Tôn giáo là vấn đề nhạy cảm bởi nó gắn với niềm tin của con người đối với thế giới đối tượng thiêng và một khi niềm tin tôn giáo bị lợi dụng cho những mục đích xấu sẽ gây ra những hệ lụy khó lường. Vì vậy, nhận diện và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam hiện nay cần được quan tâm đặc biệt.
Đối với các thế lực thù địch, tôn giáo là cái “cớ” để khai thác, nhằm xuyên tạc để chống phá Đảng, chế độ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại đoàn kết tôn giáo, gây chia rẽ, kích động hận thù hoặc tạo tâm lý hoang mang, lo lắng, gây tư tưởng chia rẽ, bạo loạn,... Một sự việc rất nhỏ, một mâu thuẫn bình thường trong lĩnh vực tôn giáo có thể bị thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc trở nên nghiêm trọng; một vụ việc tôn giáo xảy ra tại một khu vực, một địa phương cũng rất dễ bị khuếch đại thành vấn đề quốc tế; một sự kiện vốn chỉ là hiện tượng, nhưng có thể bị xuyên tạc trở thành bản chất; một vấn đề mang tính bộ phận, nhưng lại dễ biến thành toàn thể; một câu chuyện vốn rất bình thường, nhưng có thể bị biến thành phức tạp.
Trong nhiều năm qua, những nhận định sai trái, xuyên tạc với thái độ thù địch và động cơ chính trị xấu vẫn thường xuyên xuất hiện, cho dù tình hình tôn giáo ở Việt Nam tốt đẹp, quyền tự do tôn giáo ngày càng được bảo đảm tốt hơn thì những luận điệu kiểu ấy vẫn phát tán và hoàn toàn không ăn nhập gì với thực tiễn đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Kỳ thực, các quan điểm sai trái, thù địch, kích động mâu thuẫn, xung đột,... đều đã được lập trình với rất nhiều phương án, kịch bản khác nhau để hướng đến mục đích cuối cùng là thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, là gây “cách mạng không tiếng súng”, nhằm công kích, chuyển hóa chế độ. Chiến thuật, chiến lược này không mới, nhưng nó nguy hiểm ở chỗ luôn âm thầm, rình rập, chờ thời cơ, kiểu “nước nhỏ lu đầy”, “mưa dầm thấm lâu”,... Vì vậy, cần nhận diện chúng một cách chính xác nhằm thấy rõ động cơ, mục đích cũng như phương thức tiến hành của chúng để có cơ sở đấu tranh, phản bác.
Các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc về tình hình tôn giáo ở Việt Nam
Các thế lực thù địch rêu rao rằng, Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo, hạn chế, cản trở, đàn áp hoạt động tôn giáo. Quan điểm này thường viện dẫn rằng có những hoạt động tôn giáo bị chính quyền ngăn cản hoặc giải tán. Tuy nhiên, trong thực tế những hoạt động tôn giáo bị chính quyền giải tán là những hoạt động chưa được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền, nói cách khác, đây là hoạt động trái pháp luật. Theo pháp luật Việt Nam, việc tuyên truyền tôn giáo, tổ chức các hoạt động tôn giáo đông người ngoài cơ sở thờ tự và những địa điểm hợp pháp khác, mà chưa được sự đồng ý của chính quyền là một hành vi vi phạm pháp luật. Khi thấy các cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn những hoạt động này, các thế lực thù địch lu loa rằng, đó là hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hạn chế tôn giáo mà quên rằng, các cơ quan đang thực thi pháp luật Việt Nam chứ không phải thực thi pháp luật của một đất nước nào khác.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, những hoạt động tụ tập đông người ở nơi công cộng đều phải được sự đồng ý của chính quyền, nếu vi phạm sẽ bị xử lý. Tuy thế, nhiều hoạt động tôn giáo tụ tập đông người vẫn cố tình diễn ra dù chưa được phép. Đó là hành vi vi phạm pháp luật và thách thức pháp luật. Các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn các hoạt động kiểu như thế này là hoạt động thực thi và bảo vệ pháp luật.
