Ngày 20/6/2012, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó lấy ngày 9/11 (ngày Quốc hội thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta) là Ngày pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Đây là sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật; giáo dục, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của xã hội; xây dựng, bồi đắp niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân; coi trọng các giá trị truyền thống tốt đẹp; đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách, ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, kỷ cương trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Thực hiện quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, Ngày pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã được Bộ Công an, các đơn vị thuộc cơ quan Bộ, các học viện, trường CAND, Công an các địa phương tích cực hưởng ứng, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục, đi vào nề nếp với những hoạt động ngày càng cụ thể, hướng tới mục tiêu 365 ngày đều là Ngày pháp luật.
Với chủ đề và khẩu hiệu hành động sát hợp, nội dung có trọng tâm, trọng điểm, Ngày pháp luật thực sự là ngày hội chính trị, pháp lý quan trọng, có sức lan tỏa mạnh mẽ và đã trở thành khẩu hiệu, phương châm hành động hàng ngày, trong từng hoạt động công tác, chiến đấu của mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND.
Thông qua các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ Công an các cấp về vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật, ý thức trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng kỷ luật, kỷ cương cũng như năng lực áp dụng pháp luật, trách nhiệm thi hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật được nâng lên rõ rệt, góp phần nâng cao hiệu quả công tác, chiến đấu của toàn lực lượng, đồng thời đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhiều biện pháp, giải pháp quan trọng nhằm đưa Hiến pháp, pháp luật vào thực tiễn công tác, chiến đấu, bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh.
Trong những năm qua, lực lượng CAND đã thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về những chủ trương, chính sách trong bảo vệ an ninh, trật tự. Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn coi trọng, quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật về an ninh, trật tự, tạo khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn chỉnh hơn để lực lượng CAND thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Cùng với đó, thường xuyên quan tâm, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức tốt việc quán triệt, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Ngày pháp luật; nội dung các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các quy định của pháp luật có liên quan đến an ninh, trật tự; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính; cải cách tư pháp; thực hiện quy chế dân chủ trong công tác Công an; thường xuyên, kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh công tác thi hành pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Ngày pháp luật trong CAND còn một số hạn chế, thiếu sót, như: lãnh đạo Công an một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai thực hiện Ngày pháp luật; nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện Ngày pháp luật ở Công an một số đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, chất lượng và tính hiệu quả chưa cao; trình độ, chất lượng, nghiệp vụ, kỹ năng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, nhất là ở cơ sở còn hạn chế; cơ chế kiểm tra, theo dõi việc thi hành pháp luật còn chưa chặt chẽ; Công an một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc chế độ thống kê, báo cáo, như: nội dung báo cáo sơ sài, thời gian gửi báo cáo không đúng theo quy định...; chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật còn chưa cao; nguồn lực đầu tư cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn nhiều hạn chế…
Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, đặt ra những khó khăn, thách thức cho công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước không ngừng gia tăng các hoạt động công kích, chống phá trên nhiều lĩnh vực, thực hiện âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ ta; tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường đến tình hình trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn những nhân tố dễ gây mất ổn định.
Sự gia tăng của một số loại tội phạm như: Tội phạm về ma túy, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm chống người thi hành công vụ, tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”..., đặc biệt là đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra những khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận CBCS CAND chưa cao; hiện tượng coi thường pháp luật trong nhân dân còn diễn ra khá phổ biến.
Trước bối cảnh và yêu cầu, nhiệm vụ trên, việc tôn vinh, đề cao vai trò, tính tối thượng của Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội nói chung, cho CBCS CAND nói riêng là một tất yếu khách quan, cần thiết và cấp bách.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy ý nghĩa thiết thực, hiệu quả của việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật trong CAND, góp phần bảo vệ Hiến pháp, nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành pháp luật và thực hiện tốt nhiệm vụ của lực lượng CAND, Đảng ủy Công an trung ương, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu, Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả các công tác trọng tâm sau đây:
Một là, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về an ninh, trật tự. Tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn.
Trước mắt, cần khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và thông qua, như: Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)… và dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV trong lĩnh vực an ninh, trật tự nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của lực lượng CAND trong bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh.
