nhìn bề ngoài thấy có vẻ là to đẹp hơn, nhưng làng thực là LÀNG thì dường như ngày càng bé lại và khiêm nhường sau những tòa nhà cao tầng “đời mới”; và cứ đà này, đến một lúc nào đó, không còn làng nữa, làng sẽ tan biến trong cơn lốc NTM và đô thị hóa!
Làng không chỉ tan biến dần về kiểu dáng kiến trúc, quy hoạch cảnh quan, mà cả hồn cốt của làng cũng đang phai nhạt và mai một dần. Hồn cốt làng ăn sâu trong đời sống chất phác, ngay thật, tâm hồn trong sáng, hướng thiện và đức chịu đựng vô tận của người nông dân. Làm nông nghiệp không có “tương lai” nên trai gái làng không ly hương thì khó mà có thể khá giả được!
Làng rỗng, nên mọi thứ trong làng cũng cứ ngày một nhạt nhẽo dần, kể cả kết nối giữa người với người và đạo đức xã hội, tình làng nghĩa xóm. Nông thôn dần dà sẽ phai nhạt văn hóa làng. Rõ ràng là rất cần một đại quy hoạch mới về nông thôn, để có cảnh sắc nông thôn, để có kiểu dáng nhà cửa nông thôn và những gì sâu hơn thế nữa!
Cần đổi mới nhận thức về đất đai và đầu tư công
Đất đai vừa là nhu cầu căn bản, vừa là khát vọng lớn nhất của người nông dân. Đối với người nông dân, đất đai là cuộc sống và cũng là văn hóa, là quê hương, là cội nguồn, là mồ mả tổ tiên, là niềm tin và điểm tựa.
Bất kỳ ai, đã là người Việt Nam, hầu hết đều có một cánh đồng để nhớ, một làng quê để yêu, ở đó có thế giới tuổi thơ, nơi nhen nhóm và hun đúc nên lòng yêu nước thương nòi trong mỗi con người. Hồn cốt cánh đồng, hồn cốt làng quê, cả hữu hình và vô hình, chính là đất đai.
Vì thế, các vấn đề có liên quan đến đất đai không chỉ là mối quan tâm của người nông dân, của chủ doanh nghiệp, của nhà quản lý... mà còn liên quan đến tất cả mọi người; vì dù xa, dù gần gì, dù mặc áo gì hay được gắn nhãn mác gì, hầu hết chúng ta, đều có gốc gác “nhà quê”. Nên, chính sách đối với đất đai còn là nỗi buồn hay niềm vui chung của tất cả mọi người, của toàn xã hội. Có lẽ vì thế mà, thể chế (chính sách và tổ chức thực hiện chính sách) về đất đai có liên quan sâu sắc đến sự hưng thịnh của mỗi quốc gia, đến sự tồn vong của một thời đại.
Khi nói về đất đai ở nông thôn, vấn đề được nhiều người quan tâm và tranh biện là các khái niệm về “sở hữu toàn dân", “quyền sở hữu", “quyền sử dụng", về những thua thiệt của người nông dân trong quá trình phát triển và hội nhập...
Có lẽ ít có đất nước nào như ở nước ta, thực tiễn quản lý nhà nước những năm qua cho thấy, có đến 80% khiếu nại, tố cáo của công dân, tập trung vào lĩnh vực quản lý nhà và đất, trong đó về đất đai chiếm đến 70%; trong các vụ án đã được xét xử, liên quan đến đất đai chiếm tới 75%.
Những vướng mắc chính trong công tác quản lý đất đai ở nước ta hiện nay chủ yếu là do nhận thức trong chính sách quản lý nhà nước về đất đai chưa được đồng nhất; chế độ giao quyền sử dụng đất chưa được hoàn chỉnh; giá trị kinh tế đất đai chưa được xác định đúng; phân loại đất đai còn bất cập; quản lý đất đai còn lỏng lẻo, lãng phí... Hiệu quả sử dụng đất không cao, xã hội có nhiều bất ổn, trong đó có nguyên do từ quản lý đất đai.
Một trong những “câu chuyện” về đất đai, còn có vấn đề tích tụ và tập trung ruộng đất ở nông thôn. Hiện đại hóa nông nghiệp đòi hỏi phải đi kèm với việc tích tụ và tập trung ruộng đất đủ lớn một cách có hệ thống nhằm tăng quy mô ruộng đất trung bình của nông hộ, và xu hướng này đang diễn ra ở nước ta, cánh đồng mẫu lớn là một ví dụ. Không tập trung và tích tụ ruộng đất, nông dân không thể giàu lên được.