Nghiêm khắc xử lý vi phạm đối với các hoạt động tôn giáo, nhưng ngược lại, Việt Nam lại hết sức tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo đúng pháp luật. Nhà nước ủng hộ và tạo điều kiện tổ chức lễ kỷ niệm của các tôn giáo với quy mô hàng trăm nghìn người. Những hội thảo, hội nghị mang tầm quốc tế, khu vực của các tổ chức tôn giáo vẫn được Nhà nước tạo điều kiện và hỗ trợ tổ chức. Chẳng hạn, nhân dịp kỷ niệm 350 năm thành lập hàng giáo phẩm của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, chính quyền cho phép 30 giám mục, 1.200 linh mục và hơn 100.000 giáo dân trên khắp cả nước tụ họp tại tỉnh Hà Nam để tổ chức sự kiện này.
Hằng năm, nhân dịp lễ kỷ niệm ngày sinh Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, khoảng 100.000 người tụ họp để dự lễ tại An Hòa Tự, tỉnh An Giang. Tương tự, hằng năm, nhân dịp Lễ hội Diêu Trì Kim Mẫu, hàng trăm nghìn tín đồ Cao Đài trên cả nước và nước ngoài tụ họp về Tòa thánh Tây Ninh để hành lễ. Trong các năm 2008, 2014 và 2019, Việt Nam đã cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, thu hút hàng chục nghìn đại biểu đến từ các quốc gia trên thế giới và các tín đồ Phật giáo trong và ngoài nước.
Mặt khác, các thế lực thù địch xuyên tạc rằng, Việt Nam “đàn áp, sách nhiễu” các hội, nhóm tôn giáo chưa được thừa nhận, chưa đăng ký hoạt động, không chấp nhận hoặc gây khó dễ trong việc đăng ký của các tổ chức, nhóm tôn giáo chưa được công nhận. Như chúng ta biết, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 của Việt Nam và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, ngày 30-12-2017, của Chính phủ, “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo”, quy định rất rõ về điều kiện, thủ tục để được công nhận tư cách pháp nhân. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 được phổ biến rộng rãi cho tất cả các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo. Nếu như các tổ chức có đầy đủ các điều kiện, hồ sơ hoàn chỉnh mà chính quyền vẫn không giải quyết hoặc không giải thích rõ lý do hoặc các cơ quan có thẩm quyền có bất kỳ vi phạm nào trong quá trình quản lý hoạt động tôn giáo, các tổ chức đó có thể khiếu nại, khởi kiện (theo Khoản 1, Điều 63 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016). Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất có chính sách công nhận các tổ chức tôn giáo, mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng thực hiện chính sách này. Ở các quốc gia đó, những tổ chức tôn giáo chưa được công nhận cũng cần hội đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và sau khi được các cơ quan thẩm định đạt yêu cầu mới được công nhận. Các quan điểm xuyên tạc thường xuyên viện dẫn chính quyền ngăn chặn, hạn chế các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, các tổ chức Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, các hệ phái Tin Lành chưa được công nhận, các hiện tượng tôn giáo mới như Pháp Luân Công, Dương Văn Mình,...
Ở Việt Nam còn có nhiều dạng thức hoạt động tôn giáo chưa được công nhận, có những hoạt động chống đối Đảng, Nhà nước, chế độ, gây ra những vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc. Có thể kể ra một số tổ chức, hội, nhóm sau: Hội đồng liên tôn Việt Nam; Liên đoàn dân chủ Công giáo Việt Nam; Hội đồng liên kết quốc nội hải ngoại Việt Nam; Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thuần túy; Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo truyền thống; Ban Đại diện Khối nhơn sanh Cao Đài; Liên hiệp Ban Trị sự Hội thánh em (Cao Đài); Nhóm bảo thủ chơn truyền (Cao Đài); Nhóm tín đồ theo Hội thánh nguyên thủy (Cao Đài); Hội thánh em Đại đạo Tam Kỳ phổ độ; Tin Lành Đề ga,... Trong số các tổ chức, hội, nhóm nêu trên thì các hội, nhóm: Hội đồng liên tôn Việt Nam; Liên đoàn dân chủ Công giáo Việt Nam; Hội đồng liên kết quốc nội hải ngoại Việt Nam do các phần tử cực đoan của một số tôn giáo lập ra.
