Bức tranh kinh tế năm 2022 và triển vọng năm 2023

Tất cả những biến số thuận: Lãi suất thấp, nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc, địa chính trị ít biến động… là những yếu tố then chốt mang lại nhiều thập kỷ tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới đã biến mất khiến bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2022 mang những gam màu ảm đạm bao phủ bởi nguy cơ suy thoái, lạm phát. Tuy nhiên, bằng rất nhiều giải pháp quyết liệt, kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng vượt qua khó khăn, đạt được nhiều ấn tượng và trở thành điểm sáng của kinh tế khu vực. Đó chính là điểm tựa, là động lực để Việt Nam tăng tốc, phát triển, vững vàng tiến bước vào năm 2023 với những thời cơ và vận hội mới.

1. Bức tranh kinh tế thế giới 2022 và triển vọng trong năm 2023

Trong năm 2022, kinh tế thế giới hồi phục tốt trong 2 tháng đầu năm khi dịch bệnh được kiểm soát và hầu hết các nước dần mở cửa nền kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu đã đánh mất cơ hội phục hồi khi khủng hoảng nổ ra tại Ukraine từ cuối tháng 2.2022 đến nay và dịch Covid-19 bùng phát trở lại cùng với chính sách Zero-covid tại Trung Quốc; từ đó, tác động tiêu cực đến sức cầu, chuỗi sản xuất, cung ứng, giá cả hàng hóa và lạm phát, thị trường tài chính – tiền tệ, tăng rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực ở nhiều nước.

Bức tranh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn với dự báo tăng trưởng chậm lại; gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; lạm phát cao và các vấn đề địa chính trị, xung đột vũ trang; thiên tai, dịch bệnh... Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 đạt được thấp hơn từ 0,5 đến 1,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đây. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới (WB), bình quân giai đoạn 2015-2019, kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng 3,2%. Tuy nhiên, sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và xung đột vũ trang Nga-Ukraine, bình quân 3 năm 2020-2022 tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ đạt 1,6-1,8%, giảm một nửa so với bình quân của giai đoạn trước. Theo đó, nhiều nền kinh tế như Mỹ, châu Âu phải đối mặt với rủi ro suy thoái trong năm 2023. Theo IMF (10/2022), các nền kinh tế phát triển dự báo tăng trưởng năm 2022 và 2023 lần lượt là 2,4% và 1,1% (trong đó, tăng trưởng GDP Mỹ lần lượt là 1,6% và 1%, khu vực châu Âu là 3,1% và 0,5%; Nhật Bản là 1,7% và 1,6%...v.v.); các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự báo tăng trưởng năm 2022 và 2023 chỉ vào khoảng 3,7% (trong đó, tăng trưởng GDP Trung Quốc lần lượt là 3,2% và 4,4%; Ấn Độ là 6,8% và 6,1%...v.v.). Trong khi đó, dự báo lạm phát (CPI) toàn cầu năm 2022 tăng 8,8% (tại các nước phát triển là 7,2% và tại các nước mới nổi và đang phát triển là 9,9%), trước khi giảm xuống mức 6,5% năm 2023 và khoảng 4% năm 2024.

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nước 2022-2023 (%, YoY)

Nguồn: IMF (10/2022), Viện ĐY&NC BIDV tổng hợp

 Trong khi đấy, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng dự báo nền kinh tế thế giới trong năm 2023 sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn do những hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Báo cáo của OECD cho thấy triển vọng tăng trưởng của gần như tất cả các quốc gia trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đều bị giảm. Nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% vào năm 2023. OECD cũng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc trong năm 2023 4,7%. Đức là một trong những nước ở châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc xung đột Nga-Ukraine do phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng ít ỏi là 0,3%, giảm mạnh so với mức dự báo trước đó là 1,6%. OECD cho biết tăng trưởng toàn cầu bị đình trệ, một số chỉ số thậm chí đã chuyển biến theo chiều hướng xấu đi, khiến triển vọng tăng trưởng toàn cầu trở nên u ám.

Đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các chuyên gia IMF cho rằng kinh tế khu vực này đang và sẽ phải đối mặt các "cơn gió ngược" nghiêm trọng, có thể tồn tại dai dẳng. Trong đó, thắt chặt tài chính toàn cầu sẽ tác động đến các điều kiện tài chính của châu Á. Cuộc xung đột ở Ukraine khiến giá cả hàng hóa tăng vọt. Báo cáo bổ sung Triển vọng phát triển kinh tế tháng 12/2022 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của một số nền kinh tế lớn so với dự báo đưa ra trong tháng 9/2022. Cụ thể, dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn 3%. Trong khu vực Đông Nam Á, ADB nhận định tăng trưởng năm 2022 của Singapore đạt 3,3% (giảm 0,4%).

