Lực lượng CAND phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa từ An ninh phi truyền thống

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển, giúp nâng cao năng suất lao động và ngày càng xã hội hóa lao động. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển cùng với xu thế toàn cầu hóa đã xuất hiện nhiều mối đe dọa từ An ninh phi truyền thống (ANPTT), tác động tới sự phát triển bền vững của xã hội, của loài người. Lực lượng CAND đã có những giải pháp phòng ngừa, ứng phó hiệu quả như thế nào với các mối đe dọa đó?

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, XII, lực lượng CAND đã có những đóng góp quan trọng, làm nòng cốt trong phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các mối đe dọa, nguy cơ, thách thức ANPTT. Trước hết chúng ta đã kịp thời phòng ngừa, ứng phó, ngăn chặn các mối đe dọa này, không để phát triển thành tình trạng khẩn cấp trên phạm vi quốc gia hoặc các khu vực.

Chúng ta đã đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm xuyên quốc gia, để Việt Nam là đất nước thanh bình không có khủng bố, không để xảy ra khủng hoảng kinh tế-tài chính, không để xảy ra khủng hoảng an ninh năng lượng, an ninh lương thực, đảm bảo môi trường sống, quản trị an ninh mạng và an ninh mạng xã hội, phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.

Từ năm 2010 –2019, lực lượng CAND đã phát hiện, điều tra 794 vụ án tội phạm xuyên quốc gia; phát hiện, xử lý 56.838 vụ tấn công mạng và khởi tố, điều tra 4.093 vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao; phát hiện 146.216 vụ vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an ninh môi trường.

Cụ thể, về công tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, lực lượng CAND đã tập trung bóc gỡ, khám phá các băng nhóm tội phạm ma túy quốc tế, phối hợp với lực lượng chức năng các nước phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ma túy từ Việt Nam đi các nước (Australia, Canada, New Zealand, Mỹ...) và vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam (Trung Quốc, Lào, Campuchia...) trên các tuyến biên giới đường bộ và tuyến đường biển, đường hàng không.

Về tổ chức đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em Việt Nam ra nước ngoài, lực lượng CAND đã tập trung ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này, vạch trần nhiều thủ đoạn mới tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng như kết hôn giả, lợi dụng miễn thị thực nhập cảnh (visa), sử dụng hộ chiếu giả để đưa phụ nữ và trẻ em Việt Nam ra nước ngoài hoạt động mại dâm, bán làm vợ người nước ngoài, bóc lột sức lao động...

Lực lượng CAND đã ngăn chặn và kéo giảm tội phạm mua bán và đưa phụ nữ, trẻ em Việt Nam sang các nước, vùng lãnh thổ như Nga, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia, Malaysia, Singapore…

Về công tác đảm bảo an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15-4-2015 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Bộ Công an đã tham mưu, chủ trì và xây dựng để ban hành Luật An ninh mạng, có hiệu lực từ 1-1-2019, tạo hành lang pháp lý quan trọng nhằm thiết lập lại kỷ cương trên không gian mạng. Về công tác đảm bảo an ninh môi trường, trong thời gian 2010 - 2019, Bộ Công an đã chủ động tham mưu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách, pháp luật về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; phát hiện, điều tra, khám phá 146.216 vụ tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; trong đó, đã khởi tố 2.465 vụ, 3.688 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 103.508 vụ, số tiền phạt lên tới 1.571 tỷ đồng.

Gần đây, lực lượng CAND đã quyết liệt thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, lực lượng Công an đã quản lý tốt các cửa khẩu quốc tế, người nhập cảnh,“đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, tìm người bị lây nhiễm, nghi lây nhiễm, đề xuất phương án cách ly, giãn cách xã hội, ngăn chặn dịch bệnh, phối hợp điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19, góp phần cùng cả nước phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, phát triển kinh tế - xã hội. Những kết quả tích cực trong đảm bảo an ninh y tế, phòng chống dịch COVID-19 có hiệu quả của Việt Nam đã được thế giới, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

ANPTT là vấn đề mới của thế giới và Việt Nam, tuy nhiên, để phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với các vấn đề của ANPTT, lực lượng CAND đang còn gặp nhiều khó khăn. Đứng trước những thách thức về ANPTT, lực lượng CAND cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để phòng ngừa và ứng phó với những thách thức này.

