Đại hội XIII của Đảng xây dựng và quyết sách những vấn đề đặc biệt quan trọng của đất nước, trong đó có nội dung cốt lõi định hướng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới. Đảng ta chỉ rõ, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao… Lợi dụng, phê phán những mục tiêu cụ thể được Đảng đề ra, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động tung ra các quan điểm, luận điệu cho rằng chủ trương, mục tiêu phát triển kinh tế của Đại hội XIII là lý thuyết, phi thực tế. Bài viết đưa ra luận cứ phê phán quan điểm, luận điệu xuyên tạc này.
1. Định hướng chiến lược cơ bản về phát triển kinh tế trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam là một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và của dân tộc. Đại hội tổng kết chặng đường đất nước trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991), nhìn lại 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển 2011) và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 (năm kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước); xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng) và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đây là những dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ, động viên sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững vì mục tiêu “ dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đại hội XIII thể hiện yêu cầu về chất trong phát triển nhanh và bền vững, ứng dụng thành tựu phát triển của khoa học công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát huy hiệu quả, ưu việt của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; yếu tố sức mạnh ý chí, con người; tích cực, chủ động, đồng thời giữ vững độc lập, tự chủ hội nhập kinh tế; bảo đảm quốc phòng, an ninh, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, vì cuộc sống bình yêu, hạnh phúc nhân dân. Về mục tiêu cụ thể, Nghị quyết xác định: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu trong những năm tới: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 50%. Tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33 - 35% GDP; nợ công không quá 60% GDP. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt trên 6,5%/năm. Giảm tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP ở mức 1 - 1,5%/năm.
Để đạt được mục tiêu có tính dấu mốc quan trọng này, Nghị quyết nêu ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. Trong đó Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, Đảng ta xác định những nhiệm vụ có quan hệ chặt chẽ trong tổng thể, hệ thống, đó là: Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô. Phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính.
Nghị quyết chỉ rõ ba đột phá chiến lược, trong đó xác định hướng trọng tâm ưu tiên, cụ thể: (1) Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật. (2) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đại hội XIII với những quyết sách mạnh mẽ, định hướng chiến lược, thể hiện những quan điểm, chủ trương, phương hướng để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, cho thấy tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, khát vọng phát triển của dân tộc và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
2. Luận điệu xuyên tạc định hướng, mục tiêu kinh tế Đại hội XIII
Trong thời gian trước, trong và sau Đại hội XIII của Đảng, bạn bè quốc tế, dư luận, truyền thông trong và ngoài nước thể hiện tinh thần tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao những kết quả, kỳ tích, chúc mừng thành tựu của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cán bộ, đảng viên và nhân dân hồ hởi, phấn khởi, tin tưởng vào những quyết sách, mục tiêu mang tính dấu mốc mà Đại hội đề ra; kỳ vọng, tin tưởng và lan tỏa tinh thần đoàn kết, nhất trí, khát vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh đó, trái với "dòng chảy" chủ đạo, bao trùm nói trên, nhiều cá nhân, phẩn tử cơ hội chính trị, tổ chức phản động lại ra sức xuyên tạc về chủ trương, đường lối, chiến lược, định hướng phát triển kinh tế của Đại hội XIII là lý thuyết, phi thực tế, thiếu khả thi, không thể thực hiện được.
Họ xuyên tạc cho rằng, Đại hội Đảng đưa ra các mục tiêu trên là "ngây thơ", "ảo tưởng", "huyễn hoặc"…về mục tiêu phấn đấu, phản ánh sự khuyếch trương chủ nghĩa tập thể của chế độ, biểu hiện của căn bệnh chủ quan duy ý chí. Họ lý giải, suy diễn, xuyên tạc: thực tế cho thấy rằng, việc duy trì bộ máy độc đảng đặc quyền đặc lợi mà thiếu cơ chế giải trình minh bạch và chịu trách nhiệm hiệu quả và không được kiểm soát bằng đối trọng cần thiết khiến tình trạng tham nhũng, trục lợi sẽ vẫn tiếp tục nghiêm trọng; quyền lực đảng tập trung cao độ sẽ khuyến khích cách tiếp cận “từ trên xuống” mang tính chất can thiệp chủ nghĩa, nhà nước thắng thế trong mối quan hệ với thị trường; việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương điều hành kinh tế tại chỗ và quản lý nguồn lực công trong điều kiện thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả sẽ làm rối loạn chức năng độc đoán, gây nên tình trạng “trên bảo dưới không nghe", tham nhũng. Họ quy kết, việc xác định các mục tiêu như vậy là “chủ quan, duy ý chí”, “không có cơ sở khoa học”, trong khi bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế luôn có nhiều biến động khó lường, không thực hiện được.