Vấn đề đặt ra là: Tại sao quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất lại diễn ra chậm chạp? Hoặc là, tại sao nông dân lại không nhận ra được hiệu quả thấp và chi phí cao của việc ruộng đất phân tán, manh mún? Hay tại sao họ không tự nguyện dồn điền, đổi thửa để tổ chức lại sản xuất? Điều gì ngăn cản những người nông dân sản xuất nhỏ cùng với những người hàng xóm của họ tập trung lại ruộng đất để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư? Hay là, với nông hộ nhỏ (tiểu nông), phân tán ruộng đất vẫn còn có nhiều lợi thế? Bên cạnh đó, câu hỏi không phải là liệu tập trung ruộng đất có đúng đắn hay không mà là làm thế nào để xử lý các hậu quả xã hội, kinh tế, chính trị của những chương trình áp chế tập trung ruộng đất để mở rộng quy mô sản xuất.
Hiện nay, cơn sốt đất đã tràn về nông thôn, giá đất tăng cao nên cơ hội cho việc tích tụ và tập trung đất đai càng khó hơn nữa. Nhiều quốc gia khác đã tiến hành rất thành công công cuộc này là nhờ những chính sách rất khôn ngoan ngay từ đầu đối với đất đai và nông nghiệp khi giá cả đất đai còn rất rẻ, thậm chí là người ta còn cho không nhau đất đai.
Đấy là còn chưa nói đến tâm lý nông dân vẫn giữ đất dù họ đã ly hương, đề phòng rủi ro mất việc ở đô thị sẽ về làng vẫn còn miếng đất cắm dùi, họ coi đất đai như một “cuốn sổ bảo hiểm”, do các cấu trúc an sinh xã hội của chúng ta chưa giải quyết được vấn đề nông dân mất đất và công nhân (gốc nông dân) mất việc tại đô thị và các khu công nghiệp.
Chênh lệch quá lớn về đầu tư công giữa nông thôn - thành thị có tác dụng tiêu cực. Nó hạn chế năng suất nông nghiệp, giảm những cơ hội để nông dân và cư dân nông thôn tạo ra thu nhập và của cải ngay tại địa phương, làm nghiêm trọng thêm vấn đề đói nghèo, giảm tiềm năng phát triển đô thị, công nghiệp. Các đô thị đang đông đúc và tắc nghẽn do dòng người di cư từ nông thôn ra làm tăng chi phí cho phát triển đô thị. Điều này cũng đi ngược lại với mô hình đầu tư tại các quốc gia có tăng trưởng cao.
Một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để tăng phúc lợi cho vùng nông thôn và giảm nghèo bền vững là phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn.
Tăng đầu tư để cải thiện kết cấu hạ tầng và các dịch vụ khác cho nông nghiệp đòi hỏi phải có ngân sách. Phần lớn cái giá phải trả cho việc phát triển các khu công nghiệp là do những người nông dân mất đất gánh chịu. Họ chỉ nhận được một khoản đền bù rất thấp.
Do nguồn lực được ưu tiên đầu tư cho các khu vực khác, tăng trưởng nông nghiệp đang mất đi sự năng động. Giai đoạn 1990 - 2000, sản lượng nông nghiệp tăng trung bình 5,9%/năm, trong khi giai đoạn 2000 - 2008 tăng trưởng còn 4,2%/năm và giai đoạn 2011 - 2020 chỉ còn 2,83%.
Phát triển đô thị và công nghiệp đang được thúc đẩy đi trước sự phát triển của nông thôn. Để có được sự phát triển bền vững về lâu dài, cả hai khu vực đều phải cùng phát triển nhanh. Tăng trưởng nông nghiệp cần phải được duy trì mạnh mẽ để việc phân bố lao động giữa các khu vực đi theo hướng tự nguyện chứ không phải do bị ép buộc vì đói nghèo và khốn cùng.
Cần cơ cấu lại đầu tư công và dịch vụ công nhằm cân đối đầu tư công khu vực đô thị và nông thôn. Không ai muốn và có lẽ cũng chẳng ai có thể chối bỏ quê hương, song nếu mức sống và tiện nghi sinh hoạt giữa đô thị và nông thôn quá khác xa nhau thì nước ta sẽ tiếp tục còn chứng kiến những cuộc di dân lớn hơn nữa hướng ra phố thị. Điều này tạo sức ép cho đô thị và cũng thách thức, đe dọa sự phát triển của nông thôn.
