DEEPFAKE: Khi thú vui công nghệ trở thành…mối đe dọa khó lường

 Deepfake trỗi dậy

Hiện tượng làm giả hình ảnh và vẻ ngoài để định hướng dư luận về một vấn đề nào đó là hiện tượng đã có từ lâu. Tuy nhiên, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ số, việc tạo ra hình ảnh giả đã trở nên hết sức phức tạp. Một trong những cách thức giúp chỉnh sửa hình ảnh đầy thuyết phục hiện nay chính là việc sử dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI), với loại hình deep learning, tạo ra không chỉ hình ảnh mà cả những đoạn video “chế” có khả năng đánh lừa giác quan con người một cách ngoạn mục mà không phải tốn nhiều chi phí. Công nghệ mới này nổi lên với tên gọi: deepfake.

Công nghệ deepfake có hai nguồn gốc là nguồn gốc nghiên cứu và nguồn gốc nghiệp dư. Xuất phát từ việc nghiên cứu công nghệ thị giác máy tính, nhưng deepfake lại không “cất cánh” từ việc phục vụ nghiên cứu mà lại nổi lên nhờ cộng đồng chỉnh sửa nghiệp dư trên mạng. Từ deepfake xuất hiện lần đầu từ tên một tài khoản Reddit năm 2017, kết hợp giữa từ deep (nghĩa là sâu, kỹ) trong deep learning (tên một kỹ thuật trong AI) và từ fake (nghĩa là giả). Chủ tài khoản này đã cùng những người khác trong một cộng đồng chỉnh sửa trên mạng xã hội Reddit (có tên là r/deepfakes) sử dụng công nghệ deep learning để tạo ra những video giả và chia sẻ chúng như một thú vui.

Sau đó, deepfake được lan truyền mạnh mẽ như một thú vui công nghệ mới. Hàng loạt video deepfake với nội dung đa dạng khác nhau đã lần lượt xuất hiện và nhanh chóng trở nên nổi tiếng, như: video deepfake giả lập cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama có một cuộc đối thoại hài hước; thậm chí có cả một video làm “sống lại” nàng Mona Lisa, khiến “nàng” biết nói và biểu cảm sống động như thật…

Theo chiều kim đồng hồ: 1. Donald Trump giả do diễn viên Jimmy Fallon thủ vai (mặt bên trái) và Donald Trump giả do deepfake tạo ra (mặt bên phải) từ cùng một video; 2. Mona Lisa trong tranh nguyên bản (trái) và hình ảnh Mona Lisa biết biểu cảm và nói chuyện (phải) do AI của Samsung tạo ra.

Những mối đe dọa khó lường về an toàn, an ninh

Những gì mà công nghệ deepfake có thể làm khiến cho nhiều người phải “rùng mình” khi nghĩ đến viễn cảnh nó bị lạm dụng. Hàng loạt vụ bê bối có tính chất phức tạp về an toàn, an ninh của cá nhân và cộng đồng liên quan tới deepfake đã xảy ra trên khắp thế giới, động chạm cả những nhân vật nổi tiếng và quyền lực, đã chỉ ra những nguy cơ thật sự mà deepfake có thể đưa đến.

Mối lo đầu tiên là sự lạm dụng deepfake có thể dẫn tới sự xâm phạm chưa từng có đối với sự an toàn cá nhân, tới quyền lợi, danh dự, nhân phẩm, thậm chí ảnh hưởng đến cả sức khỏe và tính mạng của con người. Cách đây không lâu, một phiên bản deepfake “méo mó” có tên là DeepNude, một ứng dụng sử dụng công nghệ AI để tạo ra các bức ảnh khỏa thân giả mạo của phụ nữ, đã xuất hiện trên trang mạng GitHub. Nó thu hút được sự quan tâm của nhiều người, với khả năng tạo ra hình ảnh khỏa thân “không che” của phụ nữ nhờ dùng công nghệ AI của deepfake. Vào tháng 4/2018, Rana Ayyub, một nữ nhà báo Ấn Độ, được báo tin về một video khiêu dâm ghép mặt của cô vào cơ thể một phụ nữ khác. Video này được chia sẻ hàng ngàn lần trên Facebook, Twitter, WhatsApp, làm cô phải nhập viện vì hoảng loạn. Đối tượng của việc xâm phạm danh dự và nhân phẩm qua deepfake không chừa bất cứ một ai, kể cả những nhân vật nổi tiếng, những diễn viên điện ảnh Hollywood như Scarlett Johannsson, Gal Gadot… Kẻ tấn công tìm tới dịch vụ ghép mặt trên mạng, tại những diễn đàn mà người tham gia được giữ ẩn danh. Chỉ mất 20 USD là kẻ tấn công đã có thể sở hữu một video “hàng fake”.