Tiếp tục bám sát thực tiễn, nâng cao khả năng dự báo và tham mưu ban hành các chiến lược trung hạn và dài hạn về xây dựng pháp luật và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn của Quốc hội để nghiên cứu, thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới. Tập trung thực hiện tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và của Bộ Công an.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất gia nhập, ký kết, thực hiện các điều ước quốc tế song phương và đa phương về phòng, chống tội phạm, tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù với các nước.
Hai là, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật nói chung, về lĩnh vực an ninh, trật tự nói riêng đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Việt Nam pháp quyền XHCN. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và thực hiện có hiệu quả các đạo luật liên quan đến an ninh, trật tự.
Coi trọng việc tổ chức Ngày pháp luật để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành, thực thi pháp luật. Lựa chọn nội dung trọng điểm trong kiểm tra tình hình thi hành pháp luật, nhằm xem xét, đánh giá thực trạng, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật về an ninh, trật tự.
Chủ động nghiên cứu, phối hợp với cơ quan hữu quan tham mưu với Chính phủ báo cáo, đề xuất Quốc hội ban hành Luật Theo dõi thi hành pháp luật, nhằm tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh cho công tác theo dõi, thi hành pháp luật trong tình hình mới. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong CAND, đổi mới các khâu, quy trình công tác; rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ba là, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân; Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và các văn bản liên quan; cần xác định nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an ninh, trật tự là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, trong đó CAND là lực lượng nòng cốt.
Lực lượng Công an các cấp cần chủ động tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với các chương trình, kế hoạch về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ.
Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Nghiên cứu, đổi mới hệ thống giáo trình giảng dạy pháp luật tại các học viện, trường CAND; tăng nội dung, thời lượng giảng dạy pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai hưởng ứng Ngày pháp luật, cũng như trong phổ biến, giáo dục pháp luật.
Phát huy vai trò của báo chí CAND trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Bốn là, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ CAND; thường xuyên tổ chức thông tin thời sự và định hướng tư tưởng, dư luận xã hội; phổ biến, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ những văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, nhất là những văn bản liên quan trực tiếp đến công tác Công an, nhằm trang bị cho cán bộ, chiến sĩ kiến thức lý luận, pháp lý vững chắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND cần thường xuyên trau dồi ý thức pháp luật, tích cực học tập, nâng cao trình độ hiểu biết và năng lực thực thi Hiến pháp, pháp luật, coi đó là tiêu chuẩn không thể thiếu trong đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ. Tăng cường giáo dục ý thức chấp hành pháp luật gắn với giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức tuân thủ kỷ cương, kỷ luật công vụ.
Đối với lãnh đạo, chỉ huy, phải gương mẫu trong việc học tập, nâng cao trình độ về pháp luật và tích cực rèn luyện về năng lực chỉ đạo, chỉ huy, điều hành nhiệm vụ được giao trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; có biện pháp khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót, ngăn ngừa sai phạm của cán bộ, chiến sĩ trong việc thực thi nhiệm vụ; đồng thời, thông qua việc gương mẫu chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ để thuyết phục, giáo dục quần chúng, thành viên trong gia đình ý thức tôn trọng, chấp hành Hiến pháp, pháp luật.
Năm là, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương phải quan tâm hơn nữa đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp biên chế hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp trong tình hình mới; có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cho việc xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục, tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật; thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, thiếu sót, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật.
Ngày pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2020 trong CAND với chủ đề: “CBCS CAND tích cực nêu cao tinh thần “chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả” trong công tác hoàn thiện thể chế, thực thi, bảo vệ pháp luật, góp phần từng bước xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương, an toàn, lành mạnh” có ý nghĩa rất quan trọng. Do vậy, Ngày pháp luật phải được tổ chức thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục, đi vào nền nếp với những hoạt động cụ thể, hướng đến mục tiêu “Tất cả các ngày trong năm đều là Ngày pháp luật”.
Mỗi CBCS CAND phải bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống; nêu cao tính tiền phong gương mẫu và là tấm gương sáng trong việc chấp hành, bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, để từ đó lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, trở thành nếp sống văn hóa của mỗi người dân và của cộng đồng xã hội, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc Thứ trưởng Bộ Công an