Theo số liệu năm 2020, tuy giá trị sản xuất nông nghiệp trung bình cả nước đạt 99,5 triệu đồng/ha (tăng 82% so với năm 2010), thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn khoảng 41,7 triệu đồng (tăng 3,25 lần so với năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân khoảng 1%/năm và đến hết năm 2020 còn 7,1%(1) (giảm 4,7% so với năm 2016),... Nhưng, vẫn còn rất nhiều nông dân có thu nhập trung bình dưới 50 nghìn đồng/ngày và nông dân nhìn chung vẫn phải chịu thua thiệt đủ đường so với các cư dân khác. Nguyên nhân chính là do lĩnh vực quan trọng này bị chính sách công “bỏ rơi”, nhà đầu tư nhìn chung ít mặn mà trong việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có nguyên nhân từ chính sách đất đai, chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Nông dân phải đối mặt với khá nhiều nguy cơ, như dịch bệnh, thiên tai, tín dụng đen, giá vật tư nông nghiệp tăng nhanh, giống giả, phân bón kém chất lượng, thuốc bảo vệ thực vật rởm, làng quê ô nhiễm,... Nhưng có những nguy cơ mang tính “thời đại” mà những người dân quê đang phải đối mặt, đó là: nông dân mất ruộng, nông dân chán ruộng, nông dân chán chốn thôn quê.
Nghị quyết về tam nông - bản chất và trên thực tế là Nghị quyết về người nông dân
Nhiều người cho rằng, Nghị quyết về tam nông, về bản chất và trên thực tế là Nghị quyết về người nông dân; nói về tam nông nhưng về bản chất và trên thực tế chỉ có một vấn đề, đó là những “câu chuyện” của người nông dân, về người nông dân - những người có sinh kế chủ yếu bằng nghề nông và môi trường sống là nông thôn. Nhìn vào nông nghiệp là để thấy nguồn sống và đóng góp của nông dân vào công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước, nhìn vào nông thôn để thấy sự bảo đảm “không gian sinh tồn”, không gian văn hóa, cái làm nên cốt cách của con người, hồn cốt dân tộc. Trọng tâm của chính sách tam nông, chính là chính sách và thái độ của chúng ta đối với người nông dân!
Trong một đất nước, khi nói đến nhân dân là nói về nông dân, khi nền kinh tế đất nước vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, không gian sinh tồn chủ yếu của cư dân là nông thôn, thì sự ổn định của khu vực này là sự ổn định của đất nước, sự phát triển của khu vực này là sự phát triển của dân tộc. Giải quyết được vấn đề nông dân là giải quyết được các vấn đề khác của đất nước; giải quyết được những “câu chuyện” của người nông dân thì sẽ tạo nên sức mạnh cộng hưởng, dời non lấp biển. Tam nông là vấn đề hệ trọng, khó và phức tạp, nên bất kỳ chính sách hay chủ trương, đường lối nào có liên quan đến nông dân, nông thôn, nông nghiệp đều phải là chính sách vì người nông dân, từ người nông dân.
Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, chúng ta đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, làm thay đổi hẳn diện mạo nông thôn. Đến nay, có 70% số xã đạt chuẩn NTM, đời sống nông dân được nâng cao, nông nghiệp ngày càng hiện đại và đang từng bước vươn mình từ nền nông nghiệp truyền thống còn đậm nét tiểu nông sang nền nông nghiệp số.
Nghị quyết số 26-NQ/TW đã hướng trọng tâm vào sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao sự đóng góp của ngành nông nghiệp vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước, cũng như đóng góp của sản xuất nông nghiệp vào GDP quốc gia, lấy đất đai và tự do hóa thị trường làm động lực, giải phóng sức sản xuất của đất. Trên tinh thần định hướng chung của Nghị quyết, cần quan tâm đầy đủ, toàn diện và đứng mức hơn về người nông dân (địa vị chính trị, thân phận xã hội, vai trò kinh tế). Lâu nay, do quan tâm nhiều hơn đến sản xuất nông nghiệp, đến phát triển kinh tế nông thôn, đến đóng góp của ngành nông nghiệp vào GDP nên vai trò và vị trí của người nông dân chưa được giải quyết đúng tầm.
