Lý luận về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của chủ nghĩa Mác-Lênin và sự bổ sung, phát triển của Đảng ta

Lý luận về thời kỳ quá độ (TKQĐ) lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) là một nội dung quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lênin, luận giải giai đoạn chuyển tiếp còn đan xen những yếu tố, đặc điểm của cả hai hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa (giai đoạn thấp là XHCN) và hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa (TBCN). Trung thành và không ngừng vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển lý luận này qua các thời kỳ cách mạng là một nét đặc trưng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

1. Lý luận về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin

Vận dụng triệt để quan niệm duy vật về lịch sử vào nghiên cứu đời sống xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin để lại một hệ thống lý luận cơ bản, lịch sử, cụ thể về TKQĐ lên CNXH, có giá trị định hướng con đường phát triển đi lên của các dân tộc theo quy luật phát triển chung của thời đại và đặc thù của các quốc gia - dân tộc. Hệ thống đó dựa trên cơ sở khoa học và bao gồm:

Học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội do C.Mác và Ph.Ăngghen phát minh tạo nên cuộc cách mạng trong quan niệm về lịch sử xã hội loài người, là cơ sở khoa học để nhận thức chân thực về TKQĐ. Trên cơ sở quan điểm sản xuất vật chất là cơ sở của đời sống xã hội, phương thức sản xuất quyết định các mặt của đời sống xã hội, đồng thời là cơ sở quyết định sự hình thành, phát triển, thay thế lẫn nhau giữa các hình thái kinh tế - xã hội, các ông làm sáng tỏ, xã hội loài người đã và sẽ tuần tự trải qua 5 hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao [1]; đỉnh cao, tiến bộ nhất là hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa (CSCN). Giữa các hình thái ấy luôn có một thời kỳ chuyển tiếp được gọi là TKQĐ.

Lý luận về phân kỳ hình thái kinh tế - xã hội CSCN. Phân tích TKQĐ từ xã hội TBCN sang xã hội CSCN ở các nước TBCN đã phát triển cao nhất, C.Mác chỉ ra và xác định hai giai đoạn phát triển của hình thái kinh tế - xã hội CSCN: Giai đoạn thấp là XHCN, giai đoạn cao là CSCN. Ở giai đoạn XHCN, chế độ kinh tế và sự phát triển của văn hóa mới đạt tới giới hạn và chỉ bảo đảm cho xã hội thực hiện nguyên tắc “Làm theo năng lực, hưởng theo lao động”. Ở giai đoạn CSCN, con người không còn bị lệ thuộc vào sự phát triển của lao động; lao động vừa là phương tiện sống, vừa trở thành nhu cầu bậc nhất của cuộc sống; sự phát triển phi thường của lực lượng sản xuất tạo ra năng suất lao động ngày càng tăng, của cải tuôn ra dào dạt… xã hội đủ các điều kiện vật chất và tinh thần để thực hiện nguyên tắc“Làm hết năng lực, hưởng theo nhu cầu”; sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.

Xác định, luận giải về XHCN là TKQĐ từ CNTB lên CNCS được C.Mác phân tích: 1) Không gian và thời gian là “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia” [3]; 2) Thực chất xã hội thời kỳ đó “không phải là một xã hội cộng sản chủ nghĩa đã phát triển trên những cơ sở của chính nó, mà trái lại là một xã hội cộng sản chủ nghĩa vừa thoát thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa, do đó là một xã hội, về mọi phương diện - kinh tế, đạo đức, tinh thần - còn mang những dấu vết của xã hội cũ mà nó đã lọt lòng ra” [3], “Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản” [4]; 3) Công cụ để thực hiện sự cải biến đó là nhà nước chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản.

Thống nhất với chủ nghĩa Mác về phân kỳ hình thái kinh tế - xã hội CNCS, vận dụng vào phân tích, xem xét ở những nước chưa có lực lượng sản xuất phát triển cao như nước Nga Xô viết, hoặc chưa trải qua CNTB mà lại đang và sẽ bỏ qua chế độ CNTB; cùng sự phân tích những thành phần, bộ phận, đặc điểm không thuần nhất, đan xen, thâm nhập lẫn nhau của các yếu tố của CNTB và CNXH, thấy được sự lấn át của xã hội cũ đối với xã hội mới và tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp của thời kỳ này, V.I.Lênin đã phân chia quá trình hình thành, phát triển của hình thái kinh tế - xã hội CNCS thành ba giai đoạn: I “những cơn đau đẻ kéo dài”, II “giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa”, III “giai đoạn cao của xã hội cộng sản chủ nghĩa”. Ở đó, xác định: “giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa, là xã hội vừa thoát thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa sau những cơn đau đẻ kéo dài” [5].