2. Kinh tế Việt Nam 2022 - điểm sáng trong “bức tranh xám màu”

Trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm bao phủ bởi nguy cơ suy thoái, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng… kinh tế Việt Nam nổi lên như một điểm sáng. Những cụm từ "Kỳ quan kinh tế trong một thế giới đầy lo lắng", "con hổ mới tại châu Á", "bệ phóng cho châu Á"... là những hình ảnh đẹp mà báo chí quốc tế mô tả về kinh tế Việt Nam.

Các định chế tài chính quốc tế lớn như WB, IMF, ADB đều duy trì đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam, với nhận định đây là kết quả từ chính sách kinh tế linh hoạt của Chính phủ, giúp sản xuất phục hồi nhanh và nguồn vốn đầu tư nước ngoài dồi dào. Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương công bố tuần qua, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 7,2%, mức tăng trưởng cao nhất khu vực. "Tăng trưởng phi thường" là cụm từ được WB nhấn mạnh về kinh tế Việt Nam, kết quả từ những khởi sắc của ngành xuất khẩu và giải phóng nhu cầu bị dồn nén sau khi các quy định về hạn chế di chuyển do COVID-19 được dỡ bỏ, lạm phát được giữ trong tầm kiểm soát. ADB tiếp tục giữ nguyên tăng trưởng của Việt Nam cả năm nay trong khi nhiều quốc gia khác ở châu Á bị điều chỉnh giảm. Việt Nam cũng là quốc gia châu Á duy nhất được IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 vào giữa tháng 9 nhờ việc gỡ bỏ các hạn chế COVID-19, nỗ lực bao phủ vaccine và các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Mặc dù bị thiệt hại nặng nề của dịch covid 19 và tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới, nhưng kinh tế việt Nam vẫn đạt được nhiều ấn tượng. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lần đầu tiên quy mô GDP của Việt Nam đạt 409 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 8,02% - đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản tăng trưởng 3.36%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, khu vực dịch vụ tăng gần 10% đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng 19,8%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 1,8 triệu tỷ đồng vượt hơn 26% dự toán.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt kỷ lục trên 732,5 tỷ USD đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế và Việt Nam xuất siêu tới 11,2 tỷ USD (năm 2021 đạt 3,32 tỷ USD), trong đó có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, xuất khẩu thuỷ sản cán mốc 10 tỷ USD, chiếm trên 7% thị phần toàn cầu đưa Việt Nam vươn lên đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu thuỷ sản. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia châu Á đang giữ vững vị thế về thương mại toàn cầu nhờ sức cạnh tranh tốt về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế suy giảm. Đặc biệt, thu hút đầu tư nước ngoài đã chuyển hướng, tập trung vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, phù hợp với chủ trương nâng cao chất lượng, ưu tiên các dự án hiện đại, có sức lan tỏa về công nghệ, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đồng thời đáp ứng mục tiêu phát triển xanh và bền vững, đưa kinh tế Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng lưới cung ứng toàn cầu.

Năm 2022 có 1.107 lượt dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng số vốn đăng ský tăng thêm đạt gần 10,12 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Cả nước có trên 148.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng hơn 27% so với năm trước.

Năm 2022, lạm phát tăng cao tại hàng loạt các quốc gia khiến cho chi tiêu tiêu dùng bị cắt giảm và từ đó thì tổng cầu cũng suy giảm theo, đã tác động đến các hoạt động thương mại quốc tế của nước ta. Sự tác động của giá năng lượng và gía lương thực thực phẩm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất. Tuy nhiên, bằng rất nhiều giải pháp quyết liệt cũng như sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng vượt qua khó khăn và trở thành điểm sáng của kinh tế khu vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát là thành tích đáng tự hào trong bối cảnh mà thế giới phải đối mặt với lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm qua. Lạm phát của Việt Nam chỉ ở mức 3,15% so với mục tiêu quốc hội đặt ra là 4%, đóng góp vào thành tích này là do giá lương thực thực phẩm được giữ ổn định, giá dịch vụ y tế giáo dục và giá điện không tăng. Cùng với đó, việc giảm một số loại thuế đã góp phần làm cho giá cả hàng hoá giảm.

Chính phủ với tư duy đột phá, hành động khẩn trương, linh hoạt, đặt hiệu quả chỉ đạo lên trên hết, với sự đồng hành tích cực của Quốc hội, nhiều chính sách, giải pháp ban hành và triển khai thực hiện đúng thời điểm đã tạo điều kiện tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục các điểm nghẽn và bất cập của nền kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh thế giới bất định. Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam đã được Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng ổn định. Fitch xếp hạng BB với triển vọng "tích cực". Nikkei Asia nâng hạng chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam lên thứ 2 thế giới.

3. Động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023

Năm 2022, vượt qua những sóng gió, những biến động chưa từng có của đại dịch, của xung đột chính trị và suy giảm kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, trở thành điểm sáng của kinh tế khu vực và thế giới. Đó chính là điểm tựa, là động lực để Việt Nam tăng tốc, phát triển trong không chỉ năm mới 2023, mà cả trong giai đoạn 2021 - 2025, dù nhiều dự báo và nhiều dấu hiệu cho thấy, khó khăn, thách thức phía trước còn lớn hơn rất nhiều.