Những tổ chức nói trên luôn tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước, đi ngược lại với xu hướng đồng hành cùng dân tộc của các tôn giáo khác ở Việt Nam. Pháp luật Việt Nam xử lý nghiêm đối với những hoạt động của các tổ chức này nếu các hoạt động đó gây ảnh hưởng cho an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Đối với những tổ chức tôn giáo chưa được công nhận là pháp nhân, hoạt động tuân thủ pháp luật, và điều quan trọng ở đây là những tổ chức tôn giáo thuần túy, tức không phải mang danh nghĩa tôn giáo để hoạt động chính trị thì khi hội đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật sẽ được xem xét, công nhận là pháp nhân.
Trên thế giới, nhiều nước cũng có chính sách ứng xử rất rõ ràng với các tổ chức, nhóm tôn giáo chưa được công nhận. Pháp là một ví dụ. Chính phủ Pháp thường xuyên từ chối công nhận các nhóm tôn giáo “thiểu số”. Luật pháp của Pháp quy định, nghiêm cấm bất cứ ai lợi dụng tôn giáo của mình nhằm không tuân thủ các quy định chung về mối quan hệ giữa các cơ quan công quyền và các cá nhân. Đây là cơ sở pháp lý để Chính phủ Pháp có thể từ chối công nhận tư cách pháp nhân cho các nhóm tôn giáo thiểu số.
Ở Xin-ga-po, pháp luật về tổ chức xã hội của quốc gia này quy định “Một tổ chức xã hội đại diện, thúc đẩy hoặc thảo luận về những vấn đề tôn giáo là “một tổ chức chuyên biệt” và phải được đăng ký theo quy định pháp luật. Tại quốc gia này, một tổ chức như thế, nếu không đăng ký sẽ bị coi là một tổ chức ngoài vòng pháp luật và bị giải tán. Ngoài ra, ở Xin-ga-po, nhóm Chứng nhân Giê-hô-va không được công nhận tư cách pháp nhân và bị hạn chế hoạt động tôn giáo vì nhóm này nhất định không thực hiện nghĩa vụ quân sự và chào cờ. Chính phủ Xin-ga-po cho rằng, nghĩa vụ quân sự và chào cờ là nghĩa vụ thế tục mang tính chất bắt buộc đối với các công dân, không thể vì lý do tôn giáo mà từ chối nghĩa vụ này(1).
Nhật Bản thông qua một luật mới rất hà khắc dành riêng cho giáo phái Chân lý tối thượng sau những gì giáo phái này đã gây ra. Luật yêu cầu Chân lý tối thượng phải thông tin thường xuyên về mọi hoạt động của mình cũng như hồ sơ của mỗi thành viên. Trên phương diện rộng hơn, Nhật Bản đã sửa đổi và thông qua Luật Pháp nhân tôn giáo năm 1995. Tiêu điểm của luật sửa đổi là “tăng sự giám sát của nhà nước đối với các tổ chức tôn giáo và yêu cầu các tổ chức tôn giáo công khai tình hình tài chính”(2), tất cả nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các tổ chức tôn giáo(3).
Rõ ràng, Nhà nước Việt Nam không sách nhiễu, không hạn chế, mà chỉ yêu cầu và chấn chỉnh các tổ chức tôn giáo chưa được công nhận thực hiện đúng trong phạm vi, khuôn khổ theo quy định của pháp luật. Việc các thế lực phản động, thù địch sử dụng từ hạn chế, sách nhiễu khiến cho bản chất sự thật bị bóp méo, bởi một số tổ chức tôn giáo chưa được công nhận đang có những hoạt động trái pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Các thế lực thù địch lập luận một cách vô căn cứ rằng Việt Nam có các điều luật, quy định “không rõ ràng”, các “tội danh mơ hồ”, sử dụng điều khoản về an ninh quốc gia, để “kiểm soát, đàn áp, hạn chế” tự do tôn giáo. Tuy nhiên, những điều mà các quan điểm sai trái, thù địch cho rằng Việt Nam đưa ra “tội danh mơ hồ”, “không rõ ràng”,... được quy định rất rõ tại Điều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
Theo quy định của pháp luật, bất kỳ hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào mà hoạt động đó xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, thì đó là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm. Đây không phải là những quy định “mập mờ”, “mơ hồ”, mà là những quy định rất rõ ràng và là một nguyên tắc pháp lý chung: nguyên tắc hạn chế quyền trong trường hợp việc thực thi quyền này xâm phạm đến an ninh quốc gia và sự an toàn cho cộng đồng. Đây cũng là một điều mà các quốc gia trên thế giới đều có quy định và áp dụng trong những tình huống khẩn cấp. Cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là một ví dụ. Nhiều quốc gia trên thế giới phải hạn chế quyền tự do cá nhân vì mục tiêu an toàn của cộng đồng.
