Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người cần được tôn trọng. Đây cũng là quyền được ghi nhận từ rất sớm trong các văn kiện luật nhân quyền quốc gia và quốc tế.
Là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, ngay từ những ngày đầu lập nước, dân tộc Việt Nam đã có ý thức trân trọng, bảo vệ, phát triển tín ngưỡng, tôn giáo hướng về hạnh phúc, phồn vinh của dân tộc, đồng thời đề cao quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo. Chính tinh thần này góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn thăm Hồng y, Tổng giám mục Nguyễn Văn Nhơn nhân Lễ phục sinh 2018 tại Tổng Giáo phận Hà Nội, ngày 3-4-2018. Ảnh Tạp chí Xây dựng Đảng
Nói đến tín ngưỡng, không người Việt Nam yêu nước nào không biết đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; tín ngưỡng thờ Mẫu đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp. Đối với tôn giáo, hẳn ai cũng rõ, lịch sử đấu tranh dựng nước giữ nước của dân tộc Việt Nam có giai đoạn nào không có tôn giáo đồng hành. Ví như đời nhà Lý, vai trò của các vị thiền sư không nhỏ. Họ cùng luận bàn việc nước, cùng nỗ lực góp sức trong công cuộc kiến tạo, cai trị đất nước. Sang đời Trần, Phật giáo hóa thành Hào khí Đông A, bừng bừng nhiệt huyết đánh đuổi quân Nguyên Mông, giữ vững giang sang, bờ cõi. Nếu không trân trọng tôn giáo, liệu rằng chúng ta có phát huy được sức mạnh của tôn giáo chăng?
Chúng tôi muốn tiếp cận vấn đề bằng vài nét phác về tinh thần người Việt Nam, thái độ của người Việt Nam đối với tín ngưỡng và tôn giáo, một hiện tượng xã hội – văn hóa do chính con người sáng tạo ra, để xem xét lại điệp khúc Việt Nam không có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Luận điệu này cứ một thời gian lại được “khuấy” lên, làm “trầm trọng” hóa thêm qua chiêu bài “bảo vệ quyền lợi của giáo hội”. Sự xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, kiểm soát hoạt động, kìm hãm quá trình phát triển của các tôn giáo là sự quy chụp, không có thật. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thông tin, truyền thông phát triển mạnh mẽ, một số đối tượng cực đoan trong các tôn giáo đã triệt để lợi dụng Internet, mạng xã hội để tán phát, chia sẻ nhiều tài liệu có nội dung vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam “đàn áp tôn giáo”; yêu cầu thả người “đấu tranh cho tự do tôn giáo”; công kích số chức sắc, tín đồ tôn giáo tiến bộ, yêu nước, tham gia các tổ chức chính trị - xã hội; kêu gọi các nước lấy vấn đề tự do tôn giáo để làm điều kiện trong việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương cũng như đa phương, qua đó tìm cách can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam. Đặc biệt, có chức sắc tôn giáo còn công khai đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản tại Việt Nam, tuyên truyền, cổ xúy quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, cho rằng “tự do tôn giáo” là quyền đương nhiên, Nhà nước không có quyền quản lý. “Việc đăng ký điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung” là nhằm “kìm kẹp hoạt động tôn giáo”, kiểm soát tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nói tóm lại là Việt Nam không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đây có phải là sự thật?
Thứ nhất, nếu Việt Nam không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, có thể giải thích thế nào về các con số này: Năm 2003, cả nước có 06 tôn giáo, 15 tổ chức với 17 triệu tín đồ, khoảng 20.000 cơ sở thờ tự; 34.000 chức sắc, 78.000 chức việc. Chín năm sau, năm 2022, cả nước có 16 tôn giáo (có nghĩa là tăng thêm 10 tôn giáo được chính quyền công nhận); 43 tổ chức (tăng 28 tổ chức), với trên 27 triệu tín đồ (tăng khoảng 10 triệu tín đồ); trên 53.000 chức sắc, khoảng 148.000 chức việc, trên 29.700 cơ sở thờ tự (tăng 10.700 cơ sở)… Hàng năm có trên 8.000 nghìn lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo, với hàng vạn tín đồ tham gia. Nếu không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, liệu nhà nước Việt Nam có chấp nhận và tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo phát triển mạnh mẽ về số lượng như thực tế vừa đề cập đến hay không?
