Ngày 18/9/2022, Học viện Chính trị Công an nhân dân phối hợp với Công an tỉnh Gia Lai tổ chức cho học viên lớp Bồi dưỡng bổ sung hoàn thiện kiến thức tương đương trình độ trung cấp lý luận chính trị, Khóa 147 đi học tập thực tế, sinh hoạt chính trị tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, thăm quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum; thăm hỏi, tặng quà tình nghĩa cho người có công, thương binh, gia đình liệt sĩ trên địa bàn thành phố Pleiku, huyện Đắk Đoa. Tham gia đoàn công tác có đồng chí Trung tá Nguyễn Đình Thi, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý đào tạo và bồi dưỡng nâng cao, Học viện Chính trị Công an nhân dân; Thiếu tá Phạm Anh Thắng, Giám đốc Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ, Công an tỉnh Gia Lai và toàn thể học viên của lớp bồi dưỡng.

Đoàn công tác dâng hoa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết
Phát biểu tại buổi học tập thực tế, đồng chí Trung tá Nguyễn Đình Thi, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý đào tạo và bồi dưỡng nâng cao đã quán triệt mục đích, ý nghĩa, nội dung của buổi học tập thực tế; đồng thời nhấn mạnh: việc tổ chức học tập thực tế, thực hành chính trị - xã hội cho học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị nhằm gắn lý luận với thực tiễn là cơ hội để học viên lớp học liên hệ những kiến thức đã được học với thực tế công tác, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập của học viên nói riêng và chất lượng đào tạo của Học viện Chính trị Công an nhân dân nói chung. Đây là một nội dung quan trọng trong chương trình học tập, luôn được Học viện quan tâm, gắn với thực hiện chủ trương đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân và phương hướng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Do đó, đề nghị học viên lớp học cần học tập nghiêm túc, chấp hành đúng điều lệnh, nội quy học tập, giữ gìn lễ tiết, tác phong trong quá trình học tập thực tế.
Quảng trường Đại Đoàn Kết với khuôn viên rộng 12 ha gồm nhiều hạng mục như: Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên; phù điêu bằng đá mô tả cuộc sống, sinh hoạt của các dân tộc Tây Nguyên; mô hình núi Hàm Rồng; 2 hồ phun nghệ thuật; 205 ô cỏ và hàng trăm loại cây xanh. Nằm trong quần thể các công trình kiến trúc văn hóa - lịch sử như Bảo tàng cổ vật, Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, Quảng trường Đại Đoàn Kết được ví như trái tim của TP. Pleiku.

Đoàn công tác nghe giới thiệu về Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum
Sau ngày thống nhất đất nước, đồng bào Tây Nguyên không còn dịp để đón Bác Hồ vào thăm. Với nỗi niềm thương nhớ khôn xiết, đồng bào đã tự nguyện đóng góp công sức của mình cùng với Nhà nước làm nhà Lưu niệm (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum) bằng cả tấm lòng “không được đón Bác vào thăm thì làm nhà rước Bác về ở”, để rồi bà con và các thế hệ con cháu luôn được đến “gặp và thăm” Bác ngay tại mảnh đất Tây Nguyên bao la hùng vĩ này... Hiện nay Bảo tàng đã sưu tầm được 700 hiện vật, 2.353 tài liệu, tranh, ảnh có giá trị lịch sử liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong đó có 253 hồ sơ đã được nghiên cứu, xác minh khoa học và đã được trưng bày. Đặc biệt trong số hiện vật đã sưu tầm được có những hiện vật quý “độc nhất vô nhị” như bức tượng Bác Hồ bằng đồng hoặc pho tượng toàn thân của Bác Hồ do ông Đinh Thanh Hoàn tạc bằng gỗ hương - loại gỗ quý hiếm ở Tây Nguyên, thể hiện lòng sắt son, tôn kính đối với Bác. Bảo tàng còn sưu tầm được nhiều bộ triển lãm ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên một số lĩnh vực như: Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số Việt nam, Bác Hồ với công tác xây dựng Đảng, Bác Hồ với Quốc hội, Gia Lai 30 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Đoàn công tác đến thăm, tặng quà đồng chí Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Hà - nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên, “khắc tinh” của bọn phản động FULRO và là người có đóng góp to lớn cho sự bình yên của những buôn làng.
Nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, đoàn công tác đã tổ chức thăm hỏi, tặng 05 suất quà cho người có công, thương binh, gia đình liệt sĩ trên địa bàn thành phố Pleiku, huyện Đắk Đoa. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm chia sẻ, động viên, giúp đỡ gia đình chính sách và thể hiện tấm lòng tri ân của đoàn công tác đối với thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Tại các gia đình, đoàn công tác đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đồng thời ân cần thăm hỏi sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của các gia đình; mong muốn các gia đình sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tiếp tục đóng góp xây dựng quê hương.

Đoàn công tác đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Puih Krơn (97 tuổi). Mẹ có 02 người con trai hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ (liệt sĩ Puih A Linh và liệt sĩ Puih Nua), hiện Mẹ ở với con gái đã gần 80 tuổi.

Đoàn công tác thăm hỏi, trao quà cho Gia đình liệt sĩ Điuk Rich (hy sinh trong chiến dịch truy quét FULRO)

Đoàn công tác thăm hỏi, trao quà Gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Giám, là cán bộ dân chính, trên đường công tác bị FULRO phục kích giết hại.

Đoàn công tác thăm hỏi, trao quà cho đồng chí Đỗ Thế Thành là thương binh loại A, trong khi thực hiện nhiệm vụ chống biểu tình bạo loạn tại xã Glar, đồng chí bị các đối tượng chống đối tấn công làm hỏng 01 mắt.
HỒNG NGỌC