Các thế lực thù địch lập luận hàm hồ rằng Việt Nam bắt giữ, bỏ tù các cá nhân tôn giáo, và đó là hành vi vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo,... Tuy nhiên, những cá nhân bị chính quyền bắt giữ đều là những người có hành vi vi phạm pháp luật, hoặc là có hành vi tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước, kêu gọi, kích động hận thù, gây ra mâu thuẫn, xung đột, chia rẽ đoàn kết. Đó là những nhân vật, đối tượng cực đoan, có tư tưởng chống đối hoặc bị chi phối, chỉ đạo bởi các lực lượng, tổ chức phản động, thậm chí có đối tượng là thành viên của các tổ chức khủng bố. Những cá nhân này thường nhân danh tôn giáo, nhân danh đòi công bằng, bình đẳng cho các tổ chức tôn giáo để nhằm mục đích chính trị.
Thủ đoạn xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam
Các thế lực thù địch, phản động đánh tráo khái niệm, gán ghép, quy chụp một sự kiện, vụ việc không phải là mâu thuẫn hay xung đột về tôn giáo, nhưng bị quy chụp là mâu thuẫn, xung đột tôn giáo. Trên thực tế, một số vụ việc không liên quan gì đến niềm tin tôn giáo, chỉ là những sự việc vi phạm hành chính, dân sự,... nhưng lại bị các lực lượng phản động quy chụp là mâu thuẫn tôn giáo. Chẳng hạn, các quan điểm xuyên tạc thường đưa tin về các vụ biểu tình, tụ tập đông người của các tín đồ tôn giáo, liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, đây không phải là mâu thuẫn hay xung đột về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà chỉ đơn thuần là vấn đề đất đai do chiến tranh, do lịch sử để lại,... Xung đột trong lĩnh vực tôn giáo ở Việt Nam hiện nay chủ yếu do tranh chấp đất đai, do vi phạm trong xây dựng cơ sở thờ tự, truyền đạo trái pháp luật, vi phạm pháp luật hiện hành về tôn giáo, chứ không phải xung đột do mâu thuẫn về niềm tin tôn giáo. Nói cách khác, đây hoàn toàn không phải là những vụ việc xảy ra do bị hạn chế quyền tự do tôn giáo, không phải do kỳ thị, xúc phạm niềm tin tôn giáo.
Trên thực tế có lúc, có nơi vẫn còn xảy ra những mâu thuẫn, xung đột giữa các nhóm tôn giáo, hoặc giữa các tín đồ tôn giáo hay mâu thuẫn giữa người dân với các tôn giáo và tín đồ tôn giáo về những vấn đề dân sự, hành chính hoặc những vấn đề có liên quan đến văn hóa... nhưng cũng bị các lực lượng thù địch gán ghép là mâu thuẫn giữa chính quyền với tôn giáo, tức là đều bị quy chụp vào mâu thuẫn tôn giáo, vấn đề tôn giáo.
Họ biến hiện tượng thành bản chất, biến thiểu số thành đa số. Đây là một phương thức khá phổ biến để xuyên tạc tình hình tôn giáo, chính sách, pháp luật về tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Cụ thể, trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo ở các địa phương khác nhau có lúc, có nơi các cấp, các ngành chưa thực hiện đúng; có những cán bộ trực tiếp giải quyết có cách làm chưa phù hợp nên gây ra những phản ứng tiêu cực, thì đây là những sai sót trong thực hiện, thuộc về hiện tượng chứ không phải bản chất, thuộc về những sai sót có tính chất thiểu số, bộ phận, có tính chất cá nhân, chứ không phải đa số, không phải toàn thể. Tuy nhiên, thông qua phương thức, chiêu bài xuyên tạc biến hiện tượng thành bản chất, biến thiểu số thành đa số, biến bộ phận thành toàn thể, của các thế lực thù địch... thì những vụ việc này bị quy chụp sai sót về mặt bản chất của chế độ, chính sách. Tương tự, có những cá nhân tôn giáo (chức sắc, nhà tu hành hay tín đồ) vì vi phạm chính sách, pháp luật mà đương nhiên bị xử lý. Những vi phạm của các cá nhân này không liên quan gì đến tôn giáo, nhưng lại bị quy chụp thành vấn đề tôn giáo, bản chất tôn giáo.