Đảng ta xác định tiếp tục phát triển, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH- là đường lối kinh tế quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu tổng thể lâu dài cũng như những mục tiêu mang tính dấu mốc đặc biệt và trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội. Xuyên tạc nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, họ cho rằng: Đã là “kinh tế thị trường thì không thể có định hướng xã hội chủ nghĩa”, đây chẳng qua là “mị dân”, không tôn trọng quy luật khách quan, không tưởng; không có nền kinh tế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kinh tế thị trường, các quy luật của kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau; ghép định hướng xã hội chủ nghĩa vào kinh tế thị trường là sự gán ghép chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở khoa học, không thuyết phục, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn; nếu bỏ cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì đất nước còn phát triển nhanh hơn, kết quả đạt được còn lớn hơn nhiều. Họ cố tình không hiểu những mặt hạn chế, tiêu cực của kinh tế thị trường, tác động ảnh hưởng đến đời sống của người dân, rất cần đến chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì hạnh phúc của nhân dân. Họ cho rằng: Kinh tế thị trường là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản, đã lựa chọn kinh tế thị trường thì không có định hướng XHCN, còn không nó chỉ là sự "chắp vá", "không tưởng", rằng Việt Nam hiện nay đang đứng ở ngã ba đường, không biết đi theo con đường nào, nếu không hòa nhập vào thời đại, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa thì sẽ bị trả giá, tự giác thì đến đích nhanh hơn, không tự giác thì tất yếu cũng phải đi theo con đường đó, nhưng đến đích đau đớn hơn, chậm chạp hơn.
3. Luận cứ phê phán
Thực chất những quan điểm, luận điệu trên, họ muốn phủ nhận chế độ chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN, phủ nhận những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, phá hoại, hạ thấp vai trò, ý nghĩa, sự thành công của Đại hội XIII, làm phai nhạt ý chí, khát vọng, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, cản trở bước tiến của đất nước trong những năm sắp tới mà Đảng ta đã xác định mục tiêu phấn đấu vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Phê phán, phản bác những quan điểm, luận điệu xuyên tạc, sai trái này có thể thấy một số luận cứ sau đây:
- Một là, trên cơ sở lý luận và thực tiễn của đảng chính trị cầm quyền, việc xây dựng chủ trương, định hướng, chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế là tất yếu, cần thiết. Xét một cách tổng thể, đảng là một tổ chức chính trị của những người tự nguyện cùng chung một chí hướng đấu tranh cho lợi ích của một giai cấp hoặc tầng lớp nhất định. Đảng chính trị, nhất là đảng cầm quyền thì việc xây dựng chủ trương, đường lối của đảng là việc làm không thể thiếu. Đảng sẽ không thể hình thành, hoạt động, phát triển nếu không có mục tiêu cụ thể, hoạt động vì mục đích gì, cho ai, bằng cách nào để đạt mục tiêu đề ra. Đối với Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự lựa chọn của lịch sử, dân tộc và nhân dân, sự ra đời của Đảng là tất yếu khác quan. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng, đưa lại độc lập dân tộc, khai sinh ra nhà nước công nông của dân, do dân và vì dân, thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước theo con đường CNXH vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Với vai trò đó, Đảng tạo lập cơ sở và đảm bảo định hướng chính trị cho hoạt động của hệ thống chính trị và xã hội. Điều này được quy định thành nguyên tắc, hoạt động của Đảng trước hết là việc xác định đường lối phát triển của cách mạng Việt Nam, trong đó có đường lối xây dựng, và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, những nội dung quan trọng hàng đầu để đảm bảo sự phát triển của xã hội. Đảng xây dựng cương lĩnh, chủ trương, đường lối, nghị quyết, lãnh đạo việc thể chế hoá trước hết thông qua các quan điểm đường lối do Đảng vạch ra và được thể hiện tập trung trong các văn kiện của Đảng. Đảng phải xác định một cách đúng đắn, phù hợp, kịp thời toàn bộ con đường và bước đi của cách mạng Việt Nam trong từng thời kỳ, hướng tới các mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài theo lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đảng không chỉ dừng lại ở việc xác định chủ trương, đường lối làm cơ sở chính trị cho toàn bộ quá trình lãnh đạo của mình. Đảng lãnh đạo Nhà nước việc thực hiện thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng nhằm tạo lập hệ thống các nguyên tắc, cơ chế, chính sách, luật pháp phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước. Đảng thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát kịp thời uốn nắn các hoạt động thể chế hoá đảm bảo tính định hướng chính trị của hoạt động này.
Theo quy định tại khoản Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam "Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản"[1]. Đại hội thường kỳ 5 năm một lần là cơ quan cao nhất của Đảng đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ vừa qua; quyết định đường lối, chính sách của Đảng nhiệm kỳ tới. Đại hội quyết định những vấn đề chiến lược và chủ trương, chính sách lớn về đối nội, đối ngoại; xác định phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đại hội XIII có ý nghĩa trọng đại, tổng kết chặng đường đất nước trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991), nhìn lại 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển 2011) và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 (năm kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước); xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng) và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Như vậy việc xây dựng chủ trương, định hướng, chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới là tất yếu, cần thiết, phù hợp yêu cầu và đảm bảo sự phát triển đất nước trên chặng đường tiếp theo.
Hai là, các mục tiêu phát triển là khác quan, có căn cứ cơ sở khoa học và tính khả thi trong thực tiễn. Xét trên phương diện lý luận, phát triển, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu của nhân loại không phân biệt trình độ phát triển cũng như chế độ chính trị - xã hội. Trong quá trình phát triển, mỗi quốc gia, dân tộc đều có nguyện vọng, ý trí để đất nước ngày càng phát triển hơn. Văn kiện của Đại hội XIII nói chung, mục tiêu phát triển và tầm nhìn của Đảng trong các Văn kiện này nói riêng, là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, chứ không phải là sự “ngẫu hứng”, “hão huyền”. Điểm nhấn mới trong các Văn kiện Đại hội XIII là việc xác định các mục tiêu phát triển được thực hiện theo cách tiếp cận phù hợp với cách tiếp cận của thế giới. Theo đó, trên căn cứ trên cơ sở tiêu chí của một nước công nghiệp phát triển (xét cả về lượng và chất) với tính toán của Ngân hàng thế giới (WB) [2]. Theo cách tiếp cận và những tiêu chí cơ bản này, căn cứ vào thực tiễn phát triển những năm qua, điều kiện các nguồn lực của đất nước cùng với khát vọng, quyết tâm chính trị cao, Đại hội XIII dự kiến đến 2025, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 USD - 5.000 USD, tức là nước ta vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; dự kiến đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD, tức là nước ta là nước có thu nhập trung bình cao. Như vậy, dự kiến đến năm 2045, nước ta là nước có mức thu nhập cao là hoàn toàn khả thi.
Trên phương diện thực tiễn quá trình đổi mới, phát triển nền kinh tế, nhất là giai đoạn 25 năm qua để thấy tầm nhìn 25 năm tới, số liệu kinh tế Việt Nam giai đoạn 1995 – 2020 có thể thấy[3]: Năm 1995: GDP/ người là 358,7 USD, đứng thứ 175/195 quốc gia, là một trong 20 quốc gia nghèo nhất thế giới; quy mô GDP quốc gia: 26,4 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 58 thế giới, thứ 6 Đông Nam Á. Sau 25 năm, năm 2020, GDP/người là 3.497 USD, đứng thứ 121/195 quốc gia; quy GDP quốc gia đạt 340,6 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 37 thế giới, thứ 4 Đông Nam Á. Số liệu trên đã cho thấy sau 25 năm, thu nhập đầu người Việt Nam đã cao gấp 9,75 lần, tăng 54 hạng (từ 175 lên 121; quy mô nền kinh tế gấp 12,9 lần). Trong 25 năm qua (1995-2020) chúng ta đã làm được kỳ tích, đưa nền kinh tế tăng gấp 10 lần cả về quy mô và mức sống của người dân tăng 21 hạng về quy mô nền kinh tế và tăng 54 hạng về thu nhập đầu người trên bảng xếp hạng các quốc gia. Thành tựu trên được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Trên một nền tảng như vậy, với quyết tâm chính trị cao, khát vọng phát triển để có tầm nhìn 25 năm tới, tiếp tục đổi mới, cải cách về thể chế, phát huy mọi nguồn lực, đẩy mạnh khoa học và công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa bằng những chiến lược trong từng giai đoạn, giải pháp cụ thể. Những định hướng, chủ trương, mục tiêu trên là hoàn toàn có cơ sở khoa học cả về lý luận, thực tiễn, thống nhất trong nhận thức, quyết tâm trong hành đồng, tạo niền tin, ý chí phấn đấu, lan tỏa để đoàn kết, chung sức, đồng lòng hiện thực hóa hướng tới những dấu mốc quan trọng mà Đảng đề ra.
