Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, sáng 24/11. Ảnh: Giang Huy
“Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của văn hoá trong hành trình phát triển của đất nước, sự tồn vong, hưng thịnh của quốc gia, dân tộc. Theo Tổng Bí thư, “nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ”. Chính giá trị cốt lõi đó mang lại hạnh phúc đích thực cho con người.
Có thể nói, Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021 là sự tiếp nối, cụ thể hoá mục tiêu của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân”[1]. Phạm trù hạnh phúc được đề cập nhiều chiều, từ hạnh phúc cá nhân đến hạnh phúc xã hội, hạnh phúc dân tộc, đất nước, và cũng chính hạnh phúc là điểm đến, là mục tiêu hướng tới của cả nhân loại.
“Hạnh phúc là gì?”
Ngay từ thời Hy lạp cổ đại, con người đã kiếm tìm, lý giải cái gọi là “hạnh phúc” và coi nó là một phạm trù triết học liên quan đến đạo đức của con người, gắn liền với đức hạnh con người. Quan niệm đức hạnh là con đường dẫn đến hạnh phúc cho phép người Hy lạp cổ đại coi hạnh phúc là chuẩn mực đánh giá các hành động đúng. Aristotle, Platon, Heraclitus dường như đều gặp nhau ở những kiến giải về hạnh phúc. Trong cuốn Đạo đức học Nicomachean, Aristotle cho rằng “hạnh phúc là điều duy nhất mà con người mong muốn vì lợi ích của mình”[2]. Với Platon, hạnh phúc được chia thành ba cấp: hạnh phúc xác thịt, hạnh phúc bên ngoài và hạnh phúc về tâm hồn.
Thời Trung Quốc cổ đại, trường phái Nho gia chủ trương “Hạnh phúc lớn nhất của người quân tử là được cống hiến cho xã hội, lập được công danh”. Hạnh phúc là phải có tri thức, phải được học hành đến nơi đến chốn và đem tài năng của mình ra giúp đời, giúp nước. Bản thân đức Khổng Tử từng chia sẻ quan niệm về hạnh phúc. “Khi nghĩ đến những điều tốt đẹp, con người sẽ sống hạnh phúc hơn”. Theo Khổng Tử, hạnh phúc được khơi nguồn từ những suy nghĩ đẹp, song không phải có suy nghĩ đẹp là đã giải quyết được vấn đề hạnh phúc nhân sinh. Điều mấu chốt dung hoà hạnh phúc cá nhân với hạnh phúc dân tộc là giác ngộ, giáo dục quần chúng, nâng cao ý thức công dân, tinh thần trách nhiệm với vận mệnh quốc gia, dân tộc. Ngược lại, phái Đạo gia, lại coi hạnh phúc chỉ hiện hữu nơi cuộc sống vô vi, nhàn hạ, hòa hợp với tự nhiên. Sống hạnh phúc là sống thanh đạm, biết thế nào là đủ, không tham lam, không bon chen, không cạnh tranh.
Trong quan niệm của các tôn giáo, hạnh phúc cũng là phạm trù được đặc biệt quan tâm. Thiên chúa giáo với viễn cảnh thiên đàng tươi sáng, biểu tượng mong đợi của các tín đồ. Phật giáo chủ trương cảnh giới niết bàn, chấm dứt mọi khổ đau với trạng thái tâm an lạc là chân hạnh phúc. Trong kinh Maha Mangala Sutta (kinh Chân hạnh phúc), mười biểu hiện trạng thái tâm hạnh phúc được Đức Thế Tôn chỉ bày. Các trạng thái đó đều bắt nguồn từ tâm vị tha và tâm trí tuệ, từ kinh nghiệm và cảm thọ giác quan đến tâm hoan hỉ, an lạc. Đặc biệt, đạo đức và giá trị đạo đức được xem như huyết mạch xuyên suốt mang lại các trạng thái hạnh phúc.
Dưới góc nhìn từ tâm lý học, hạnh phúc gắn liền với cảm xúc cá nhân về cuộc sống hiện tại. Đó là những trải nghiệm tích cực, cảm giác thoả mãn, hài lòng được biểu hiện qua: niềm vui, sự hào hứng, lòng biết ơn, niềm tự hào, lạc quan và mãn nguyện. Nói chung là tâm trạng hài lòng, là “trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện”[3].
Tuy nhiên, dưới góc nhìn từ văn hoá - xã hội, hạnh phúc không chỉ là tâm trạng hài lòng của một cá nhân về cuộc sống thực tại mà còn là sự tổng hợp những yếu tố xã hội và cá nhân, là sự thừa nhận của xã hội; là lý tưởng cao cả, là sự cống hiến, sự đấu tranh tích cực giành lấy niềm vui, giành hạnh phúc cho mọi người và cho chính mình.