Nói cách khác, họ mưu toan khai thác những điểm còn hạn chế trong chính sách, pháp luật về tôn giáo, khai thác những hạn chế trong thực thi chính sách, pháp luật về tôn giáo, khai thác những vụ việc sai phạm của các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo để lấy đó minh chứng cho bản chất của chế độ, qua đó làm gia tăng mâu thuẫn, suy giảm niềm tin của tổ chức tôn giáo, tín đồ tôn giáo và dư luận thế giới đối với chính sách tôn giáo và thực thi chính sách tôn giáo ở Việt Nam, hiểu sai về tình hình tôn giáo ở Việt Nam.
Họ thường xuyên gặp gỡ, khai thác ý kiến của các cá nhân tôn giáo, những thành phần chống đối trong các tổ chức tôn giáo, những nhân vật tôn giáo đã bị chính quyền xử lý vì những vi phạm pháp luật, biện bạch rằng đó là những bằng chứng, chứng cứ sinh động cho việc hạn chế, vi phạm quyền tự do tôn giáo của Việt Nam. Khai thác những điểm hạn chế, đồng thời ít nhấn mạnh, thậm chí “lờ đi” những điểm sáng, những thành tựu của tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Đây thực chất là cách làm có chủ đích nhằm định hướng dư luận trong nước, quốc tế theo quan điểm của mình.
Họ thường lấy những tiêu chuẩn của nước khác để áp vào Việt Nam, yêu cầu Việt Nam phải thực hiện theo những chuẩn mực hay tiêu chuẩn đó. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng, quyền con người vừa có tính phổ biến, vừa có tính đặc thù và không thể có một tiêu chuẩn chung nào có thể áp dụng cho tất cả mọi quốc gia. Bất cứ một quốc gia nào cũng đều phải lấy lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia làm ưu tiên hàng đầu. Việt Nam cũng vậy, bảo đảm quyền con người là một ưu tiên, nhưng việc bảo đảm ấy không thể xâm phạm đến an ninh quốc gia, lợi ích dân tộc. Các tổ chức, cá nhân tôn giáo không thể đòi hỏi quyền của mình nếu như điều đó ảnh hưởng đến lợi ích chung của toàn xã hội.
Họ cổ xúy, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo và những cá nhân tôn giáo có tư tưởng cực đoan, chống đối Nhà nước, tuyên truyền, kích động, xúi giục người khác biểu tình, chống đối, tạo ra những vụ việc phức tạp để tạo cớ xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam, xuyên tạc bản chất của chế độ ta.
Họ rắp tâm khai thác những vấn đề lịch sử, tâm lý khác biệt giữa các tôn giáo, giữa các tộc người để từ đó kích động tâm lý hận thù, tư tưởng ly khai. Chẳng hạn, khai thác triệt để các mâu thuẫn về lợi ích kinh tế, những khác biệt về văn hóa để kích động, chia rẽ người Kinh và các dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; triệt để khai thác cái gọi là “Vương quốc Mông”, “Nhà nước Đề ga”,... để kích động tư tưởng ly khai,...
Đó là một số thủ đoạn thường gặp của các thế lực phản động nhằm đưa ra các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Các quan điểm này thường thống kê tất cả những vụ việc, những cá nhân tôn giáo vi phạm pháp luật bị xử lý, những hạn chế, thiếu sót trong các văn bản quy phạm pháp luật về tôn giáo, đặc biệt là những hạn chế, bất cập trong việc thực thi chính sách, pháp luật ở Việt Nam để khẳng định rằng, Việt Nam hạn chế tôn giáo, đàn áp tôn giáo, sách nhiễu tôn giáo, không bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo,... Họ muốn hướng đến mục đích là phản ánh sai lạc, xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam, xuyên tạc bản chất của mối quan hệ giữa Nhà nước với tôn giáo, làm phức tạp thêm tình hình, duy trì và nuôi dưỡng những mầm mống phản động chống đối Đảng, Nhà nước, cản trở việc hóa giải những mâu thuẫn, những vụ việc phức tạp giữa chính quyền với tổ chức và cá nhân tôn giáo, để cuối cùng là thông qua tôn giáo, lợi dụng tôn giáo để chuyển hóa chế độ của chúng ta.