Từ sự phân tích, đánh giá trên đây, V.I.Lênin đã đưa ra khái niệm về thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH, đó là: “Về lý luận, không thể nghi ngờ gì được rằng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, có một thời kỳ quá độ nhất định. Thời kỳ đó không thể không bao gồm những đặc điểm hoặc đặc trưng của cả hai kết cấu kinh tế xã hội ấy. Thời kỳ quá độ ấy không thể nào lại không phải là một thời kỳ đấu tranh giữa chủ nghĩa tư bản đang giãy chết và chủ nghĩa cộng sản đang phát sinh, hay nói một cách khác, giữa chủ nghĩa tư bản đã bị đánh bại nhưng chưa bị tiêu diệt hẳn, và chủ nghĩa cộng sản đã phát sinh nhưng vẫn còn rất non yếu” [6].

Nghiên cứu, phát triển chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin làm sâu sắc tính chất lâu dài, phức tạp của TKQĐ lên CNXH ở những nước trình độ phát triển khác nhau, rằng: Với những nước chưa có CNTB phát triển cao mà đi lên CNXH, “cần phải có một thời kỳ quá độ khá lâu dài từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội” [7]. Tính chất đó được quy định bởi chỗ thời kỳ đó không chỉ phải làm nhiệm vụ của TKQĐ từ CNTB lên CNXH mà còn phải thực hiện cả một loạt nhiệm vụ mà đáng lẽ CNTB đã phải làm trước khi cách mạng vô sản nổ ra, như xóa bỏ các tàn tích phong kiến, kiến lập nền công nghiệp cơ khí hóa… Với những nước càng ít phát triển, “tất yếu phải có một thời kỳ quá độ lâu dài và phức tạp từ xã hội tư bản chủ nghĩa (xã hội đó càng ít phát triển, thì thời kỳ đó càng dài),… chỉ là một trong những bước đầu tiên tiến lên xã hội cộng sản chủ nghĩa” [8]. Đây là giá trị lý luận khoa học đặc sắc được đúc rút từ tính quy luật: CNXH ra đời trên cơ sở của sự phát triển đến đỉnh cao của CNTB; đồng thời, tuân thủ tính khách quan: CNXH có thể ra đời từ xuất phát điểm thấp hơn CNTB khi có những điều kiện, tiền đề và thời cơ chín muồi (những khả năng, con đường hiện thực của một xã hội mới - xã hội XHCN mà thực tiễn tất yếu cách mạng đã đem lại).

Với thực tiễn những năm đầu của TKQĐ lên CNXH ở nước Nga Xô viết giúp cho V.I.Lênin đưa ra kết luận khoa học: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội” [9]… Từ đó, xác lập nên hai hình thức cơ bản của TKQĐ lên CNXH: 1) Quá độ trực tiếp - từ những nước tư bản phát triển lên CNXH; 2) Quá độ gián tiếp - từ những nước chưa qua giai đoạn phát triển TBCN lên CNXH.

Ở hình thức quá độ thứ hai - quá độ bỏ qua CNTB lên CNXH, V.I.Lênin chỉ ra, nhiệm vụ của TKQĐ sẽ nặng nề, khó khăn, phức tạp hơn, bởi phải thực hiện “kép” cả hai nhiệm vụ là xây dựng CNXH về mặt chính trị, xã hội và đạt được những thành tựu cơ bản của CNTB về mặt khoa học, lực lượng và trình độ sản xuất. Do vậy, ông nhấn mạnh và đòi hỏi sự cần thiết phải trải qua nhiều bước trung gian, quá độ mới có thể xây dựng thành công CNXH, ví như, phải “bắc những nhịp cầu nhỏ” đi xuyên qua kinh tế tư bản để từng bước xây dựng CNXH. Đồng thời, lưu ý “chúng ta phải hiểu những đường lối, thể thức, thủ đoạn và phương sách trung gian cần thiết để chuyển từ những quan hệ tiền tư bản chủ nghĩa lên chủ nghĩa xã hội. Đó là mấu chốt của vấn đề” [10].

2. Sự bổ sung, phát triển lý luận về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng ta

Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vận dụng sáng tạo và bổ sung, phát triển lý luận về TKQĐ lên CNXH phù hợp với đặc điểm, bối cảnh, tình hình cách mạng nước ta, thể hiện ở tổng quan chung, lịch sử và cụ thể, đó là:

Khẳng định phương hướng, con đường tất yếu đi lên CNXH và CNCS của cách mạng Việt Nam là theo con đường chung: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội” như chủ nghĩa Mác - Lênin đề ra. Đó là con đường đã được Cương lĩnh đầu tiên của Đảng xác định: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”; và Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ ra: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”. Con đường đó tất yếu sẽ trải qua TKQĐ lên CNXH với những dấu ấn, đặc trưng của cách mạng Việt Nam.

Thừa nhận tính chất khó khăn, phức tạp, lâu dài, nhưng làm rõ đặc điểm TKQĐ lên CNXH ở Việt Nam: “từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” [11]; “một thời kỳ cải biến cách mạng sâu sắc, toàn diện, triệt để nhằm xây dựng từ đầu một chế độ xã hội mới cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng” [12]; “là sự nghiệp rất khó khăn, phức tạp, cho nên phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội có tính chất quá độ” [13].

Thừa nhận ở Việt Nam có một TKQĐ lên CNXH, nhưng bổ sung, xác định nội dung mới: “quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại” [14]. Lựa chọn hình thức quá độ gián tiếp, nhưng Đảng có bước phát triển mới về nhận thức là không bỏ qua hoàn toàn CNTB với tính cách là một hình thái kinh tế - xã hội TBCN, mà kế thừa có chọn lọc những thành tựu, trước hết là về khoa học và công nghệ nhân loại đạt được trong CNTB, chỉ bỏ qua CNTB với tính cách là một chế độ chính trị.

Thừa nhận định tính phổ quát về kinh tế, chính trị, xã hội của TKQĐ lên CNXH như chủ nghĩa Mác - Lênin xác định, nhưng Đảng ta lại tiến xa hơn, cụ thể hóa, xác lập nên các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể ở những chặng đường khác nhau của TKQĐ lên CNXH ở Việt Nam.

Sau năm 1975, ở “chặng đường đầu tiên” quá độ đi lên CNXH, Đại hội IV xác định phương hướng chung: “nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng… mà cách mạng kỹ thuật là then chốt”; công nghiệp hóa XHCN là “nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ, nhằm xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội” [15]. Nhờ đó, tạo điều kiện cho Đại hội VI xác định “mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo” [16]. Với nhận thức ban đầu đó, trên cơ sở đánh giá thành tựu, hạn chế của hơn 15 năm xây dựng CNXH trên cả nước, cùng sự nhận thức rõ hơn về tính chất đặc điểm của TKQĐ, tại Cương lĩnh năm 1991, Đảng ta đã xác định: “Mục tiêu tổng quát phải đạt tới khi kết thúc thời kỳ quá độ là xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội, với kiến trúc thượng tầng về chính trị và tư tưởng, văn hoá phù hợp, làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh”; đồng thời chỉ ra: “Mục tiêu của chặng đường đầu là: thông qua đổi mới toàn diện, xã hội đạt tới trạng thái ổn định vững chắc, tạo thế phát triển nhanh ở chặng sau” [17].

Sau 21 năm lãnh đạo cả nước tiến hành các nhiệm vụ ở chặng đường đầu tiên của TKQĐ, tổng kết việc thực hiện mục tiêu của Đại hội VII và Cương lĩnh 1991, căn cứ vào tình hình thực tế đất nước, từ Đại hội VIII (1996), Đảng ta xác định: “thế và lực của đất nước ta đã có sự biến đổi rõ rệt về chất. Nước ta đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng… tạo được tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” [18]. Kể từ năm 1996 đến năm 2020, khi nước ta chuyển sang “thời kỳ phát triển mới”, trong mục tiêu tổng quát của các đại hội thời kỳ này (Đại hội VIII đến Đại hội XI), cùng với việc phấn đấu thực hiện nhiều mục tiêu kinh tế, chính trị - xã hội, đối ngoại, Đảng ta luôn điều chỉnh và tiến tới xác định mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, nhằm “tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau” [19].

Với cột mốc về thời gian bắt đầu từ năm 2020, Đảng ta đã đề ra: “Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Do vậy, mục tiêu cụ thể “để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau” của TKQĐ lên CNXH hiện nay chính là: “Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” [20], như Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011) xác định, và Đại hội XII, XIII tiếp tục bổ sung, cụ thể hóa rõ hơn, đó là: “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” [21].