Thêm nữa, các tổ chức, cá nhân tôn giáo được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia các hoạt động hướng về cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội như các hoạt động: từ thiện xã hội; chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Minh chứng cho thấy, các tổ chức tôn giáo có trên 500 cơ sở khám chữa bệnh, trên 800 cơ sở bảo trợ xã hội, trên 300 trường mầm non... Những con số này nói lên điều gì? Không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chăng?
Về hoạt động in ấn, xuất bản, truyền bá tư tưởng, giáo lý của các tôn giáo, cũng được nhà nước quan tâm, tạo điều kiện. Trong khoảng 3 năm, từ năm 2018 - 2021, Nhà nước đã cấp phép xuất bản hơn 2.000 ấn phẩm, trong đó có nhiều ấn phẩm được dịch ra tiếng Anh, Pháp tiếng dân tộc; 25 tờ báo, tạp chí của các tôn giáo đang hoạt động.[1] Thử hỏi, nếu không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các hoạt động trên có được phép diễn ra hay không?
Thứ hai, nếu Việt Nam không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, liệu Nhà nước Việt Nam có cần phải quy định cụ thể về quyền quản lý đất đai phục vụ các hoạt động của cơ sở tôn giáo?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, đất tôn giáo, đất tín ngưỡng được quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Trong Luật Đất đai năm 2013 có quy định cụ thể về từng loại đất trên. Cụ thể:
Về đất cơ sở tôn giáo.
Điều 159 Luật đất đai 2013 quy định như sau:
1. Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo.
Về đất tín ngưỡng.
Điều 160 Luật đất đai 2013 quy định như sau:
1. Đất tín ngưỡng bao gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ.
2. Việc sử dụng đất tín ngưỡng phải đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kể hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Việc xây dựng, mở rộng các công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ của cộng đồng phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, cũng trong Luật Đất đai 2013, các quy định về thu tiền sử dụng đất đối với cơ sở tôn giáo sử dụng đất phi nông nghiệp; thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng… được quy định cụ thể, công bằng theo chuẩn pháp lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trên thực tế, trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp hàng trăm hécta đất để xây dựng cơ sở thờ tự. Ví như: Thành phố Hồ Chí Minh đã giao 7.500m2 đất cho Tổng Liên hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện thánh kinh thần học; tỉnh Đắk lăk giao hơn 11.000m2 đất cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột; thành phố Đà Nẵng giao hơn 9.000m2 đất cho Tòa Giám mục Đà Nẵng; tỉnh Quảng trị giao thêm 15 ha cho Giáo xứ La vang… Năm 2022 chính quyền các cấp đã cấp phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo cho 486, tăng 60 cơ sở thờ tự tôn giáo so với năm 2021; cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 183 điểm nhóm; cấp quyết định xuất bản cho 140 xuất bản phẩm[2]...
Như vậy, điều kiện về đất đai, đảm bảo cho các tổ chức tôn giáo có không gian hoạt động được Nhà nước Việt Nam quan tâm đưa vào bộ luật vừa giúp các tôn giáo có căn cứ chủ động bảo vệ quyền cơ bản của chính họ, đồng thời giúp các cơ quan nhà nước thực hiện đúng công tác quản lý về đất đai.
Thứ ba, nếu Việt Nam không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, có cần thiết phải xây dựng hệ thống văn bản pháp quy về tín ngưỡng, tôn giáo và khẳng định quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của tất cả mọi người hay không?
