47 Năm Ngày thống nhất đất nước: Nhớ về những quyết định tỏa sáng tinh thần “Lấy chí nhân thay cường bạo”

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã vun đắp nên truyền thống nhân văn, hòa hiếu, luôn yêu chuộng hòa bình.

Bản tính thiện lương ấy đã bộc lộ không chỉ qua những lời thơ bất hủ của Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo", "Dập tắt muôn đời chiến tranh, mở nền thái bình muôn thuở",... mà còn thấm vào cốt cách, tâm hồn mỗi người lính. 

Vậy nên, trong những thời khắc lịch sử có tính chất bước ngoặt của nhiều cuộc chiến tranh, như một lẽ tự nhiên, không ít lần những người lính ưu tú của dân tộc đều thống nhất và tự nguyện lựa chọn “hoà hiếu”, khuyên hàng, “mở đường hiếu sinh” cho quân địch. Đây cũng chính là cách giảm đi ít nhất những tổn hại chiến tranh cho cả hai phía…

 

Lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng đánh bại biết bao kẻ thù xâm lược, song nhìn lại lịch sử, mỗi khi giành chiến thắng, cha ông ta bao giờ cũng thể hiện tinh thần hòa hiếu. Đánh thắng quân xâm lược, chúng ta cấp ngựa xe, thuyền bè, lương thảo cho họ về nước. Những kẻ xâm lược bỏ xác trên đất nước ta, triều đình đều ra lệnh thu nhặt xương cốt chôn cất, kể cả lập đàn tế lễ.

 

Sau khi đánh tan quân Minh, vì căm tức trước những tội ác dã man của chúng, nhiều người khuyên Bình Định vương Lê Lợi giết hết số quân Minh đã đầu hàng, Vương dụ rằng: "Việc phục thù trả oán là thường tình của mọi người, nhưng không ưa giết người là bản tính của người nhân. Huống chi người ta đã hàng, mà mình lại giết chết thì còn gì bất tường hơn nữa. Ví bằng giết đi cho hả giận một lúc để gánh lấy tiếng xấu giết kẻ hàng mãi tới muôn đời, chi bằng hãy cho sống ức vạn mạng người để dứt mối chiến tranh đến muôn thuở". Câu chuyện trả gươm với ý nghĩa chấm dứt binh đao gắn với không gian hồ Hoàn Kiếm cũng vẫn còn đó mãi mãi với thời gian, giữa lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến - Hà Nội - thành phố vì hòa bình.

Lịch sử đã ghi lại rất nhiều lần những người lãnh đạo các cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ và giữ gìn nền độc lập của dân tộc Việt Nam và những người lính của họ đã chọn con đường “hoà hiếu”. Bản "Tuyên ngôn độc lập" được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc ngày 2/9/1945 tại cuộc mít tinh ở vườn hoa Ba Đình (Hà Nội) có đoạn: Mặc dù thực dân Pháp đối xử vô nhân đạo đối với nhân dân ta, nhưng cách mạng vẫn hết lòng cứu giúp những người Pháp khỏi tay phát xít Nhật. "Tuy vậy, đối với nước Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày mồng 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ". Có thể nói, sự nhân nghĩa đối với kẻ thù là đỉnh cao của sự chính nghĩa của cách mạng Việt Nam và cũng là thế chính nghĩa của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta lại phải trải qua 21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975). Đại thắng mùa Xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi vẻ vang đã mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Sau khi tiến vào Sài Gòn, xe tăng của Quân giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc lập. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Đó chính là thời khắc báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng.

Và cũng chính trong thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy, không hẹn mà gặp, tinh thần “hoà hiếu” lại được toả sáng. Những mệnh lệnh từ các cấp chỉ huy cao nhất của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã trở thành “mệnh lệnh từ trái tim”, thành hành động hết sức tự nhiên của những người lính có mặt tại Dinh Độc lập thời điểm trưa ngày 30/4 ấy. Họ đã thay nhau tiếp quản và thống nhất việc phải làm khẩn trương nhất lúc này là khuyên bảo , thúc giục, ép giải, thậm chí viết thay Lời đầu hàng cho Tướng địch  đọc để nhanh chóng kết thúc chiến tranh, bớt đi những đổ máu và tàn phá không cần thiết! 

Trưa ngày 30/4/1975, sau khi trực tiếp chỉ huy việc áp giải Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn, tại đây đồng chí Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì đồng chí Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 có mặt. Từ đó, đồng chí Bùi Văn Tùng cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên Đài phát thanh. Riêng lời Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên Đài phát thanh. 

Khó có thể nói hết những mất mát, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta trên con đường đi đến ngày toàn thắng, thống nhất đất nước, nhưng dù mất mát đến đâu , “lấy chí nhân thay cường bạo” vẫn là lựa chọn mà Đại uý Thệ, Trung tá Tùng và cả dân tộc này lựa chọn. Thời khắc ấy chắc không ai trong các anh và cả những người lính có mặt tiếp quản Sài Gòn khi ấy nghĩa rằng mình làm vậy để “kể công”, không ai muốn tô điểm hào quang chiến thắng bằng máu dù là máu kẻ thù,…! 

Tối 2/5/1975, tức 2 ngày sau ngày trọng đại 30/4, trong buổi lễ trả tự do cho ông Dương Văn Minh và nội các chế độ Sài Gòn tại Dinh Độc Lập, Tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7 đã phát biểu: "Trong cuộc chiến đấu lâu dài này, toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng… Đây là niềm hãnh diện chung của tất cả nhân dân Việt Nam chúng ta" ("Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975", tác giả Nguyễn Hữu Thái, Nhà xuất bản Lao Động, trang 162-163).

Đáp lời, người từng đứng đầu chế độ Việt Nam Cộng hòa - ông Dương Văn Minh cũng chân tình: "Ngày hôm nay, đại diện cho các anh em có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của Chính phủ cách mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước. Với kỷ nguyên mới này, tôi mong rằng tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào, sẽ có dịp đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước…" ("Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975", tác giả Nguyễn Hữu Thái, Nhà xuất bản Lao Động, trang 162-163). Những năm sau đó, Dương Văn Minh được phép di cư sang Pháp để chữa bệnh và đoàn tụ gia đình, rồi chuyển sang Hoa Kỳ định cư, sống với vợ chồng người con gái tại California và qua đời tại đây.

 

Hiền Hạnh (TTXVN)

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website