Không thể phủ nhận sự tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
Có thể nói, chưa bao giờ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được tôn trọng và bảo đảm như hiện nay. Các tôn giáo, tổ chức tôn giáo liên tục được công nhận tư cách pháp nhân, số lượng không ngừng tăng lên, mức độ đa dạng tôn giáo ở Việt Nam xếp hạng nhóm đầu thế giới. Quyền tự do tôn giáo được bảo đảm ngay cả đối với những người bị giam giữ. Những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập ở Việt Nam cũng được thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo một cách đầy đủ hơn so với trước. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam được phép mở rộng quan hệ quốc tế mà không có bất cứ trở ngại gì, những hoạt động tôn giáo tập trung đông người được Nhà nước cho phép tổ chức, có những sự kiện lên tới vài chục nghìn người, thậm chí hàng trăm nghìn người. Năm 2009, Nhà nước cho phép và hỗ trợ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Thành phố Hồ Chí Minh, với hơn 2.000 ni sư từ hơn 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự sự kiện này. Năm 2011, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) đã đồng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm đạo Tin Lành có mặt tại Việt Nam. Buổi lễ được tổ chức tại Đà Nẵng thu hút khoảng 20.000 người tham dự. Ngoài ra, buổi lễ cũng được tổ chức tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút hàng nghìn người tham dự. Năm 2012, tại Tòa Giám mục Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục châu Á lần thứ X khai mạc, với hơn 200 giám mục trên khắp thế giới về dự. Năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 500 năm Tin Lành cải cách, tại Hà Nội diễn ra sự kiện với khoảng hơn 20.000 người tham gia tại sân vận động Quần Ngựa.
Các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo được phép tham gia vào Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, được tham gia tư vấn, phản biện các chính sách của Nhà nước nói chung và chính sách tôn giáo nói riêng. Việc xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 có sự tham gia, đóng góp tích cực của tín đồ, chức sắc các tôn giáo. Việc in ấn, xuất bản kinh sách tôn giáo rất thuận lợi, việc quy định tất cả kinh sách tôn giáo in tại Nhà xuất bản Tôn giáo để thống nhất quản lý không hề gây ra trở ngại gì đối với việc in ấn tài liệu của các tôn giáo. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu các tài liệu tôn giáo từ nước ngoài để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng cũng không gặp trở ngại gì.
Điều đáng nói là, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm các tôn giáo được đối xử một cách bình đẳng và các tôn giáo ổn định, đoàn kết trong một đất nước có sự đa dạng tôn giáo cao, bên cạnh đó còn có sự đa dạng về tộc người với những truyền thống lịch sử và văn hóa khác biệt. Đây phải được xem là một thành tựu quan trọng của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đưa ra quan điểm có tính chất đổi mới nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”(4).
Không chỉ ban hành chủ trương, chính sách quan tâm, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân, Đảng, Nhà nước ta còn chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tâm tư, nguyện vọng của đồng bào theo đạo. Chính phủ thường xuyên tổ chức gặp gỡ đại diện của tất cả các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đại diện các tôn giáo.
Hiện nay, Việt Nam có 16 tôn giáo và 41 tổ chức tôn giáo (thuộc 16 tôn giáo) đã được công nhận tư cách pháp nhân. So với trước năm 2004, con số này tăng thêm 10 tôn giáo. Đời sống tôn giáo ở Việt Nam luôn ổn định, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được bảo đảm và ngày càng mở rộng. Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền ngày càng quan tâm, chăm lo đối với người dân theo đạo, điều này đã thể hiện rõ trong đời sống tôn giáo của tín đồ và mọi hoạt động của các tôn giáo, tổ chức tôn giáo ở Việt Nam./.
-------------------
(1) Xem: Hoàng Văn Chung: “Ứng xử của một số nhà nước trên thế giới đối với hiện tượng tôn giáo mới”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 9, năm 2014, tr. 43 - 45
(2) Nguyễn Ngọc Phương Trang: Tôn giáo mới ở Nhật Bản từ sau Thế chiến Thứ II đến những năm 1990, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2012, tr. 77
(3) Xem: Hoàng Văn Chung: “Ứng xử của một số nhà nước trên thế giới đối với hiện tượng tôn giáo mới”, Tlđd, tr. 43 – 45
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 171
PGS, TS. CHU VĂN TUẤN
Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam