Tư tưởng Ph.Ăngghen về xây dựng chính quyền - ý nghĩa với Việt Nam hiện nay

Mở đầu

Ph.Ăngghen là người bạn thân thiết và người cộng sự thân tín của C.Mác. Sau khi C.Mác mất, nhiều bản thảo quan trọng còn dang dở của C.Mác đã được Ph.Ăngghen tập hợp, hoàn thành và xuất bản. Ông cũng bổ sung nhiều tư tưởng quan trọng vào hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác và hiện thực hóa nhiều tư tưởng vĩ đại của C.Mác khi tham gia các phong trào công nhân quốc tế. Một trong số đó là tư tưởng về xây dựng chính quyền. Tư tưởng Ph.Ăngghen về xây dựng chính quyền là một căn cứ lý luận nền tảng của các đảng cộng sản và có giá trị nhận thức luận quan trọng đối với thực tiễn xây dựng chính quyền ở các nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa như Việt Nam.

1. Tư tưởng Ph.Ăngghen về xây dựng chính quyền

Tư tưởng Ph.Ăngghen về xây dựng chính quyền được thể hiện trong những phân tích của Ông về sự xây dựng chính quyền của giai cấp tư sản và sự tất yếu trở thành giai cấp xây dựng chính quyền mới thay thế chính quyền do giai cấp tư sản xây dựng của giai cấp vô sản[1]. Tư tưởng Ph.Ăngghen về xây dựng chính quyền cho thấy sự khác biệt căn bản về chất giữa chính quyền do giai cấp tư sản xây dựng với chính quyền do giai cấp vô sản xây dựng, cho thấy mối liên hệ giữa các hình thức chính quyền trong lịch sử nhân loại, cho thấy giai cấp xây dựng chính quyền mới thay thế chính quyền cũ ra đời từ trong lòng chính quyền cũ như thế nào. Vì thế, nói đến tư tưởng Ph.Ăngghen về xây dựng chính quyền thì trước hết phải nói đến tư tưởng của Ông về sự xây dựng chính quyền của giai cấp tư sản.

Trong khi nghiên cứu và phân tích những mâu thuẫn và cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến, Ph.Ăngghen chỉ ra rằng, trong cuộc đấu tranh lật đổ sự thống trị của chính quyền giai cấp phong kiến, là chính quyền dựa trên những đặc quyền cá nhân và những đặc quyền cha truyền con nối, thì giai cấp tư sản chỉ có một cách là phải tạo ra tiêu chuẩn khác biệt cho chính quyền mới của giai cấp mình so với chính quyền cũ của giai cấp phong kiến nhằm lôi kéo được các giai tầng khác trong xã hội đi theo làm cách mạng. Để tạo ra sự khác biệt, chính quyền mới do giai cấp tư sản xây dựng phải “xóa bỏ mọi sự khác nhau cũ giữa các đẳng cấp hiện tồn tại trong nước, mọi đặc quyền và quyền ưu tiên dựa trên sự chuyên quyền; nó buộc phải đưa nguyên tắc bầu cử làm cơ sở của quyền thống trị tức là thừa nhận trên nguyên tắc quyền bình đẳng, buộc phải giải thoát báo chí khỏi sự ràng buộc của chế độ kiểm duyệt quân chủ, thực hiện chế độ bồi thẩm để tự giải thoát khỏi sự ràng buộc của tầng lớp quan tòa đặc biệt đang hình thành một quốc gia trong một quốc gia”[2]. Theo đó, so với chính quyền của giai cấp phong kiến, rõ ràng, chính quyền mà giai cấp tư sản xây dựng rất cách mạng và dân chủ. Có điều, sự cách mạng và dân chủ đó chỉ dựa trên một tiêu chuẩn duy nhất là “tiền”, hay các nhà kinh điển mácxít còn gọi là “tư bản”, như Ph.Ăngghen chỉ ra: “Giai cấp tư sản mà lực lượng hoàn toàn do tiền quyết định, không thể tiếp nhận một chính quyền nào khác hơn cái chính quyền làm cho tiền trở thành tiêu chuẩn duy nhất của khả năng hoạt động lập pháp của con người. Mọi đặc quyền phong kiến, mọi quyền lũng đoạn chính trị đã trải qua nhiều thế kỷ phải họp lại thành một đặc quyền và quyền lũng đoạn to lớn của tiền”[3]. Đến nay, dù giai cấp tư sản đã có nhiều biến đổi để thích ứng và tồn tại, nhưng tiêu chuẩn tiền và sự đặc quyền của tiền trong chính quyền do giai cấp tư sản xây dựng vẫn giữ nguyên.

