Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an có bài viết “Phát huy tinh thần trách nhiệm nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu, cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng CAND quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó”, Trang Thông tin điện tử Học viện Chính trị Công an nhân dân xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
1.Tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên là một yêu cầu khách quan, bắt nguồn từ vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản. V.I. Lênin đã chỉ ra rằng: “Không được lẫn lộn Đảng, tức là đội tiên phong của giai cấp công nhân, với toàn bộ giai cấp”[1].Trong tác phẩm kinh điển Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C. Mác và Ph. Ăngghen viết: “Về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên; về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản là ở chỗ họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản”[2]. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[3]. Như vậy, tính tiên phong, gương mẫu là đặc tính của đảng viên cộng sản, là căn cứ cốt lõi để phân biệt đảng viên với người ngoài Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành… Muốn làm được, ta phải: Quyết tâm, tín tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí phải thành công”[4].
Nhận thức rõ và đầy đủ tầm quan trọng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chủ động hội nhập quốc tế, Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 07/11/2006 về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Bộ Chính trị khóa XI ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tiếp đó Bộ Chính trị khóa XII ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh, trong sạch về chính trị, tư tưởng và tổ chức; trong đó, Đảng không ngừng giáo dục, rèn luyện, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của công tác xây dựng Đảng. Trên thực tế, đảng viên của Đảng đã tỏ rõ tính tiên phong, gương mẫu. Trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, đã có rất nhiều đảng viên bất chấp mọi nguy hiểm, gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Những tấm gương kiên trung của các thế hệ đảng viên đã xây dựng, lưu giữ trong nhân dân hình ảnh cao đẹp về Đảng Cộng sản Việt Nam - một đảng “tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. Đảng sống trong lòng dân tộc không chỉ vì đường lối cách mạng đúng đắn mà còn vì đội ngũ đảng viên của Đảng luôn luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết. Trong hòa bình xây dựng đất nước, đội ngũ đảng viên của Đảng đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trên mọi lĩnh vực, gương mẫu trong đạo đức, lối sống, có trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết về xây dựng Đảng, nhằm “tạo bước chuyển mới trong công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh”[5].Trong đó, yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải tự giác trong tự phê bình và phê bình, thực sự gương mẫu trong lời nói và việc làm. Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị”[6].
Tuy nhiên, hiện nay, còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, biến chất, chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ: Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở... Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”[7].
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thuận lợi, thời cơ song cũng không ít thách thức. Trước yêu cầu của tình hình mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải phát huy hơn nữa vai trò tiên phong, gương mẫu, từ đó sẽ củng cố vững chắc vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng và mối quan hệ giữa Đảng với dân tộc và Nhân dân.
2. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”[8]. Qua các cuộc khảo sát và các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế, lực lượng công an Việt Nam là lực lượng vũ trang duy nhất được Bác Hồ kính yêu đặt tên là “công an nhân dân”, là “cánh tay đắc lực”, “ thanh bảo kiếm” bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Người cũng chỉ rõ nhiệm vụ xuyên suốt của Công an là bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ Chính phủ, bảo vệ chế độ, giữ gìn trật tự an ninh. Đây là nhiệm vụ quan trọng, hết sức nặng nề, gian khổ, vất vả, thầm lặng nhưng vẻ vang nên Người yêu cầu cán bộ, chiến sĩ Công an phải không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ để xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Thực hiện lời dạy của Bác kính yêu, thời gian qua, Đảng ủy Công an Trung ương thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, giáo dục truyền thống, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, không dao động trước khó khăn, thử thách, nhất là trong bối cảnh tình hình đang có nhiều diễn biến phức tạp, mau lẹ và khó lường; tác động mặt trái của kinh tế thị trường; các thế lực thù địch đang ráo riết đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chống phá; hoạt động tấn công, lôi kéo, mua chuộc của các loại tội phạm và phần tử xấu đối với lực lượng Công an nhân dân. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “ tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã chú trọng phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và người đứng đầu đơn vị; triển khai thực hiện nghiêm Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 01-QĐi/ĐUCA-X03, ngày 28/01/2019 của Đảng ủy Công an Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ và người đứng đầu Công an các đơn vị, địa phương… Chủ động xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy trình, quy chế và tiêu chí trong nêu gương, đề cao trách nhiệm, tính tự giác của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt; thực hiện phương châm “trên trước, “dưới sau”, “trong trước, “ngoài sau”; “ phát động đi đôi với hành động”; kết hợp giữa “xây” với “chống”, lấy “xây” làm chính… Thường xuyên tổ chức kiểm điểm phê bình và tự phê bình; “ tự soi”, “ tự sửa”, “ tự nhận diện”; xây dựng phong cách, tác phong làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tổ chức ký cam kết, giao ước thực hiện tiêu chí gương mẫu của người lãnh đạo trong việc giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tu dưỡng rèn luyện theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân…
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về “gương mẫu, đi đầu”, Bộ Công an đã chủ động nghiên cứu, đề xuất kiện toàn, xây dựng mô hình tổ chức, bộ máy, thực hiện cuộc tái cơ cấu toàn diện, mạnh mẽ, cơ bản theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, không tổ chức cấp trung gian, theo đó không còn cấp Tổng cục, giảm 55 đơn vị cấp Cục, sáp nhập 20 Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy vào Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm trên 800 đơn vị cấp Phòng; giảm 35 lãnh đạo cấp Tổng cục, 55 Cục trưởng và tương đương, gần 300 Trưởng phòng và tương đương. Công an các đơn vị, địa phương chủ động rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa thủ tục hành chínhvới mục tiêu 3 giảm (giảm thời gian, giảm về thủ tục, giảm chi phí của nhân dân); thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong phục vụ Nhân dân.
Do triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình nên tuyệt đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân có bản lĩnh chính trị vững vàng, chủ động khắc phục khó khăn, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, gần dân, trọng dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đội ngũ lãnh đạo Công an các cấp được rèn luyện trong thực tiễn, gương mẫu, có trách nhiệm, năng động, sáng tạo, được tín nhiệm, giới thiệu giữ chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong hoạt động thực tiễn, xuất hiện nhiều hình ảnh cán bộ, chiến sĩ có nghĩa cử cao đẹp, dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, được cấp ủy, chính quyền, Nhân dân ghi nhận đánh giá cao. Từ năm 2016 đến nay, đã có 40 đồng chí hy sinh, 1.058 đồng chí bị thương.
Trong năm 2019, lực lượng Công an đã có 9 đồng chí hy sinh, 304 đồng chí bị thương và hàng trăm đồng chí khác bị phơi nhiễm HIV trong quá trình thực thi nhiệm vụ; hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các phần thưởng cao quý. Tiêu biểu như tấm gương anh dũng hy sinh của 3 chiến sĩ Công an nhân dân trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội ngày 09/01/2020. Sự dũng cảm, không quản ngại hy sinh, quyết tâm bảo vệ kỷ cương, phép nước và sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân của các liệt sĩ là tấm gương sáng về tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ; tô thắm thêm truyền thống anh hùng vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam; là nguồn động lực thôi thúc, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tiếp tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tổ chức nghi lễ truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất và Bằng Tổ quốc ghi công cho 3 liệt sĩ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện tự phê bình và phê bình tại một số đơn vị, địa phương thực hiện chưa tốt; việc tổ chức học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân còn chung chung, chưa cụ thể. Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trong đó có lãnh đạo chưa thực sự gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, sinh hoạt và công tác; một số cán bộ, chiến sĩ còn vi phạm tư thế, lễ tiết, tác phong, văn hóa ứng xử, điều lệnh, làm ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng Công an.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên trước hết là do tác động của các yếu tố khách quan như: Mặt trái cơ chế thị trường; do tính chất, đặc điểm môi trường công tác, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Công an luôn khó khăn, phức tạp; thường xuyên bị tác động, lôi kéo, mua chuộc bởi lợi ích vật chất khi thực thi nhiệm vụ... Nhưng nguyên nhân chủ yếu thuộc về chủ quan, trước hết là nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương chưa chú trọng tới công tác giáo dục chính trị tư tưởng và quản lý cán bộ; còn nặng về triển khai thực hiện công tác chuyên môn; bản thân lãnh đạo, chỉ huy thực hiện việc nêu gương, “tự soi”, “tự sửa”, “tự nhận diện” chưa nghiêm túc; ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử, tư thế, lễ tiết, tác phong của cán bộ, chiến sĩ chưa cao.