Nhớ lại lời Tự bạch của C.Mác khi ông trả lời hai cô con gái Gien-ni và Lô-ra: “Quan niệm của cha về hạnh phúc?”. - “Hạnh phúc là đấu tranh”. Hạnh phúc không có sẵn. Muốn có hạnh phúc phải tích cực, kiên trì đấu tranh chống lại cái ác, cái bất thiện, cái vô văn hoá và phản văn hoá. Năm 1835, Các Mác từng khẳng định: "Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất"[4]. Ông cũng viết "Chỉ có cầm thú mới quay mặt trước nỗi đau của đồng loại, mà chăm lo cho hạnh phúc riêng của mình...". Như vậy, hạnh phúc trong tư tưởng của Mác là hạnh phúc lớn, hạnh phúc của cả nhân loại. Đấu tranh để chống áp bức, bất công; đấu tranh để giành độc lập tự do; đấu tranh để bảo vệ hòa bình và sự sống; đấu tranh với tư duy lối mòn cũ kỹ, lạc hậu để vươn tới văn minh, tiến bộ; đấu tranh để bảo vệ công bằng và lẽ phải… chính là đảm bảo hạnh phúc đích thực giữa cuộc đời thực cho con người. Lý tưởng hạnh phúc đó, dẫn theo lời của triết gia người Tây Ban Nha, Paul B. Preciado, chính là sự giải phóng chính trị và cao hơn cả là tinh thần của chủ nghĩa nhân văn, hướng tới cái chân – thiện – mỹ của loài người.
Trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân
“Công an nhân dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. 12 chữ gói trọn lý tưởng sống, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân. Bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội chính là bảo vệ sự yên bình, hạnh phúc, niềm vui, nụ cười cho người dân. Lý tưởng ấy thấm đậm, lan toả trong mỗi cán bộ, chiến sĩ công an. Cần mẫn, trách nhiệm, người cán bộ, chiến sĩ công an nhận hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui và hạnh phúc của mình. Phục vụ nhân dân, kính trọng, lễ phép với nhân dân, thương yêu con người, trải tâm hồn tới thế giới vạn vật, đó là biểu hiện của nền văn hoá đẫm chất nhân văn chảy khắp chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam.
Vang vọng trong tâm lời Bác dạy “Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết. Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân. Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình. Phải làm kiểu mẫu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính; Chí công vô tư”[5]. CAND đã vững vàng sải bước trên con đường vì nước, vì dân với âm hưởng của lời thề danh dự: “... Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tuỵ phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân...”. Con đường đến với hạnh phúc là phải biết đấu tranh, đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, cái bất nhân, ti tiện và cái “vô văn hoá, phản văn hoá”. Lực lượng công an đã nhận lãnh trách nhiệm đầy khó khăn, thách thức này. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình an ninh trật tự trong nước, khu vực quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp; đại dịch covid tác động trực tiếp đến mọi phương diện của cuộc sống; an ninh mạng, truyền thông, dư luận xã hội ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống tinh thần của người dân. Hạnh phúc con người xã hội hiện đại không chỉ bó hẹp “ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp”. Đó chỉ là thứ hạnh phúc cấp thấp, nhu cầu cấp thấp (nói theo Maslow là nhu cầu sinh học) của con người. “Sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng” là điều kiện cần và đủ, là mục tiêu hướng tới của hạnh phúc. Đó cũng chính là nhiệm vụ của văn hoá, là vấn đề trọng tâm, nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, là tinh thần của Hội nghị văn hoá toàn quốc, đồng thời cũng xác định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc bảo vệ “lẽ phải và công bằng”.
Đương nhiên, khi bàn về hạnh phúc, mỗi dân tộc, quốc gia, một nền văn hoá khác nhau có những quan niệm, trải nghiệm về hạnh phúc cũng khác nhau. Người phương Tây, thường trải nghiệm hạnh phúc qua sự bứt phá, tự khẳng định của cái tôi cá nhân. Người châu Á thường kiếm tìm hạnh phúc thông qua sự được thừa nhận. Nhưng tựu trung lại, hạnh phúc chỉ có thể có được khi cá nhân sống trong môi trường văn hoá, an ninh, an toàn, nơi mà lẽ phải, sự công bằng được tôn trọng và bảo vệ./
Trung tá, TS. Nguyễn Tuyết Lan
Trưởng khoa KHXHNV và Tâm lý, T03
[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
[2] https://youmed.vn/tin-tuc/quan-niem-ve-hanh-phuc-da-dang-va-sau-xa-nhu-the-nao/
[3] Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội 2010, tr. 549.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.433,434.