Chính việc giai cấp tư sản biến tiền trở thành đặc quyền duy nhất và tiêu chuẩn duy nhất khi xây dựng chính quyền mới thay thế chính quyền phong kiến đã khiến cho giai cấp này từ chỗ là giai cấp cách mạng và tiến bộ nhất trong xã hội đã trở thành giai cấp không còn cách mạng và tiến bộ nữa, khiến cho những giá trị cách mạng và nhân văn nhằm giải phóng con người mà giai cấp này nêu ra trong cuộc đấu tranh lật đổ chính quyền của giai cấp phong kiến thực ra chỉ là cái lớp vỏ bề ngoài. Ph.Ăngghen cũng chỉ ra rằng, khi giai cấp tư sản trở thành giai cấp thống trị duy nhất trong xã hội và xây dựng chính quyền trên cơ sở đặc quyền của tiền thì đó cũng là lúc giai cấp công nhân mới nhận thức và phân định rõ được “sự khác nhau căn bản giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa dân chủ”, “giữa sự giải phóng giai cấp tư sản và sự giải phóng giai cấp công nhân”, “giữa tự do của tiền và tự do của con người[4]; mới thấy được rằng những giá trị cách mạng mà giai cấp tư sản tạo nên trong cuộc đấu tranh chống giai cấp phong kiến như quyền bầu cử, sự bình đẳng trước pháp luật, sự tự do báo chí,… thực chất chỉ dành cho những người có điều kiện tối thiểu về tài sản (hay còn gọi là có một lượng tư bản nhất định) do pháp luật của chính quyền giai cấp tư sản quy định. Khi nhận thức được bản chất của giai cấp tư sản và bản chất của chính quyền mà giai cấp tư sản xây dựng là như thế, giai cấp công nhân mới thấy nó cũng là một giai cấp riêng với những lợi ích và tương lai riêng nên không thể là “công cụ” trong phong trào tự do của giai cấp tư sản nữa, mà phải vươn lên “dẫn đầu và trở thành phong trào của toàn dân[5]. Đó cũng chính là lúc sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân bắt đầu.

Như C.Mác, Ph.Ăngghen nhiều lần nói đến nhiệm vụ cách mạng vĩ đại mà giai cấp công nhân phải tiến hành để thực hiện sứ mệnh lịch sử của nó, đó là phải giành lấy chính quyền từ tay giai cấp tư sản “làm phương tiện để cải tổ lại xã hội”[6] và xây dựng một chính quyền mới. Trong chính quyền mới đó, những tư liệu sản xuất sẽ “thoát khỏi tính chất là tư bản trước kia của chúng” trong khi “tính chất xã hội của tư liệu sản xuất” sẽ được hoàn toàn tự do phát triển vì mục tiêu con người được giải phóng một cách toàn diện và có một sự tự do đích thực. Tính chất xã hội của tư liệu sản xuất cùng sự tự do toàn diện và đích thực của con người là tiêu chuẩn xây dựng chính quyền của giai cấp vô sản.