Sự lo lắng về deepfake lan sang cả lĩnh vực an ninh quốc gia, khi vào tháng 5/2019, một video sử dụng công nghệ chỉnh sửa đã bóp méo hình ảnh về sức khỏe của chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, khi mô tả bà đang phát biểu với dáng vẻ chậm chạp và như đang say rượu. Đây là một vụ việc có tính nghiêm trọng thực sự về mặt an ninh chính trị.

Ngày 13/06/2019, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã tổ chức một buổi điều trần mở để thảo luận về những nguy cơ đe dọa tới an ninh quốc gia bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo. Tất cả thành viên tham dự buổi điều trần đều là người giữ vị trí, chức vụ cao trong ngành luật, ngành an ninh hoặc ngành nghiên cứu và phát triển công nghệ AI. Mỗi thành viên đều có quan điểm riêng, nhưng một sự đồng thuận xuyên suốt Ủy ban đã được đưa ra: deepfakes đặt ra một mối nguy thật sự ở trên nhiều cấp độ đối với xã hội (từ cấp độ cá nhân đến cấp độ toàn xã hội). Clint Watts, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại Hoa Kỳ, cho rằng mối lo lớn nhất là việc sử dụng deepfake để tạo ra sự bất ổn trên diện rộng.

Một vấn đề nổi lên là chuyện deepfake có thể trở thành công cụ của tội phạm có tổ chức. Với khả năng làm giả giọng nói, deepfake có thể được dùng trong trò lừa “bắt cóc giả” – một hoạt động lừa đảo mới xuất hiện. Deepfake có thể được dùng cho mục đích cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty; khi các video deepfake về CEO của một công ty đối thủ, có các phát ngôn phỉ báng hoặc xúc phạm rồi phát tán qua mạng xã hội để tác động vào thị trường chứng khoán. Các đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao cũng có thể lợi dụng deepfake để giả dạng lãnh đạo các công ty và tập đoàn, ra các quyết định chuyển một lượng lớn tài sản cho bản thân chúng. Symantec, một công ty an ninh mạng lớn, cho biết đã ghi nhận ba vụ tấn công bằng âm thanh giả tạo nhắm vào các công ty tư nhân.

Deepfake: lằn ranh nào cho ứng dụng công nghệ và mối đe dọa an toàn, an ninh tiềm tàng?

Hiện nay, chưa có một nhận thức thống nhất, biện pháp pháp lý hay một chương trình toàn diện nào được hoàn thiện hay triển khai để chống lại tác động tiêu cực từ deepfake ở quy mô toàn cầu.

Giám đốc chính sách tại công ty công nghệ Open AI Jack Clark nhấn mạnh, thông tin giả và truyền thông giả mạo không phải là những vấn đề mới. Công nghệ AI chỉ là một “chất xúc tác cho một vấn đề đã hiện hữu với chúng ta một thời gian”. Công nghệ deepfake đơn giản là một công cụ; tự nó có cả mặt tích cực và cả tiêu cực. Mặt tích cực như việc ứng dụng AI để giả lập hình ảnh con người có thể thay thế cho biên tập viên truyền hình, hoặc giảm thiểu đáng kể chi phí trong nghiên cứu mô phỏng trên các lĩnh vực sản xuất phim ảnh, y khoa, chế tạo thiết bị …

Những giải pháp phòng ngừa mặt tiêu cực từ deepfake bước đầu đang được quan tâm nghiên cứu. Trước hết, mỗi người nên có nhận thức rõ ràng hơn việc thông tin mà mình chia sẻ là chính gốc hay là không. Cần gia tăng áp lực lên các kênh truyền thông, các địa chỉ mạng Internet để họ quản lý nội dung của người dùng một cách nghiêm túc hơn cũng như cần phải chịu trách nhiệm và chịu nghĩa vụ giải trình nhiều hơn.