Chính sách đầu tư công đã thể hiện điều đó, các câu chuyện buồn xung quanh việc cưỡng chế, thu hồi đất đai khi nhà đầu tư, với sự giúp sức của chính quyền địa phương, trong giải phóng mặt bằng để mở các khu công nghiệp, các khu đô thị, các sân golf; việc giãn dân xây dựng các công trình thủy điện nhưng người dân mất rừng, mất ruộng sống ngay dưới chân cột điện cao thế của nhà máy thủy điện vẫn tù mù với chiếc đèn dầu... đã nói lên điều đó. Dường như câu hỏi làm thế nào để nông dân thực sự là chủ thể, là người làm chủ nông thôn vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Có ý kiến cho rằng, nói đến phát triển nông nghiệp là bàn đến các vấn đề như tăng trưởng, cạnh tranh, bảo tồn các nguồn tài nguyên,... và người ta thấy thực trạng là: nguồn lực (đất, nước, rừng, sinh thái...) đang bị suy giảm và cạn kiệt. Giải pháp nào cho các vấn đề này trong tương lai trong khi chi phí đầu vào ngày càng tăng (giá quốc tế tăng, tỷ trọng mua ngoài ngày càng lớn...), lợi thế cạnh tranh quốc tế có nguy cơ bị giảm sút, áp lực chất lượng trên thị trường ngày càng ngặt nghèo, yêu cầu ổn định cung ứng ngày càng cao...
Nói đến phát triển nông thôn là nói đến các nội dung về không gian kinh tế, hạ tầng, dịch vụ công, nghèo đói, bản sắc văn hóa, suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường... Thực trạng hiện nay là: thiếu quy hoạch phát triển, hạ tầng yếu kém, dịch vụ công vừa thiếu, vừa kém hiệu quả, chi phí cao, quản lý tài nguyên bất cập, môi trường bị ô nhiễm...
Nói đến nông dân là nói đến số lượng và chất lượng cuộc sống của người nông dân, như thu nhập, tổ chức dân cư, liên kết cộng đồng, giám sát xã hội, dân chủ hóa, dân trí... Tình trạng hiện nay là: thu nhập thấp, bấp bênh, ly nông, ly hương bất đắc dĩ, thiếu việc làm, đối mặt với nhiều loại tệ nạn xã hội, dân chủ bị vi phạm, chất lượng sống thấp, vị thế thấp, tiếp cận dịch vụ công yếu, thiếu bình đẳng...
Vấn đề tam nông cần được nhìn nhận trong bối cảnh phát triển mới với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, chuyển đổi số và biến đổi khí hậu cùng với những cú sốc tự nhiên và các nhân tai bất thường, khó đoán định (dịch bệnh, chiến tranh).
Những vấn đề đặt ra đó được đề cập trong Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong đó, mục tiêu chung của chính sách tam nông, suy cho cùng, là: 1- Không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân, hình thành tầng lớp nông dân chuyên nghiệp, làm nông là một nghề có tri thức, tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình phát triển và bảo vệ Tổ quốc, để người nông dân tự hào và hãnh diện với nghề nghiệp của mình; 2- Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, đó là nền nông nghiệp có trách nhiệm, có khả năng cạnh tranh cao, tạo ra giá trị gia tăng cao, hiệu quả kinh tế - xã hội cao và bền vững; 3- Xây dựng nông thôn hiện đại, đó là nông thôn mang hơi thở của thời đại, văn minh, tiện nghi và hiện đại, tạo ra cơ hội cho một đứa trẻ sinh ra ở nông thôn cũng không khác gì cơ hội của một đứa trẻ sinh ra ở thành phố; nhưng vẫn là nông thôn Việt Nam, mang đậm văn hóa của cộng đồng mình, của dân tộc mình, của đất nước mình.
Do vậy, cần quan tâm đến các nội dung sau trong phát triển: Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế khu vực nông thôn, trong tăng trưởng cần chú ý đến tiến bộ xã hội, chú trọng đến vấn đề công bằng trong phát triển; Thứ hai, tăng phúc lợi từ điều chỉnh lợi ích xã hội, Nhà nước chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh và phân phối phúc lợi này; Thứ ba, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại; muốn vậy, cần “cởi trói” được 3 nút thắt trong kinh tế nông thôn: kết cấu hạ tầng, chất lượng nhân lực và quản trị cộng đồng. Trong đó chú ý, nông thôn văn minh, hiện đại khác một thành phố văn minh, hiện đại, cần thực hiện như thế nào để nông thôn vẫn là nông thôn, nơi chứa đựng văn hóa và văn hiến Việt Nam, đồng thời thực sự trở thành nơi đáng sống - là một câu hỏi lớn cần được trả lời tường minh, khoa học.