Theo đó, trong chính quyền do giai cấp vô sản xây dựng, “việc quản lý công nghiệp và tất cả các ngành sản xuất nói chung sẽ không còn nằm trong tay của cá nhân riêng lẻ cạnh tranh với nhau nữa. Trái lại, tất cả các ngành sản xuất sẽ do toàn thể xã hội quản lý, tức là sẽ được tiến hành vì lợi ích chung, theo một kế hoạch chung và với sự tham gia của tất cả mọi thành viên trong xã hội”[7] và vì thế mà “chế độ tư hữu cũng phải được thủ tiêu và phải được thay bằng việc sử dụng chung tất cả mọi công cụ sản xuất và việc phân phối sản phẩm theo sự thỏa thuận chung, tức là bằng cái mà người ta gọi là sự cộng đồng về tài sản”[8]. Song, Ph.Ăngghen cũng nêu rõ, chế độ tư hữu sẽ không thể bị thủ tiêu ngay lập tức theo bất kỳ mong muốn chủ quan nào, mà đó là kết quả của quá trình phát triển tất yếu về tư liệu sản xuất. Ông viết: “cuộc cách mạng của giai cấp vô sản đang có tất cả những triệu chứng là sắp nổ ra, sẽ chỉ có thể cải tạo xã hội hiện nay một cách dần dần, và chỉ khi nào đã tạo nên được một khối lượng tư liệu sản xuất cần thiết cho việc cải tạo đó thì khi ấy mới thủ tiêu được chế độ tư hữu”[9]. Điều này có ý nghĩa nhận thức luận cực kỳ quan trọng đối với các nước lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa, đó là việc thực hiện các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội phải trên cơ sở nhận thức và tuân theo các quy luật khách quan chứ không thể hành động một cách tùy tiện, chủ quan duy ý chí được.

Trong chính quyền mới do giai cấp vô sản xây dựng, với việc rồi chế độ tư hữu sẽ bị thủ tiêu là việc nhà nước sẽ mất đi dần dần và tự tiêu vong. Cả hai sự kiện này diễn ra không theo ý muốn chủ quan của bất kỳ cá nhân nào, mà đó là kết quả của một quá trình phát triển tất yếu của lực lượng sản xuất trong xã hội. Tuy nhiên, Ph.Ăngghen cũng chỉ rõ, trong quá trình xây dựng chính quyền mới, nhà nước chưa thể tự tiêu vong ngay được và giai cấp vô sản vẫn cần phải sử dụng nhà nước để quản lý và tổ chức xã hội cho đến khi “một thế hệ lớn lên trong những điều kiện xã hội mới và tự do, có đủ sức vứt bỏ được tất cả cái thứ đồ cũ là nhà nước kia đi”[10]. Với lại, nhà nước là “cái công cụ duy nhất mà nhờ đó giai cấp vô sản chiến thắng mới có thể sử dụng được cái chính quyền mà mình vừa mới giành được, mới có thể trấn áp được kẻ thù của mình và chủ nghĩa tư bản và mới có thể tiến hành được cuộc cách mạng kinh tế của xã hội”[11]. Nhưng tất nhiên, nhà nước trong chính quyền mới do giai cấp vô sản xây dựng phải có những sự thay đổi rất quan trọng về chất để có thể thực hiện được các chức năng mới của nó, nhất là ở tính chất dân chủ của nhà nước.

Đặc biệt, Ph.Ăngghen cho rằng, để có thể giành được chính quyền và xây dựng chính quyền mới, giai cấp vô sản không thể thiếu chính đảng dẫn dắt về chính trị. Ông viết: “Chúng ta muốn xóa bỏ giai cấp. Phương tiện để đạt tới mục đích đó là cái gì?- Là sự thống trị chính trị của giai cấp vô sản. Mà khi điều đó trở thành quá ư rõ ràng thì người ta yêu cầu chúng ta không can dự vào chính trị! Tất cả những người cổ vũ từ bỏ chính trị đều tự xưng là nhà cách mạng, thậm chí nhà cách mạng lỗi lạc. Nhưng cách mạng là hành động chính trị cao nhất: ai muốn cách mạng thì phải thừa nhận các phương tiện, thừa nhận hoạt động chính trị chuẩn bị cách mạng, giáo dục công nhân làm cách mạng (…) chính đảng công nhân không được theo đuôi chính đảng tư sản này hoặc kia mà phải trở thành một đảng độc lập có mục đích của mình, chính sách của mình”[12]. Như vậy, theo tư tưởng của Ph.Ăngghen, có thể thấy, cùng với quyền thống trị về xã hội, quyền thống trị về chính trị đem lại cho giai cấp vô sản khả năng tự mình giải phóng mình và bảo vệ lao động của mình, đưa cuộc đấu tranh giai cấp tiến hành tới cùng, tức là đến chỗ xóa bỏ giai cấp trong xã hội.

