Trong mọi công việc phải luôn lấy dân làm gốc

Đảng ta kế thừa và vận dụng thành công. Từ khi ra đời cho đến nay, Đảng ta luôn xác định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
* “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”
Từ xa xưa, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn khi ốm nặng từng nhắc nhở vua Trần Anh Tông “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước muôn đời vậy”. Người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi cũng  khẳng định: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước”. Đến Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhấn mạnh: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (1).
Và bài học về “lấy dân làm gốc” đã được Đảng ta vận dụng thành công trong suốt 9 thập qua. Từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Có Đảng mở đường, lãnh đạo thì cách mạng mới thành công. Nhưng chính nhân dân và chỉ có nhân dân mới là người hiện thực hóa được mục tiêu, lý tưởng mà Đảng đề ra. Không có nhân dân sẽ không bao giờ có lực lượng cách mạng và phong trào cách mạng.
Sớm nhận rõ chân lý ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã dày công tuyên truyền, giác ngộ, vận động quần chúng nhân dân ủng hộ cách mạng, tham gia cách mạng; qua đó, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc làm nên những chiến công vĩ đại, làm rạng danh non sông, đất nước ta. Đó là chiến thắng của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành quyền làm chủ đất nước. Là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vang dội, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Và sau đó, cũng tinh thần ấy, khí phách ấy, nhân dân ta lại “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thu giang sơn về một mối. Bao chiến thắng lẫy lừng đó là chiến thắng của nhân nghĩa, của khát vọng hòa bình và cũng chính là chiến thắng của lòng dân, sức dân.

* “Lấy dân làm gốc” là cơ sở cho việc hoạch định đường lối phát triển kinh tế-xã hội
Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định lấy dân làm gốc là cơ sở cho việc hoạch định đường lối phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tại Đại hội VI của Đảng, một trong bốn bài học lớn được Đảng rút ra là trong toàn bộ hoạt động của mình là Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Bài học này tiếp tục được quán triệt sâu sắc trong các kỳ Đại hội VII và Đại hội VIII của Đảng. Đánh giá quá trình đổi mới, Đại hội IX của Đảng một lần nữa khẳng định: Đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Đến Đại hội Đảng lần thứ XII, một trong năm bài học mà Đại hội đúc kết là: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” (2).
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”; “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Điều đặc biệt là lần đầu tiên trong Hiến pháp, tại Điều 4, khi nói về Đảng Cộng sản Việt Nam, điểm 2 viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Vậy là không chỉ lãnh đạo nhân dân, phục vụ nhân dân, Đảng còn phải chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, trong những năm gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản mang tính chiến lược liên quan đến công tác dân vận, tin tưởng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Các hình thức góp ý với Đảng và giám sát cán bộ, đảng viên ngày càng được quan tâm. Các cuộc lấy ý kiến của nhân dân cả nước vào dự thảo Cương lĩnh, văn kiện đại hội Đảng, dự thảo sửa đổi Hiến pháp, dự thảo các đạo luật đã phát huy trí tuệ, tâm huyết của nhân dân để xây dựng, hoàn thiện các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước, phục vụ tốt hơn cuộc sống của người dân.
Với những nhận thức đúng đắn, Đảng ta đã được nhân dân tin tưởng, yêu quý, nghe theo sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội và đạt được thành tựu đáng tự hào. Kinh tế nhiều năm liền tăng trưởng khá, năm 2020, dù chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19 vẫn nằm trong số rất ít quốc gia có mức tăng trưởng. Cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.750 USD. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều bước tiến, an ninh-quốc phòng được củng cố, tăng cường...
Nhìn lại hững thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đạt được sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, cùng với sự lãnh đạo tài tình của Đảng là công lao to lớn của gần 100 triệu người dân Việt Nam.

* Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định "dân là gốc"
Hiện nay, bên cạnh đa số cán bộ, đảng viên đều quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc” vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên mắc bệnh quan liêu, xa dân. Mặt khác, nạn tham nhũng, tiêu cực, thói hách dịch, phiền nhiễu nhân dân cũng là điều đáng quan ngại, nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ làm cho dân mất niềm tin mà xa Đảng, xa cán bộ. Đến lúc đó, nguy cơ thật khôn lường, có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.
Nhằm khắc phục những hiện tượng trên, Đảng đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, yêu cầu các cấp ủy, cán bộ, đảng viên nghiêm chỉnh thực hiện. Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã Ban hành Quy định số 08, yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, chống độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân.
Bên cạnh đó, Đảng cũng tăng cường chấn chỉnh, xử lý cán bộ vi phạm. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 27 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Với việc kết hợp giữa “xây” và “chống”, những “căn bệnh” nêu trên đang được “chữa trị” tích cực và có nhiều thuyên giảm. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố bền vững, tạo khí thế mới trên hành trình đổi mới và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng chỉ rõ: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”(3). “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”(4).
Mới đây nhất, trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nêu lại những bài học kinh nghiệm, trong đó bài học thứ năm khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định "dân là gốc", thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân... Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân... Để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, phải kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hoá về phẩm chất, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thật trong sạch, vững mạnh, làm cho Đảng thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”./.


Theo TTXVN

 
(1): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1996, t.8, tr.276
(2): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, năm 2016, tr.69
  (3), (4): Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2019, tr.80, 116-117.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website