Với những dự báo đến thời điểm này, đà giảm tốc của kinh tế thế giới là khó có thể đảo ngược và nguy cơ suy thoái là nhận định chung của các chuyên gia hàng đầu cũng như các tổ chức quốc tế. WTO cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang trên đà suy thoái do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng đa tầng đang diễn ra. WTO nêu rõ cuộc xung đột Ukraine, khủng hoảng khí hậu, giá năng lượng và thực phẩm tăng cộng với những hệ lụy từ đại dịch COVID-19 đang hình thành những điều kiện đưa nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái. Trước đó, WB dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm xuống 0,5% vào năm 2023 - tức là giảm 0,4% tăng trưởng tính theo đầu người, đồng nghĩa với việc kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Trong báo cáo mới nhất, IMF dự báo, trong năm 2023, 143 nền kinh tế - chiếm 92% GDP thế giới - sẽ yếu hơn dự kiến. Ba nền kinh tế lớn nhất thế giới (gồm Trung Quốc, khu vực đồng Euro và Hoa Kỳ) sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể. Nguy cơ suy thoái trong bối cảnh lạm phát tăng cao, bất ổn chính trị vẫn gia tăng… là hiện hữu.

Kinh tế Việt Nam sẽ không thể đứng ngoài vòng xoáy đó, nhất là khi độ mở nền kinh tế lên hơn 200% GDP. Nhưng dù khó khăn, thử thách, Việt Nam vẫn đang nỗ lực và tự tin bước vào năm mới 2023 với những kỳ vọng mới. Tự tin, bởi chúng ta có những điểm tựa vững chắc, có nền tảng để nền kinh tế tiếp tục phục hồi và tăng tốc. Và hơn hết, là nỗ lực, quyết tâm của một Chính phủ hành động, bản lĩnh, là sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, là vị thế của Việt Nam đang tiếp tục được khẳng định và củng cố một cách mạnh mẽ. Rất nhiều điểm tựa và cũng rất nhiều cơ hội khi trong năm 2023 - năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, sẽ có một loạt giải pháp được thực hiện để “hóa giải” khó khăn, thách thức và tận dụng cơ hội phát triển. Các động lực tăng trưởng, bao gồm đầu tư, xuất nhập khẩu, tiêu dùng và cả cải cách thể thế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… cũng sẽ được thúc đẩy.

Theo IMF, tăng trưởng kinh tế lạc quan của Việt Nam đang đi theo một hướng khác so với xu hướng chậm lại của các nền kinh tế khác ở châu Á. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,2% trong năm 2023, còn WB dự báo đạt 6,7%. Đây là triển vọng lạc quan so với triển vọng khá u ám ở những nền kinh tế khác. Có được điều này là do các chính sách cơ bản của Việt Nam, đặc biệt là các chính sách kinh tế thì tương đối rõ ràng, có cam kết rõ ràng về tự do thương mại. Việt Nam có ngân sách quốc gia lành mạnh, tỷ lệ nợ trên GDP tương đối tốt khi giữ ở mức 43,7%. Môi trường kinh doanh thân thiện với các nhà đầu tư.Trong quá trình phát triển, Việt Nam là một trong hai quốc gia trên thế giới có tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong vòng 20 đến 30 năm qua.

Cơ hội cũng đang được mở ra, khi Trung Quốc đang đã có những động thái ban đầu về việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Thương mại, đầu tư của Việt Nam, vì thế sẽ có những thuận lợi mới, nhất là khi Việt Nam đang là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của nhiều nền kinh tế lớn. Khó khăn là rất lớn, nhưng thuận lợi, thời cơ cũng nhiều. Bằng kinh nghiệm trong 3 năm vượt qua thách thức từ đại dịch Covid-19, bằng sự kiên định và linh hoạt trong điều hành của Chính phủ cùng sự đoàn kết một lòng của cả hệ thống chính trị, cả nước đang vững vàng tiến bước vào năm 2023 với những thời cơ và vận hội mới.

 

Phạm Thị Huế

 

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á cập nhật, tháng 9/2022.

2. Tổng quan dự báo tình hình kinh tế thế giới quý III và cả năm 2022, Tổng cục thống kê

3. https://media.chinhphu.vn/du-bao-tang-truong-kinh-te-viet-nam-nam-2023-102230113163020394.htm

4. https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/imf-canh-bao-tang-truong-kinh-te-toan-cau-co-nguy-co-cham-lai-626352.html

5. https://dangcongsan.vn/kinh-te/dong-luc-phat-trien-kinh-te-viet-nam-2023-627525.html

6. https://baochinhphu.vn/tang-truong-lap-ky-tich-va-net-khac-biet-dang-tu-hao-cua-kinh-te-viet-nam-10222122913141841.htm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website