Những luận điệu cho rằng những chính sách tôn giáo của Việt Nam không phù hợp với luật pháp quốc tế là vô căn cứ. Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân; nỗ lực bảo đảm cho các tôn giáo được hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật.
Tháng 5/2022 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra “Báo cáo tình hình nhân quyền thế giới”, trong đó có những thông tin sai lệch về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam với các góc nhìn phiến diện, dẫn chứng thiếu khách quan. Với 52 trang, bên cạnh sự ghi nhận những mặt tích cực của Việt Nam về vấn đề dân chủ, nhân quyền trong năm qua, báo cáo cho rằng: “Việt Nam đã bắt giữ, tra tấn, tước đoạt mạng sống của người dân một cách tùy tiện”; “can thiệp vào đời sống riêng tư của người dân”; “hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet”... Trong đó, báo cáo nói đến tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, đồng thời đưa ra các chỉ trích chính quyền Việt Nam phân biệt đối xử người dân theo đạo và không theo đạo.
Sự thật về tình hình sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo. Theo thống kê chưa đầy đủ cho thấy, Việt Nam có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng và tôn giáo (trong hàng nghìn tín ngưỡng thì tín ngưỡng phổ biến là thờ cúng ông bà tổ tiên và tín ngưỡng thờ Mẫu). Tính đến nay, cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hàng năm, Việt Nam có gần 13.000 lễ hội, gồm 5 loại: lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài, lễ hội văn hóa - thể thao và ngành nghề.
Riêng trong lĩnh vực tôn giáo, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Cả nước hiện có hơn 57,4 ngàn chức sắc, trên 147 ngàn chức việc, hơn 29,6 ngàn cơ sở thờ tự. Số lượng tín đồ theo các tôn giáo hiện nay: Phật giáo 15,1 triệu; Công giáo 7,1 triệu; Cao đài 1,1 triệu; Tin lành 1 triệu; Hồi giáo 80.000; Phật giáo Hòa hảo 1,3 triệu, còn lại là các tôn giáo khác (Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Tứ ân Hiếu nghĩa, Bà La môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh sư đạo, Minh lý đạo…).
Ở khắp mọi miền của đất nước, đặc biệt là tại các thành phố, các trung tâm tôn giáo lớn như Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Tây Ninh, Cần Thơ…, các sinh hoạt tôn giáo diễn ra khá sôi nổi, đa dạng và phong phú.