Tiếp theo, cần tạo ra hành lang pháp lý để quản lý các phương tiện truyền thông tạo ra bởi deepfake, trong đó cần có các điều khoản pháp luật nghiêm cấm một số nội dung deepfake nhất định, ngăn chặn và trừng trị việc các cá nhân, cơ quan và tổ chức tạo ra và phát tán chúng. Bên cạnh đó, phát triển công nghệ để đối phó với sự lạm dụng deepfake là điều cần thiết. Điều này đang bước đầu được một số nhà khoa học triển khai, điển hình như nỗ lực của Giáo sư Henry Farid và cộng sự tại Đại học California nhằm phát triển công nghệ nhận dạng kỹ thuật số để phát hiện điểm giả tạo trong các video deepfake.

Sự phối hợp chặt chẽ với các mạng xã hội là điều thiết yếu để kiểm soát và chiến đấu với deepfake xấu độc. Đa phần các chuyên gia cho rằng nên thiết lập một cơ chế mở đối với công nghệ deepfake. “Khoa học hoạt động trên cơ sở sự cởi mở và chúng ta cần giữ gìn điều đó”, Jack Clark phát biểu. “Thay vì khóa trái cửa một căn phòng tối, chứa đựng những điều ta không biết và lo ngại, có lẽ ta nên cho mọi người một cây đèn để định hướng nó một cách an toàn”.

Việt Nam với nguy cơ đến từ công nghệ deepfake

Là một quốc gia đang hội nhập mạnh mẽ với quốc tế và khu vực, Việt Nam ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng từ những biến đổi của tình hình toàn cầu, trong đó có cả nguy cơ về an ninh mạng.

Ảnh: Quốc hội Việt Nam biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng.

Ngày 12/06/2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đáng chú ý, có 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng, đặc biệt là việc sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; các hoạt động chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng. Thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người và xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

Đây là một thành quả thực sự có tính đột phá trong công tác lập pháp và bảo vệ an ninh quốc gia của Việt Nam, trong bối cảnh nhiều nước trên khu vực và thế giới mới đang cân nhắc việc xây dựng những đạo luật tương tự. Trước mối đe dọa tiềm tàng từ công nghệ deepfake, việc Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội tại Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hành xử trên không gian mạng cho nhân dân và ban hành Luật An ninh mạng đã bước đầu tạo ra nền tảng để xử lý những vấn đề tiêu cực có thể được gây ra bởi deepfake một khi công nghệ này lan tới Việt Nam. Tất nhiên, để thực sự chủ động trước các nguy cơ an ninh mạng nói chung và nguy cơ từ deepfake nói riêng, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là nâng cao khả năng công nghệ để đấu tranh hiệu quả với các thủ đoạn tinh vi mới. Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều thay đổi to lớn, trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng điên cuồng của các thế lực thù địch và nhiều thủ đoạn hoạt động xảo quyệt của các loại tội phạm – trong đó không loại trừ việc sử dụng deepfake như một thứ “vũ khí” mới, các cơ quan chức năng Việt Nam cần tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, huy động được sức mạnh của toàn dân, phối hợp cùng nhau trong tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng biện pháp đối phó, phối hợp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn đấu tranh xử lý hiệu quả những hành vi lợi dụng công nghệ mới để phá hoại an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, giữ vững sự ổn định và phát triển của đất nước.

 

Lê Anh Thực – Học viện Chính trị CAND

Hoàng Hữu Trí – Công an tỉnh Ninh Bình

 

Tài liệu tham khảo:

Các báo điện tử tiếng Việt:

http://genk.vn/deepfake-thu-vu-khi-nguy-hiem-bac-nhat-sinh-ra-trong-thoi-dai-so-20190628145955436.chn

http://genk.vn/cong-nghe-deepfake-cua-samsung-dang-that-den-dang-so-xem-tu-si-rasputin-hat-bai-halo-cua-beyonce-la-hieu-20190625161610186.chn

https://techtalk.vn/deepfake-bong-ma-moi-cua-the-gioi-internet.html

Các trang mạng và báo điện tử tiếng Anh

https://en.wikipedia.org/wiki/Deepfake

https://www.vice.com/en_us/contributor/samantha-cole

https://www.theguardian.com/technology/ng-interactive/2019/jun/22/the-rise-of-the-deepfake-and-the-threat-to-democracy

https://www.fastcompany.com/90379001/criminals-are-using-deepfakes-to-impersonate-ceos

https://www.washingtonexaminer.com/policy/defense-national-security/deepfakes-a-national-security-threat

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website