Trước hết, cần tiếp tục phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về ANPTT. Vấn đề phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các mối đe dọa ANPTT cần được xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của quốc gia và của lực lượng CAND Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Cần luật hóa vấn đề ANPTT trong Luật An ninh quốc gia, Luật CAND, Luật Bảo vệ môi trường và các luật chuyên ngành.

Thứ hai, chúng ta cần nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ CAND về ANPTT và quản trị ANPTT bằng các chương trình tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo. Có các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về ANPTT cấp quốc gia và cấp Bộ Công an và các Bộ, ngành, cấp các tỉnh, thành phố.

Thứ ba, lực lượng CAND cùng Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các ban ngành tổ chức phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa ANPTT. Đối với nhóm các mối đe dọa ANPTT có yếu tố bạo lực cao (tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, các mối đe dọa dẫn tới tình trạng khẩn cấp), CAND là lực lượng chủ trì, phối hợp với các ngành giải quyết. Đối với các mối đe dọa ANPTT có yếu tố bạo lực thấp (an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin - an ninh mạng, an ninh môi trường, an ninh y tế (dịch bệnh,…), lực lượng CAND vừa phối hợp tham gia, vừa tham mưu cho các ngành phòng ngừa, ứng phó, giải quyết.

Thứ tư, lực lượng CAND sẽ tham gia xây dựng các phương án, kịch bản phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các mối đe dọa ANPTT theo hệ thống các giải pháp như: Phòng ngừa, cứu trợ, phục hồi, tái thiết và phát triển, giảm nhẹ.

Thứ năm, cần tổng kết các mô hình, kinh nghiệm tốt về phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa ANPTT của các địa phương để triển khai nhân rộng ra lực lượng CAND toàn quốc, chú trọng các vấn đề ANPTT nổi lên trong giai đoạn hiện nay như an ninh xã hội, an ninh kinh tế, an ninh môi trường, an ninh y tế dịch bệnh, an ninh mạng và an ninh mạng xã hội.

Quán triệt chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, bảo đảm các phương châm “an ninh chủ động”, “giữ vững bên trong là chính”, "phòng ngừa từ sớm, từ xa các nguy cơ, nhân tố có thể gây mất ổn định" trong giải quyết các mối đe dọa ANPTT, không để kẻ địch lợi dụng chuyển hóa các vấn đề ANPTT thành an ninh truyền thống để chống phá cách mạng Việt Nam. Trong quản trị ANPTT coi trọng công tác phòng ngừa, giảm nhẹ, đồng thời làm tốt các công tác cứu trợ, phục hồi, tái thiết và phát triển.

Thứ sáu, hiện nay ở Việt Nam chưa có các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về ANPTT ngoài Trung tâm ANPTT và Chương trình Thạc sĩ Quản trị ANPTT của Đại học Quốc gia Hà Nội. Do đó, cần thành lập các Trung tâm, bộ phận nghiên cứu mạnh về ANPTT trong lực lượng CAND tại Cục Khoa học Chiến lược và lịch sử Công an, Học viện An ninh nhân dân và Học viện Cảnh sát nhân dân. Liên kết chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu khoa học, đào tạo ANPTT trong Quân đội nhân dân, Đại học Quốc gia Hà Nội và các ban, bộ ngành Trung ương.

Thứ bảy, từng bước hình thành và hiện đại hóa một số lực lượng CAND chuyên trách để phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa ANPTT.

Thứ tám, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quản trị ANPTT theo chức năng của lực lượng CAND.

 

TS. Nguyễn Việt Linh, Cục Đối ngoại, Bộ Công an

Nguồn Báo CAND

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website