Tóm lại, theo tư tưởng Ph.Ăngghen về xây dựng chính quyền, lịch sử nhân loại cho thấy, giai cấp cách mạng và tiến bộ nhất trong xã hội tất yếu sẽ vươn lên dẫn đầu phong trào đấu tranh cách mạng với giai cấp cầm quyền đương thời nhưng đã trở nên lạc hậu, lỗi thời để giành lấy chính quyền và xây dựng một chính quyền mới với những tiêu chuẩn mới phù hợp với lợi ích và yêu cầu của giai cấp mình. Trong lịch sử nhân loại, có nhiều hình thức chính quyền đã được xây dựng bởi các giai cấp khác nhau. Trong số các chính quyền đó, chỉ có chính quyền do giai cấp vô sản xây dựng mới làm tròn được sự nghiệp giải phóng con người một cách thực sự, chỉ có chính quyền do giai cấp vô sản xây dựng mới giúp cho con người có thể “làm chủ tồn tại xã hội của chính mình thì cũng do đó mà làm chủ tự nhiên, làm chủ cả bản thân mình, trở thành người tự do”[13] một cách đích thực.

2. Ý nghĩa của tư tưởng Ph.Ăngghen về xây dựng chính quyền với Việt Nam hiện nay

Tư tưởng Ph.Ăngghen về xây dựng chính quyền có ý nghĩa nhận thức luận cực kỳ quan trọng, bởi nó cung cấp những căn cứ lý luận cốt yếu để soi sáng nhiều vấn đề căn bản trong thực tiễn xây dựng chính quyền của một nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, cụ thể là ở các vấn đề: chế độ tư hữu, nhà nước và đảng.

Thứ nhất, chế độ tư hữu còn tồn tại lâu dài với những giá trị lịch sử của nó trước khi bị thủ tiêu một cách tất yếu, vậy nên cần có nhận thức và thái độ đúng đắn đối với vấn đề tư hữu trong quá trình xây dựng chính quyền ở các nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Cả C.Mác và Ph.Ăngghen luôn nhấn mạnh rằng việc xóa bỏ chế độ tư hữu trên thực tế khác với việc xóa bỏ chế độ tư hữu trong tư tưởng. Xóa bỏ chế độ tư hữu về mặt tư tưởng thực ra chỉ là một sự phủ định sạch trơn, một sự phủ định trừu tượng một phần quan trọng trong thế giới văn hóa của lịch sử nhân loại. Kiểu xóa bỏ chế độ tư hữu như thế chỉ kéo lùi lịch sử phát triển của xã hội mà thôi. Việc xóa bỏ chế độ tư hữu trên thực tế chỉ có thể diễn ra khi sự tập trung tư liệu sản xuất đạt đến một giới hạn mà cái vỏ tư bản chủ nghĩa không còn thích hợp với nó nữa. Với lại, chế độ tư hữu cần phải bị xóa bỏ mà C.Mác và Ph.Ăngghen nói đến là chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa chứ không phải là mọi quyền tư hữu của người lao động đối với tư liệu sản xuất của họ. Vì vậy, giai cấp vô sản cần phải có sự nhận thức và thái độ đúng đắn đối với chế độ tư hữu và quyền tư hữu trong khi xây dựng chính quyền để tránh có những hành động chủ quan, duy ý chí làm tổn hại đến sức sản xuất và sự phát triển của xã hội.

