Kỳ cuối: Dấu ấn của người đứng đầu trong thực hiện Đề án 06

Tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 được tổ chức ngày 25/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tới vai trò, đồng thời yêu cầu người đứng đầu, lãnh đạo các cấp, bộ, ngành, địa phương phải có sự chuyển biến, thay đổi về tư duy mới đạt hiệu quả cao khi thực hiện những nhiệm vụ trên.

Đam mê mới sáng tạo, lan tỏa cách làm hay

Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cho biết, bám sát tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với sự hỗ trợ giúp đỡ của Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, TP Hà Nội được tin tưởng lựa chọn là đơn vị thực hiện điểm, làm mẫu, nhân rộng trong toàn quốc. Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án, ngay sau Hội nghị triển khai Đề án 06 của Chính phủ ngày 18/1/2022, UBND TP Hà Nội đã quán triệt, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện quyết liệt. Những nhiệm vụ trọng tâm của đề án đã được UBND TP Hà Nội triển khai cơ bản đúng tiến độ, bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực, được nhân dân Thủ đô ủng hộ và tin tưởng. Để làm được điều đó, vai trò của công tác tuyên truyền là rất quan trọng. Bám sát vào những nhiệm vụ trong năm 2023 với chủ đề “Năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, Thành ủy Hà Nội đã có Nghị quyết về “Chuyển đổ số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Kỳ cuối:Dấu ấn của người đứng đầu trong thực hiện Đề án 06 -0
Đoàn viên Công an huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) tuyên truyền trực tiếp đến người dân về tầm quan trọng, ý nghĩa, lợi ích và những giá trị thiết thực mà ứng dụng VNeID mang lại. Ảnh: CTV

Hiện, 100% UBND cấp huyện, xã và chính quyền, đoàn thể ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo 06 và Tổ công tác 06 để tuyên truyền người dân hiểu, tham gia vào chuyển đổi số.

Theo đó, có 30 Ban chỉ đạo 06 cấp huyện, quận, 579 Ban chỉ đạo 06 cấp xã và 5247 tổ công tác tại thôn, tổ dân phố trong đó lực lượng Công an là nòng cốt. Đây là lực lượng nòng cốt tham gia chính trong công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn công dân về các lợi ích của Đề án 06, hỗ trợ người dân trong việc triển khai các nội dung liên quan đến làm sạch dữ liệu, hỗ trợ về công nghệ thông tin, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến, tổ công nghệ cộng đồng…

Hiện nay, 100% quận, huyện và thị xã trên địa bàn thành phố đang xây dựng và triển khai các mô hình để hỗ trợ người dân tiếp cận, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Có thể kể tới như mô hình trụ sở tiếp dân kiểu mẫu tại các đơn vị chức năng giải quyết thủ tục hành chính; mô hình hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công tại các địa bàn khu đô thị, chung cư cao tầng, khu, cụm công nghiệp, các khu dân cư.

Các đơn vị trên địa bàn thành phố đã có những biện pháp, cách thức sáng tạo như thành lập các tổ cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà; các mô hình như “Ngày thứ Sáu xanh”, “Ngày thứ Ba không viết”, “Ngày thứ Bảy tình nguyện hỗ trợ nhân dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến”, “Điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24/24h” tại các nhà văn hóa, các video clip hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục hành chính; đoàn thanh niên thực hiện các chiến dịch ra quân hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện cài đặt ứng dụng VNEID và các dịch vụ công trực tuyến.

Thông tin với PV, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: Nhiều đơn vị, ban chỉ đạo làm tốt như Ban chỉ đạo 06 quận Ba Đình đã triển khai phong trào “Vận động nhân dân tại các khu chung cư cao tầng, khách sạn trên địa bàn đăng ký thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia”; xây dựng 28 điểm tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ban chỉ đạo 06 của quận Hà Đông đã gửi thư ngỏ đến hơn 10 vạn hộ dân, gia đình, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời hướng dẫn hưởng ứng, cài đặt, ứng dụng, sử dụng ứng dụng VNEID, đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Công an quận Tây Hồ đã tổ chức triển khai máy lưu động xác thực định danh điện tử và hướng dẫn kích hoạt VNEID cho hơn 2000 giáo viên, học sinh các trường THPT, các trường hợp người già, không có khả năng đi lại,… để thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Khẩn trương số hóa,  kết nối dữ liệu

Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh, phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, là nguồn lực của Đề án 06, cho chuyển đổi số nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phuc vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thực chất, hiệu quả, qua đó hướng đến xây dựng công dân số, xã hội số, Chính phủ số.

Kỳ cuối:Dấu ấn của người đứng đầu trong thực hiện Đề án 06 -0
Ngày càng nhiều người dân, đặc biệt là các bạn trẻ tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Chỉ khi người dân, doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào công cuộc chuyển đổi số thì lúc này chuyển đổi số mới thật sự có kết quả và ý nghĩa. Và muốn làm được điều đó thì bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, công tác số hóa, kết nối, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương phải được thực hiện nhanh chóng, chính xác, an toàn và bảo mật. Đánh giá xuyên suốt những nhiệm vụ trọng tâm trong lộ trình thực hiện Đề án 06 và đặc biệt năm 2023 được xem là “Năm dữ liệu”, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu; tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ đồng thuận, nhất trí cao. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cũng khẳng định, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo thúc đẩy chuyển đổi số và Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt và hiệu quả.

Trong rất nhiều những nhiệm vụ, giải pháp của các bộ, ngành, địa phương đều nhấn mạnh đến nội dung, phải đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối với các nền tảng số, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06, nhất là 10 dịch vụ công đã quá hạn trong năm 2022. Hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã cung cấp trên môi trường mạng, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia; đánh giá rà soát và tái cấu trúc toàn bộ dịch vụ công đã cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia bảo đảm đáp ứng nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết, tính tới ngày 25/12/2022, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, liên thông với 47 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; đồng thời cấp trên 76 triệu thẻ CCCD gắn chip điện tử; đồng bộ trên 234 triệu thông tin tiêm chủng; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử; xác thực thông tin chính xác của gần 50 triệu thuê bao di động…

Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng sâu, rộng, hiệu quả. Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp gần 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (gấp 3 lần so với năm 2021); hơn 154 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (gấp 1,7 lần so với năm 2021); hơn 3,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (gấp hơn 5,7 lần năm 2021); nhiều dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp được cung cấp kịp thời, hiệu quả như đăng ký dự thi, xét tuyển đại học, cao đẳng, cấp hộ chiếu trực tuyến; thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí.

Kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Rõ ràng, chỉ khi nào người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương thật sự quan tâm, thay đổi về tư duy trong thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số thì kết quả mang lại mới thật sự chuyển biến, như những số liệu đã chứng minh trên thực tế.

Cũng theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, TP Hà Nội hiện đã triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu, đạt 100% trong đó có 9/25 dịch vụ công có số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến đạt tỷ lệ 100%. Hiện nay, TP đang tập trung các biện pháp tăng cường tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Qua rà soát, thống kê hiện trên toàn thành phố có 1,6 triệu đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên. Thành phố cũng xác định tổng số công dân có thể thực hiện dịch vụ công tốt trên môi trường mạng (trong độ tuổi từ 16- 60) khoảng 4,5 triệu người.

Với tinh thần “cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu, đi đầu” trong việc triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, UBND TP Hà Nội sẽ báo cáo Thành ủy chỉ đạo giao chỉ tiêu 100% đảng viên, cán bộ, công chức thực hiện các dịch vụ công trực tuyến thay vì trực tiếp; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân khi tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến dưới các hình thức; kiến nghị các bộ, ngành hoàn thiện quy trình điện tử, đảm bảo kết nối, đường truyền ổn định để thực hiện dễ dàng; phấn đấu hết năm 2023 đạt 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, học sinh từ 14 tuổi trở lên trên địa bàn thành phố và 80- 90% công nhân, người lao động, công dân trên địa bàn thành phố có tài khoản định danh điện tử, tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia và cài đặt, sử dụng, ứng dụng VNEID. Công chức Thủ đô phải thành thạo, sử dụng và hướng dẫn người dân mở tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, số hóa, hình thành kho dữ liệu tập trung toàn thành phố, trong đó chú trọng những dữ liệu về đất đai, xây dựng, y tế, lao động, an sinh xã hộ, hộ tịch…đồng bộ, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.

 

Nguồn Báo CAND

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website