Để phát huy hơn nữa trách nhiệm nêu gương của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nêu gương để từ đó hình thành ý thức, thái độ, hành động, trách nhiệm nêu gương của bản thân mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị.
Tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” tới toàn thể cán bộ, đảng viên để nâng cao trách nhiệm, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Nêu cao vai trò gương mẫu của cấp ủy, người đứng đầu trong tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ chiến sĩ sai phạm.
Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu 3 giảm (giảm thời gian, giảm về thủ tục, giảm chi phí của nhân dân); áp dụng công nghệ mới trong phục vụ nhân dân, đăng ký cấp hộ chiếu qua mạng; thực hiện trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo yêu cầu; trực tiếp đến gia đình, bệnh viện để làm thủ tục cấp thẻ căn cước, cấp hộ chiếu cho gia đình chính sách… Triển khai nhiều phần việc, mô hình trong phục vụ nhân dân như: “Phòng tiếp dân kiểu mẫu”; “Bàn tiếp dân văn hóa”; “Nhật ký vì nhân dân phục vụ”; “Tiếp đón niềm nở, hướng dẫn chu đáo, phục vụ tận tình, hiệu quả”; Bấm nút lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của nhân dân về tình thần phục vụ, thái độ, văn hoá ứng xử trong giải quyết thủ tục hành chính…
Phải lấy hình ảnh nêu gương từ thực tế của cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân để nhắc nhở, làm gương cho cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị của mình. Thường xuyên nhắc nhở về ý thức, trách nhiệm nêu gương trong mọi công tác, hoạt động. Trách nhiệm nêu gương từ những việc nhỏ nhất như không uống rượu buổi trưa, không uống rượu say, không hút thuốc, giữ gìn vệ sinh, nền nếp trật tự gọn gàng, luôn hoàn thành sớm các nhiệm vụ được giao.
Hai là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ vi phạm.
Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên đề về kết quả học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ”. Chủ động phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn biểu hiện mơ hồ về chính trị, dao động, giảm sút lòng tin; những biểu hiện hữu khuynh, mất cảnh giác; vi phạm điều lệnh, quy trình, quy chế công tác; tác phong làm việc thụ động, xa rời thực tiễn và cơ sở. Chủ động rà soát, đề ra biện pháp quản lý, giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của đơn vị, địa phương.
Chủ động phối hợp với cấp ủy địa phương để quản lý, kiểm tra, giám sát, nhận xét, đánh giá đảng viên Công an thực hiện nghĩa vụ công dân tại nơi cư trú; góp ý, phê bình việc chấp hành tư cách, tác phong, văn hóa ứng xử và việc nêu gương của cán bộ, chiến sĩ cư trú trên địa bàn.
Ba là, tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng, tạo sự lan tỏa những hình ảnh người chiến sĩ Công an đẹp trong lòng Nhân dân.
Chủ động phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng đơn vị, cá nhân thực hiện có hiệu quả việc tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng Nhân dân. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu đậm về hình ảnh gương mẫu, tận tụy, bản lĩnh, ứng xử văn hóa, vì Nhân dân phục vụ; gương “người tốt”, “việc tốt”, dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vì bình yên cuộc sống của Nhân dân. Chủ động cung cấp thông tin, phản bác kịp thời các luận điệu xuyên tạc về lực lượng Công an nhân dân.
Phát huy tinh thần trách nhiệm nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu, cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an nhân dân quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu của toàn Đảng và toàn dân ta.
Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành
Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an
[1]. V.I.Lênin:Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.8, tr.289.
[2]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.614- 615.
[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.16.
[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.171.
[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.40.
[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.203.
[7]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.12.
[8]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.498.