Trong khi quá độ lên chủ nghĩa xã hội một cách gián tiếp, chắc chắn, Việt Nam không thể tránh khỏi việc phải đối diện với nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách về tư hữu chưa được giải đáp thỏa đáng. Trước đây, chúng ta từng có những sai lầm trong nhận thức về chế độ tư hữu và sở hữu tư nhân. Sở hữu tư nhân với tư cách một trong những động lực quan trọng của sự phát triển xã hội một thời gian dài đã không được tạo điều kiện thuận lợi để tồn tại và phát huy những giá trị tích cực của nó đối với sự phát triển của xã hội. Với sự đổi mới tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam về các loại hình sở hữu và về các thành phần kinh tế, đến nay, sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân không chỉ có một chỗ đứng quan trọng trong xã hội, mà còn đang có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của đất nước. Nhưng, điều đó không có nghĩa là tất cả những vấn đề về chế độ tư hữu đã được nhận thức và xử lý một cách toàn diện và hài hòa trong quá trình xây dựng chính quyền ở Việt Nam hiện nay. Trong thực tế, còn có khá nhiều vấn đề về thể chế, hệ thống pháp luật, sự quản lý của Nhà nước,… liên quan đến sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân ở nước ta còn thiếu và chưa đồng bộ. Nhiều vấn đề lý luận về sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân trong quá trình xây dựng chính quyền ở Việt Nam hiện nay còn cần phải được làm sáng tỏ thêm, như sự phát triển kinh tế tư nhân và vấn đề tha hóa, kinh tế tư nhân và định hướng phát triển xã hội chủ nghĩa của đất nước, v.v..

Thứ hai, nhà nước còn tồn tại lâu dài trước khi tự tiêu vong và là công cụ hữu hiệu để quản lý và tổ chức xã hội theo kiểu mới cũng như để tiến hành các cuộc cách mạng kinh tế của xã hội, vậy nên cần không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng của nhà nước trong quá trình xây dựng chính quyền ở các nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Cũng như đối với chế độ tư hữu, cả C.Mác và Ph.Ăngghen đều khẳng định rằng nhà nước có những giá trị và vai trò lâu dài trong lịch sử nhân loại cho đến khi nó tự tiêu vong, chứ không phải là cần trừ bỏ nhà nước vì nó là cái ác chủ yếu như tư tưởng vô chính phủ chủ nghĩa của những thành phần vô chính phủ. Bởi lẽ, xây dựng chính quyền mới mà không có nhà nước thì giai cấp vô sản sẽ không có công cụ để thực hiện quyền lực, trấn áp kẻ thù, quản lý và tổ chức xã hội cũng như thực hiện các cuộc cách mạng kinh tế của xã hội. Tuy nhiên, để nhà nước thực hiện được những chức năng mới đó thì giai cấp vô sản phải tiến hành cải biến nhà nước theo lợi ích và yêu cầu của mình, nhất là ở vấn đề bản chất của nhà nước. Bản chất đó phải khác biệt căn bản với bản chất của nhà nước trong chính quyền do giai cấp tư sản xây dựng. Theo tư tưởng của Ph.Ăngghen về xây dựng chính quyền, có một điều mà chúng ta cần nhận thức rõ, đó là các hình thức chính quyền đã xuất hiện trong lịch sử nhân loại cho đến nay có mối liên hệ biện chứng với nhau. Thế nên, việc giai cấp vô sản tiếp nhận, kế thừa và cải biến trình độ phát triển của nhà nước mà nhân loại đã đạt được trong chính quyền do giai cấp tư sản xây dựng là có tính lịch sử và tất yếu.

Trong quá trình xây dựng chính quyền ở Việt Nam hiện nay, việc cải thiện và nâng cao chất lượng của Nhà nước vẫn luôn được xác định là một trong những điều quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, kết quả đạt được cho đến nay vẫn chưa được như chủ trương và kỳ vọng của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân.  Do vậy, việc học hỏi những kinh nghiệm thành công của nhà nước trong các chính quyền do giai cấp tư sản xây dựng là điều hết sức cần thiết để có thể ngày càng phát triển và hoàn thiện Nhà nước Việt Nam.