Ngay từ những ngày đầu lập nước, vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được đưa vào Chương 2, điều 10, Hiến pháp năm 1946: “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng...”. Tinh thần đó tiếp tục được khẳng định và phát triển trong Hiến pháp năm 1959: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” (Điều 26); Hiến pháp năm 1980 mở rộng thêm: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước” (Điều 68); Hiến pháp năm 1992 (Điều 70) quy định cụ thể: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”; Hiến pháp 2013 (Điều 24): “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và thể chế hóa chủ trương, chính sách của Nhà nước về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xuyên suốt từ những ngày đầu lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đến nay, hệ thống các văn bản pháp luật, pháp lệnh, chỉ thị về tôn giáo đã được chú trọng xây dựng và hoàn thiện. Sắc lệnh số 234-SL ngày 14/6/1955 ghi rõ: “việc tự do, tín ngưỡng, thờ cúng là một quyền lợi của nhân dân. Chính quyền dân chủ cộng hoà luôn luôn tôn trọng quyền lợi ấy và giúp đỡ nhân dân thực hiện” (Điều 15). Một số Thông tư hướng dẫn thi hành Sắc lệnh này sau đó đã được ban hành, bao gồm: Thông tư số 593-TTg (năm 1957) và Thông tư số 60-TTg (11/6/1964) quy định chi tiết về việc thi hành chính sách tôn giáo. Sau khi đất nước thống nhất, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 297-CP ngày 11/11/1977 về “Một số chính sách đối với tôn giáo”, trong đó nêu các nguyên tắc về tự do tôn giáo. Bước vào thời kỳ Đổi mới, vấn đề quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được đề cập trong nhiều văn bản pháp luật, bao gồm: Nghị định số 69-HĐBT ngày 21/3/1991 ban hành “Quy định về các hoạt động tôn giáo”; Nghị định số 26/1999/NĐ-CP ngày19/4/1999 quy định về các hoạt động tôn giáo; Bộ luật Dân sự 1995 (Điều 43), Bộ luật Hình sự 1999 (Điều 47), đáng chú ý, tại Điều 164 của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định về tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân và người vi phạm có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến một năm. Luật tổ chức Chính phủ 2001 (Điều 13), Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 (Điều 5); Luật Giáo dục 2005 (các Điều 9 và 16)… đều có các điều khoản quy định nguyên tắc không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, quan trọng nhất là Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo ban hành năm 2004. Đặc biệt, ngày 18-11-2016, Lần đầu tiên Quốc hội đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó, điều 6 quy định rõ: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo. Đặc biệt, Luật đã mở rộng, hướng tới đối tượng - những người bị hạn chế quyền công dân, cụ thể: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo”.[3]
Như vậy, xét về phương diện pháp lý, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được cụ thể hóa qua các hiến pháp, luật và các văn bản dưới luật. Do vậy, không có lý gì phản bác Việt Nam vi phạm luật nhân quyền, cụ thể là vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Thứ tư, nếu Việt Nam không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, liệu có tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các chức sắc, tín đồ tôn giáo tổ chức các sự kiện tôn giáo hay không?
Thực tiễn cho thấy, từ năm 2011 đến nay, đã có khoảng 2.000 lượt cá nhân tôn giáo xuất cảnh tham gia khoá đào tạo ở nước ngoài, tham dự hội thảo, hội nghị quốc tế liên quan đến tôn giáo, gần 500 đoàn nước ngoài, với hơn 3.000 lượt người vào Việt Nam để trao đổi, giao lưu hướng dẫn tại cơ sở thờ tự tại Việt Nam, tham dự các sự kiện tôn giáo do các tổ chức tôn giáo Việt Nam tổ chức như: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK (Giáo hội Phật giáo Việt Nam 3 lần đăng cai); Đại hội đồng Giám mục Á châu (Lễ hội của Công giáo); Lễ 100 năm Tin Lành đến Việt Nam. Phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) tổ chức hội thảo: “Tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, những kinh nghiệm quốc tế được chia sẻ”; Đối thoại “Liên tín ngưỡng ASEM lần thứ VI”...
Ngoài ra, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bằng những hành động thiết thực, cụ thể như thăm hỏi, động viên, chúc mừng. Thực tiễn đó là một minh chứng rõ nét cho sự tôn trọng, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo – bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.
Tóm lại, quan tâm đến tôn giáo, tín ngưỡng, tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo phát triển cả về số lượng, chất lượng; đảm bảo quyền sử dụng, quản lý đất tín ngưỡng, đất tôn giáo; cấp phép, hỗ trợ các sự kiện tôn giáo, ấn phẩm tôn giáo; ban hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và các văn bản nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo… những hoạt động cụ thể và thiết thực như trên là vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chăng? Trong tư duy của những người thường rêu rao luận điệu Việt Nam không có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải chăng là thích làm gì thì làm, hay họ chưa hiểu hoặc cố tình không hiểu thế nào là tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thiết nghĩ, không cần phải giải thích thêm. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam./
Nguyễn Tuyết Lan
Học viện Chính trị CAND
[1] Theo Ths Nguyễn Văn Long- Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ, Chưa bao giờ các tôn giáo ở Việt Nam có điều kiện hoạt động thuận lợi như hiện nay, https://vov.vn/chinh-tri/chua-bao-gio-cac-ton-giao-o-viet-nam-co-dieu-kien-hoat-dong-thuan-loi-nhu-hien-nay-post1009202.vov
[2] Theo Tiến sỹ, Vũ Chiến Thắng- Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Không thể xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/diem-tin/khong-the-xuyen-tac-tinh-hinh-tu-do-ton-giao-o-viet-nam-48068.html
[3] Quốc Hội, Luật số: 02/2016/QH14, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, ban hành ngày 18 tháng 11 năm 2016