Đặt lợi ích đại cục của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết

Trong suốt chiều dài lịch sử ra đời, phát triển, ngành Công an có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, với tinh thần “còn Đảng, còn mình”. 

Sáng 7/7, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” và Thường trực Ban Chỉ đạo đã làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương về nội dung dự thảo đề án nhằm trao đổi, thảo luận, nghe ý kiến của Đảng ủy Công an Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Ban Chỉ đạo để thống nhất, hoàn thiện các nội dung trong dự thảo đề án có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND.

Dự  buổi làm việc có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, thành viên Ban Chỉ đạo; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cùng các thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện một số bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong suốt chiều dài lịch sử ra đời, phát triển, ngành Công an có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, với tinh thần “còn Đảng, còn mình”. Sự lớn mạnh mọi mặt của ngành Công an từ Trung ương đến địa phương luôn đổi mới để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Quan điểm, lập trường của ngành Công an cũng được thể hiện rõ nét trong xây dựng bộ máy, điển hình là kiện toàn một bước quan trọng theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham dự buổi làm việc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao Bộ Công an đã có nhiều đóng góp to lớn, đặc biệt quan trọng trong đảm bảo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; ứng dụng kịp thời, hiệu quả khoa học công nghệ trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, số hóa, phát triển dữ liệu quốc gia về dân cư; phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước… Những kết quả to lớn của ngành Công an được Đảng, Nhà nước và nhân dân biểu dương, ghi nhận.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong thời gian tới với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, xây dựng Bộ Công an ngày càng lớn mạnh hơn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nặng nề Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ những nội dung quan trọng đồng thời gợi mở để các đại biểu cần tập trung thảo luận, làm rõ tại buổi làm việc, đánh giá khách quan, chặt chẽ, trên tinh thần kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, từ đó đi đến thống nhất cao.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Biên tập đề án báo cáo một số nội dung của đề án liên quan đến tổ chức và hoạt động của ngành Công an. Thay mặt Bộ Công an, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đã báo cáo tổng quan của Bộ Công an tham gia ý kiến vào đề án.

Đồng chí Phan Đình Trạc chủ trì điều hành phần tham luận với những nội dung có liên quan trong đề án cũng như theo gợi mở của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Dưới sự điều hành của đồng chí Phan Đình Trạc, các đại biểu đã cùng tập trung thảo luận, đánh giá về nhiều nội dung quan trọng; lắng nghe các ý kiến đóng góp có cơ sở thực tiễn, có tầm nhìn, bước đi chặt chẽ xây dựng đề án.

Các ý kiến phát biểu thẳng thắn, cởi mở, trực tiếp, xây dựng, trách nhiệm cao để xây dựng lực lượng Công an không ngừng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Phát biểu tại buổi làm việc, bày tỏ niềm vui mừng khi đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Ban Chỉ đạo cũng như những chuyên gia, đại biểu đã có những ý kiến chỉ đạo, tham luận, đóng góp vô cùng quan trọng, hiệu quả; góp phần hoàn thiện nội dung dự thảo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” là một đề án rất lớn, quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến con đường phát triển của đất nước đến năm 2030 định hướng đến năm 2045.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng nêu rõ, xác định rõ hơn cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp, bảo đảm tính ổn định của hệ thống cơ quan tư pháp, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, Thường trực Ban Chỉ đạo cầu thị lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp cụ thể, thẳng thắn, tâm huyết của các đại biểu vào các nội dung trọng tâm, nhất là những vấn đề khoa học, lý luận và thực tiễn cốt lõi, quan trọng liên quan đến tổ chức và hoạt động của Bộ Công an được đề cập trong dự thảo đề án.

Đánh giá cao kết quả tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Nhiều ý kiến góp ý sắc sảo, đi thẳng vào những vấn đề, nội dung chuyên sâu cần nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung để tiếp tục hoàn thiện dự thảo. Các ý kiến phát biểu cũng thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, đặt lợi ích đại cục của Tổ quốc, Nhân dân lên trên hết, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Một số vấn đề quan trọng đã được làm rõ và dần đi tới thống nhất.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý Ban Chỉ đạo và các thành viên trên tinh thần cân nhắc, chỉ lựa chọn những vấn đề có tính lý luận và thực tiễn đã chín muồi mới đưa vào văn kiện, đề án, vấn đề nào “chưa chín, chưa rõ” cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc xây dựng đề án thể hiện vai trò lịch sử cao cả, nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị trên tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII vì đất nước giàu mạnh, phồn vinh, vì hạnh phúc của Nhân dân. "Các nhà khoa học, các cơ quan chức năng nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhân dân, để thống nhất, quyết tâm có đề án chất lượng, vừa mang tính khoa học vừa mang tính thực tiễn phong phú, đóng góp cho ngành Công an trong hệ thống chính trị, vì sự ổn định và phát triển của đất nước"- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Tổ Biên tập xây dựng dự thảo đề án tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến bảo đảm những nội dung góp ý có căn cứ lý luận khoa học, tính thực tiễn, lập luận đầy đủ, rõ ràng, thuyết phục, từ đó hoàn thiện dự thảo đề án báo cáo Ban Chỉ đạo tại phiên họp tiếp theo.

 

Nguồn Báo CAND

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website