Thứ ba, đảng chính trị có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng chính quyền, vậy nên cần không ngừng xây dựng và phát triển chính đảng của giai cấp công nhân trong quá trình xây dựng chính quyền ở các nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Ph.Ăngghen từng nêu rõ, mọi mưu toan cổ vũ, kích động giai cấp công nhân từ bỏ chính trị là đẩy giai cấp công nhân rơi vào vòng tay của chính trị tư sản. Đây là vấn đề có ý nghĩa nhận thức luận cực kỳ quan trọng trong quá trình giai cấp vô sản đấu tranh giành chính quyền và xây dựng chính quyền mới. Không có chính đảng của giai cấp mình với những mục đích và chính sách riêng dẫn dắt thì giai cấp vô sản không thể thực hiện được các nhiệm vụ cách mạng của mình cũng như không thể hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình là xây dựng thành công một chính quyền mới mà ở đó con người được giải phóng hoàn toàn và có sự tự do đích thực. Không có chính đảng của giai cấp mình với những mục đích và chính sách riêng dẫn dắt thì giai cấp vô sản sẽ lại chỉ là một “công cụ” trong phong trào tự do chủ nghĩa của giai cấp tư sản như trước đây.

Ý thức rõ về vị trí và vai trò của chính đảng trong quá trình xây dựng chính quyền ở một nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng công tác xây dựng và phát triển Đảng ngày càng khoa học, trong sạch và vững mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển của đất nước hiện nay đang có tình trạng tính chính trị của giai cấp vô sản bị tấn công, bị làm lu mờ và bị suy thoái khá nghiêm trọng. Đây thực sự là một vấn đề cực kỳ cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay. Đảng đã có những nghị quyết đề cập rất sâu sắc về vấn đề này, bàn kỹ về nguyên nhân và giải pháp của vấn đề. Song, chúng ta cần xác định rõ rằng một vài nghị quyết, một vài phong trào trong Đảng, một vài sự kỷ luật nghiêm khắc,… không thể giải quyết được một cách triệt để vấn đề này, mà đây sẽ là một vấn đề trường kỳ đến chừng nào giai cấp vô sản hoàn thành được công cuộc xây dựng chính quyền mới.

Kết luận

Tựu trung, tư tưởng Ph.Ăngghen về xây dựng chính quyền là một nội dung quan trọng trong hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tư tưởng đó chỉ rõ những việc cốt yếu mà giai cấp vô sản hiện đại cần phải thực hiện để có thể xây dựng thành công một chính quyền mà ở đó con người được giải phóng một cách toàn diện và có được sự tự do đích thực. Chính sự tham gia tích cực của Ph.Ăngghen trong phong trào công nhân quốc tế đã cung cấp những dữ kiện thực tế giúp cho tư tưởng của ông về xây dựng chính quyền có một sức sống đặc biệt cùng những giá trị về nhận thức luận to lớn đối với các quốc gia lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa như Việt Nam. Và tất nhiên, như đối với hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, việc vận dụng tư tưởng Ph.Ăngghen về xây dựng chính quyền vào điều kiện Việt Nam luôn cần phải có những sự bổ sung và sáng tạo cho phù hợp với thực tiễn đất nước.

 

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn

                                                        Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận TW

Nguồn Hội đồng LLTW



[1] Giai cấp vô sản được Ph.Ăngghen đề cập trong tương quan với giai cấp tư sản là giai cấp vô sản hiện đại, tức là giai cấp công nhân, giai cấp không có của, “hoàn toàn chỉ kiếm sống bằng việc bán lao động của mình, chứ không phải sống bằng lợi nhuận của bất cứ số tư bản nào, đó là một giai cấp mà hạnh phúc và đau khổ, sống và chết, toàn bộ sự sống còn của họ đều phụ thuộc vào số cầu về lao động, tức là vào tình hình chuyển biến tốt hay xấu của công việc làm ăn, vào những sự biến động của cuộc cạnh tranh không gì ngăn cản nổi. Nói tóm lại, giai cấp vô sản hay giai cấp những người vô sản là giai cấp lao động trong thế kỷ XIX” (trích trong Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản).

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.772.

[3] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.2, Sđd., tr.772.

[4] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.2, Sđd., tr.773.

[5] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.2, Sđd., tr.773.

[6] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.22, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.651.

[7] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.467.

[8] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.4, Sđd., tr.467.

[9] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.4, Sđd., tr.469.

[10] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.22, Sđd., tr.291.

[11] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.19, Sđd., tr.513-514.

[12] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.17, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 1994, tr.551-552.

[13] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.19, Sđd., tr.333.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website