Nghị quyết về tam nông mới - Niềm tin và mong đợi
Một số quan điểm được thể hiện rõ hơn trong Nghị quyết về tam nông mới:
Các quan điểm mới về “tam nông” được thể hiện rõ hơn trong Nghị quyết mới là:
Thứ nhất, dân là gốc: Dân là nguồn gốc của mọi động lực phát triển, chính sách phát triển. Ở nông thôn, nông dân là trung tâm của quá trình phát triển (chủ thể, làm chủ, là chủ, dân chủ, công bằng...) trong quá trình phát triển;
Thứ hai, củng cố và tăng cường liên minh công - nông - trí thức:
Thể chế trong liên minh thể hiện ở chỗ Nhà nước vì lợi ích xã hội, chú trọng đến nông dân, nông thôn như một khu vực kinh tế quan trọng (tăng trưởng, an ninh lương thực, xuất khẩu, đầu tư, quy hoạch...) và các vấn đề khác về người nông dân và cộng đồng nông thôn, như dân chủ hóa, chuyên nghiệp hóa, bình đẳng, vị thế xã hội...
Thứ ba, chính sách đất đai là cội nguồn của chính sách kinh tế trong nông thôn, vì đất đai gắn với môi trường sống, sinh kế và cơ hội phát triển của nông dân, đất đai gắn với văn hóa, đất đai gắn với chế độ canh tác và tổ chức sản xuất và các mối quan hệ trong xã hội nông thôn (chủ sử dụng - cho thuê, đại điền - tiểu điền, trực canh - gián canh...), đất đai gắn với chính trị, thể chế như đói nghèo, mất đất, thất nghiệp, bất ổn, xung đột, mâu thuẫn,...
Hiện nay, chính sách đất đai đang là trung tâm của các vấn đề trong xã hội nông thôn, như sinh kế, các mâu thuẫn trong việc nông dân mất đất, nông dân chán ruộng (bỏ hoang đất, ly nông), nông dân chán chốn thôn quê (vì đất không nuôi nổi người, ly hương). Khi chuyển đổi đất, sinh kế của nông dân bị mất đi trước khi họ kịp chuẩn bị chuyển đổi nghề nghiệp mới. Đa số nông dân mất nghề nông khi mất đất, trở thành đội quân thất nghiệp kéo đến các thành phố làm gia tăng áp lực về các vấn đề xã hội ở đô thị.
Xây dựng và phát triển tầng lớp nông dân mới
Cùng với hệ thống chính sách đồng bộ về nông nghiệp, nông thôn, đất đai và đầu tư công, vấn đề sống còn mang tính quyết định đến sự thắng lợi của công cuộc phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM trong những năm tới là xác định được “chân dung” và từ đó, hình thành tầng lớp nông dân mới.
Để có tầng lớp nông dân mới, có 2 vấn đề cốt tử nhất, đó là: 1- Đào tạo họ thành các nông dân chuyên nghiệp, thích làm ruộng, biết làm ruộng, hạnh phúc với đồng quê, yêu mến và tôn trọng thiên nhiên và dám làm giàu cho mình và cho cộng đồng từ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; 2- Nhà nước trao quyền cho họ, và cùng họ vận hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo cơ chế thị trường.
Người nông dân mới phải là các nông dân có học và được đào tạo, những con người có văn hóa thì mới mong trở thành người nông dân văn minh theo như Nghị quyết của Đảng.
Người nông dân thiếu gì? Họ thiếu thông tin, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng và thiếu được đào tạo để có thái độ đúng, để có đủ kiến thức và kỹ năng “làm ruộng”.
Các cơ sở giáo dục đại học hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu đào tạo rất lớn và đa dạng; chỉ có “đại học số” mới có thể đáp ứng được số lượng người học khổng lồ và nhu cầu cực kỳ đa dạng của kiến thức và kỹ năng của thời chuyển đổi số. “Đại học số” sẽ góp phần quan trọng để biến các thanh niên nông thôn (và cả thanh niên không ở nông thôn nhưng yêu mến nghề nông) sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở (lớp 9) thành các “thanh nông trí điền” - các nông dân chuyên nghiệp của thời chuyển đổi số, thay cho lớp “lão nông tri điền” của một thời chưa xa.
Nhà nước cần có các chương trình, các chính sách phù hợp, tập trung và đủ mạnh để đào tạo thanh niên nông thôn và những người thực sự muốn làm nông nghiệp, coi đó là chính sách phát triển, là đầu tư cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, để có các nông dân chuyên nghiệp, đủ sức làm chủ ruộng đồng, làm chủ công nghệ và kỹ thuật, làm chủ thị trường, đủ sức vươn ra quốc tế, kiểu như là “nông dân toàn cầu” vậy.
Trao quyền cho nông dân, cả theo luật định, theo lẽ tự nhiên và theo phạm trù đạo đức, thể hiện qua các khế ước xã hội giữa nhà nước và người nông dân. Trong thời đại hiện nay, trao quyền cho nông dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là động lực chính cho phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM để nông dân thực sự là chủ thể, là chủ và làm chủ ruộng đồng, làm chủ nông thôn. Động lực do đất đai mang lại như thời Khoán 10 không còn nhiều nữa. Trao quyền là tạo ra cơ hội, mở ra cơ hội cho người dân thể hiện quyền làm chủ, phát huy sức mạnh của từng người nông dân, từng hộ nông dân, của cả cộng đồng nông thôn.
Ngày xưa, thời HTX kiểu cũ, người nông dân chỉ được làm chủ mảnh đất 5% mà họ đã làm cho mảnh đất ấy đủ nuôi sống họ bươn chải qua những năm tháng cực kỳ khó khăn. Ngày nay, nếu được làm chủ thực sự, làm chủ toàn diện thì họ sẽ tạo ra sức mạnh “dời non, lấp biển”, tạo ra những bước nhảy vọt trong xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và khi ấy, họ thực sự là những người nông dân thông minh!
Điểm tựa để người nông dân thể hiện và phát huy quyền làm chủ sau khi được trao quyền là thị trường, khoa học - công nghệ và liên kết các hộ nông dân trong các HTX, trong các nghiệp đoàn nghề nghiệp của họ, vì họ, cho chính họ.
Đô thị hóa phải gắn với phát triển nông thôn, đô thị hóa nông thôn. Đô thị hóa nông thôn không phải là đưa mô hình nhà ống, các biệt thự từ phố thị về thôn quê mà là tạo ra các sinh kế mới phi nông nghiệp cho nông dân, tạo ra điều kiện sống như đô thị, tạo cơ hội cho một người dân nông thôn như một người dân đô thị, tạo cơ hội cho mọi đứa trẻ sinh ra ở nông thôn cũng có cơ hội phát triển như một đứa trẻ sinh ra ở đô thị.
Xen lẫn thôn quê, các vùng nông nghiệp, các vùng nguyên liệu là các thành phố, các đô thị xanh hiện đại, văn minh, đẹp chỉ với một vài triệu dân, với các nhà máy chế biến nông sản, trung tâm thu mua nông sản, tạo ra các vùng lõi đô thị trong nông thôn. Phải chăng, đô thị hóa nông thôn là vậy?
Không ít các quốc gia đã trở nên giàu có và hùng cường nhờ biết chọn điểm tựa là nông thôn, nhờ biết chọn khâu đột phá là kinh tế nông nghiệp, đó là nền kinh tế nông nghiệp dựa trên tư duy công nghiệp, tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo “kiểu công nghiệp’, ở đó người ta gọi một ngành sản xuất nông nghiệp nào đó là “công nghiệp nông nghiệp” (agricultural industries), như ngành sản xuất (bao gồm cả chế biến và tiêu thụ) lúa gạo là Rice Industry, ngành sản xuất nho và rượu vang là Grape Industry, hay ngành chăn nuôi lợn là Pig Industry... Sự phát triển của các ngành “công nghiệp” này dựa vào 3 trụ cột chính: 1- Đổi mới sáng tạo được tôn vinh để luôn tạo ra và làm chủ các công nghệ vượt trội; 2- Chuyên môn hóa cao, chuyên nghiệp hóa cao; 3- Quản trị hệ thống tiên tiến./.
----------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 246
(2) Theo kết quả khảo sát sơ bộ mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê
GS, TS, NGND. TRẦN ĐỨC VIÊN
Nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam