Lan tỏa niềm tin, khát vọng về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

Vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với một số cơ quan chức năng và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tuyển chọn, xuất bản, ra mắt cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam - Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” đã nhận được sự chú ý, đón nhận đặc biệt của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Bài viết của Tổng Bí thư và cuốn sách có ý nghĩa, tầm quan trọng cả lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Sáng rõ hơn con đường dân tộc ta đi

Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân Việt Nam, là sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Đây là chân lý được thử thách và kiểm nghiệm trong thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam hơn 90 năm qua, nhất là sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước có được như ngày hôm nay khẳng định con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn là đúng đắn, càng củng cố niềm tin và sự kiên định của dân tộc ta vào con đường đi lên CNXH. Song CNXH là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được CNXH ở Việt Nam? Đó là những vấn đề lớn mang tính thời đại sâu sắc và rộng lớn.

Những dấu ấn lịch sử từ khi chủ nghĩa Mác ra đời, chủ nghĩa xã hội hiện thực sau cách mạng tháng Mười Nga thành công, sự sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô, Đông Âu và cho tới dòng chảy lịch sử nhân loại ngày nay, CNXH và con đường đi lên CNXH là đề tài lý luận và thực tiễn hết sức căn bản, quan trọng, phong phú, phức tạp. Thậm chí, có những quan điểm không giống nhau, đối lập nhau về CNXH của nhiều học thuyết, chủ nghĩa, trường phái lý luận của lịch sử tư tưởng nhân loại cận, hiện đại. Một số học giả tư sản mang nặng thế giới quan tư sản, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động lấy đó để công kích, chống phá cách mạng Việt Nam, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đã từng có lúc - nhất là khi Liên bang Xô viết sụp đổ - một số cán bộ, đảng viên hoài nghi, dao động, mất niềm tin, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị về CNXH và con đường đi lên CNXH.

Bằng những lập luận chặt chẽ, phân tích sâu sắc, biện chứng, logic, chắt lọc, đúc kết từ thực tiễn phong phú, chân thực, khoa học trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, với tinh thần kiên định, vững vàng, bản lĩnh và trọng trách người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư đã đi vào những vấn đề căn bản, quan trọng, gai góc để từng bước trả lời cho những câu hỏi thời đại về CNTB, CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Tổng Bí thư chỉ rõ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; có điều kiện phát triển toàn diện các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. Kiên định CNXH, con đường đi lên CNXH là tất yếu khách quan, phù hợp với quy luật phát triển thời đại, đặc biệt với hoàn cảnh lịch sử cụ thể Việt Nam, bản sắc văn hóa dân tộc, kiên định con đường đi lên CNXH cách thức thực hiện mục tiêu, khát vọng về một xã hội tốt đẹp: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bài viết của Tổng Bí thư đặc biệt có ý nghĩa về cả tầm tư tưởng, lý luận và thực tiễn; luận giải đúng, đi thẳng vào vấn đề căn bản, gai góc, cấp thiết nhất của thời đại với dẫn chứng sinh động, lập luận chặt chẽ, thuyết phục từ thực tiễn; từ ngữ khoa học mà gần gũi, dung dị, làm sáng rõ hơn vấn đề lý luận, thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam với trách nhiệm, tâm huyết Người đứng đầu của Đảng. Bài viết có sức tác động to lớn, sâu rộng đến tư tưởng, tình cảm, hành động của mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Lan tỏa niềm tin, đoàn kết, thống nhất về tư tưởng, hành động

Ngay sau khi bài viết của Tổng Bí thư được công bố (15/5/2021) đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng sâu rộng, nhận được sự đón nhận của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước cũng như bè bạn, các chính đảng, chính khách, các học giả, nhà khoa học, nghiên cứu lý luận và dư luận quốc tế đánh giá cao. Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” tập hợp 107 bài viết của các học giả, nhà khoa học, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong nước và 48 bài trao đổi, trả lời phỏng vấn, đánh giá của các học giả, nhà nghiên cứu, chính khách, bè bạn quốc tế xoay quanh bài viết. Các học giả, tác giả trong cuốn sách đã phân tích, đánh giá giá trị lý luận, thực tiễn bài viết của Tổng Bí thư ở những khía cạnh, góc độ khác nhau. Qua đó nhận thức sâu sắc, lan tỏa tinh thần, tư tưởng trong bài viết của Tổng Bí thư. Ví như bài viết “Văn kiện mang tính cương lĩnh về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Chủ nhiệm Văn phòng nghiên cứu so sánh chính đảng thế giới, Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, Giáo sư Triệu Tự Sinh phân tích, đánh giá: “Đây là bài viết có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn quan trọng, định hướng cho Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân nỗ lực phấn đấu nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (tr.616).

Cuốn sách là tài liệu nghiên cứu có giá trị, giúp cán bộ, đảng viên, các nhà lãnh đạo, quản lý và nhân dân hiểu sâu sắc hơn nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trên cơ sở đó luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Cuốn sách đúng như tinh thần, tư tưởng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống” (tr.27-28).

Cuốn sách là tập hợp những bài viết được đăng tải trên các cơ quan thông tấn, báo chí lớn sau khi bài viết của Tổng Bí thư được công bố. Góp phần nhận thức sâu sắc, lan tỏa tinh thần, tưởng trong bài viết của Tổng Bí thư, Báo CAND vinh dự có 9 bài viết được lựa chọn in trong cuốn sách là các bài viết của cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên Học viện Chính trị CAND.

Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” lan tỏa tư tưởng, niềm tin của nhân dân vào con dân tộc ta đi; đồng thời giúp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất cao về tư tưởng và hành động để phấn đấu hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước phát triển ngày càng phồn vinh và hạnh phúc, vững chắc đi lên CNXH.

 

TS Lê Thế Cương (Học viện Chính trị CAND)



Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website