Thừa nhận những mô hình cơ bản về xây dựng CNXH, nhưng bổ sung, tiến tới xác lập ngày càng đầy đủ, hoàn thiện về thể chế kinh tế, mô hình nhà nước trong TKQĐ lên CNXH.

Chủ nghĩa Mác - Lênin đã vạch ra những mô hình khái lược về xây dựng CNXH ở những nước có trình độ phát triển và xuất phát điểm khác nhau trong TKQĐ lên CNXH. Đảng ta đã tiếp thu có chọn lọc, sáng tạo, bổ sung, phát triển phù hợp đặc điểm chung và tình hình cụ thể ở mỗi chặng đường quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam. Đúc kết những mục tiêu, mô hình đã định ra và xây dựng ở chặng đường đầu TKQĐ lên CNXH, Cương lĩnh 1991 do Đại hội VII đã xác định 6 đặc trưng về xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng [22]. Tổng kết thành tựu trong quá trình xây dựng đất nước trong “thời kỳ phát triển mới”, đồng thời định hướng cho “giai đoạn sau” đến giữa thế kỷ XXI, Văn kiện Đại hội X (2006) và Cương lĩnh (Bổ sung phát triển năm 2011) của Đại hội XI đã bổ sung toàn diện, hoàn thiện hơn thành 8 đặc trưng xã hội XHCN mà nhân dân ra xây dựng là: “một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản” [23]. Trong đó, đặc trưng bao trùm, tổng quát là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thể chế kinh tế trong TKQĐ lên CNXH ở Việt Nam được Đảng ta tập trung xây dựng, từng bước bổ sung, hoàn thiện. Nếu như từ Đại hội VI (1991) đến Đại hội VII, Đảng khởi thảo và tiến tới xác định trong Cương lĩnh 1991: “nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần” là đặc trưng cơ bản của thể chế kinh tế ở TKQĐ lên CNXH, thì đến Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011) và Văn kiện Đại hội XII đã thống nhất xác định: “Thống nhất nhận thức nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước” [24]. Đến Đại hội XIII (2021) tiếp tục khẳng định và thống nhất định hướng: “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” [25].

Mô hình nhà nước XHCN mà nhân dân ta tập trung xây dựng cũng liên tục được nhận thức, bổ sung, phát triển qua các kỳ đại hội. Từ khái niệm “dân chủ”, “hệ thống chính trị” xác lập tại Hội nghị Trung ương 3 khóa VI (1989), tiếp đến khái niệm “Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” do Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1-1994) nêu lên, sau là khái niệm: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo” được nêu lên trong Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011), và Đại hội XIII tiếp tục xác định… là những bước phát triển lớn trong nhận thức về mô hình Nhà nước XHCN ở Việt Nam trong TKQĐ lên CNXH.

Đại hội XIII của Đảng là một cột mốc quan trọng trong lịch sử Đảng, đánh dấu cả một quá trình hình thành, bổ sung, phát triển cũng như đúc kết những vấn đề lý luận cơ bản, toàn diện về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Trong đó, lý luận về TKQĐ lên CNXH của chủ nghĩa Mác - Lênin đã được Đảng ta trung thành và vận dụng sáng tạo không ngừng, đem lại nhưng tư duy, nhận thức mới về CNXH ở Việt Nam; đồng thời, mở ra một thời kỳ phát triển mới của dân tộc Việt Nam trên con đường đi lên CNXH./.

-----------

 [1] Cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.

[2], [3], [4] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 19, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.47, 33, 47.

[5] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 33, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.223.

[6] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 39, Sđd, 2005, tr.309-310.

[7] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 38, Sđd, 2006, tr.464.

[8] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 44, Sđd, 2006, tr.197.

[9] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 30, Sđd, 2006, tr.160.

[10] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 43, Sđd, 2005, tr.274

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.411.

[12], [16] Văn kiện Đảng: Toàn tập, tập 47, Sđd, 2006, tr.374, 376.

[13], [14] Văn kiện Đảng: Toàn tập, tập 60, Sđd, 2016, tr.31, 30-31.

[15] Văn kiện Đảng: Toàn tập, tập 36, Sđd, 2004, tr.60-61.

[17], [18] Văn kiện Đảng: Toàn tập, tập 51, Sđd, 2007, tr.136-137, 311.

[19], [20], [23] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.103, 71, 70.

[21], [25] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.35-36, 114.

[22] Văn kiện Đảng: Toàn tập, tập 50, Sđd, 2007, tr.217.

[24] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.25.

 

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website