Ba là, Chủ trương, định hướng chiến lược phát triển kinh tế đó là kết quả kế thừa phát triển tư duy lý luận, đây không phải là lần đầu tiên Đảng ta đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trung hạn và dài hạn, nên không phải là “hão huyền”, “ngẫu hứng”. Trong suốt chiều dài lịch sử quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới cho thấy việc xác định đúng đắn mục tiêu trong từng giai đoạn phát triển là yếu tố quyết định thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam. Trong lịch sử các nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta nhiều lần đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm. Tại Đại hội VII, VIII, Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2020 - tức là tầm nhìn cho 24 năm sau. Tại Đại hội XI (năm 2011), Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã đề ra mục tiêu cho đến giữa thế kỷ XXI: “toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, tức là tầm nhìn khoảng 30-40 năm. Các nghị quyết Trung ương và Bộ Chính trị gần đây cũng xác định mục tiêu cho đến giữa thế kỷ XXI và phấn đấu hiện thực hóa những mục tiêu đó, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử với nhiều dấu ấn nổi bật. Quá trình phát triển tư duy lý luận mang tính kế thừa, liên tục vừa thống nhất, biện chứng. Đại hội XIII có sự khác biệt trong xác định các mục tiêu trung và dài hạn là gắn với những thời điểm, dấu mốc có ý nghĩa lịch sử của Đảng và Nhà nước ta.
Để lãnh đạo Nhà nước và xã hội, mỗi khi chuẩn bị cho các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Đảng chỉ đạo rất bài bản, khoa học việc xây dựng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội, trong đó quan trọng là Báo cáo chính trị - văn kiện quan trọng, vừa có giá trị tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm, vừa xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và khâu đột phá chiến lược trên các lĩnh vực, các mặt công tác trong cả nhiệm kỳ cần phải thực hiện. Do tầm quan trọng đặc biệt của Đại hội lần này, hướng tới những dấu mốc quan trọng, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 thành lập nước vào năm 2045, Đại hội không chỉ xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong 5 năm 2021 - 2025, mà còn xác định mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đây là sự chỉ đạo có ý nghĩa quan trọng, mang tầm chiến lược; là sự kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm, truyền thống quý báu của Đảng, là yêu cầu khách quan về sự phù hợp, đảm bảo tính thực tiễn và tính khả thi của mục tiêu phát triển và cũng là cơ sở để xác định chính xác những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước, tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Bốn là, cần khẳng định ngay rằng, việc đồng nhất kinh tế thị trường (KTTT) với chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường thì không có định hướng xã hội chủ nghĩa, đây là sự "chắp vá, gán ghép, khập khiễng" là hoàn toàn không có cơ sở khoa học và sai lầm. Kinh tế thị trường chỉ là một kiểu tổ chức kinh tế mà xã hội loài người sáng tạo ra, có thể tồn tại ở các chế độ xã hội khác nhau. Vì thế, việc đồng nhất một kiểu tổ chức kinh tế với một chế độ xã hội là thứ tư duy máy móc, phiến diện. Kinh tế thị trường được thừa nhận là thành tựu chung của nền văn minh nhân loại, không phải là cái riêng của chủ nghĩa tư bản và KTTT không đồng nhất với chủ nghĩa tư bản. Đại hội VIII của Đảng (1996) đã chỉ rõ: kinh tế hàng hóa là thành tựu của nền văn minh nhân loại, nó không đối lập với chủ nghĩa xã hội, nó cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng. Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu, BCH Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa cũng đã chỉ rõ: Nền KTTT là sản phẩm của văn minh nhân loại được phát triển tới trình độ cao dưới chủ nghĩa tư bản, nhưng bản thân KTTT không đồng nghĩa với chủ nghĩa tư bản.
Lựa chọn KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam không phải là sự gán ghép chủ quan giữa KTTT với chủ nghĩa xã hội, mà là nắm bắt và vận dụng sáng tạo xu thế khách quan của KTTT trong thời đại ngày nay, là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân trong quá trình xây dựng đất nước. Trên cơ sở nhận thức tính quy luật phát triển của thời đại và sự đúc rút kinh nghiệm phát triển kinh tế thị trường trên thế giới, đặc biệt là từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra chủ trương phát triển nền KTTT định hướng XHCN. Chủ trương xây dựng và phát triển KTTT định hướng XHCN thể hiện tư duy, quan niệm của Đảng ta về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Kinh tế thị trường định hướng XHCN và Kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa không phải là một. Sự khác biệt giữa Kinh tế thị trường TBCN với KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam khác nhau cả về bản chất, đặc trưng và hình thức thể hiện, đó là: Về cơ chế vận hành: Nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa do nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, còn nền KTTT tư bản chủ nghĩa do giai cấp tư sản làm chủ, nhà nước tư sản và các tổ chức độc quyền quản lý, điều tiết, bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản và các tổ chức độc quyền. Về mục đích phát triển: KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam là phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH, nâng cao đời sống của quảng đại quần chúng nhân dân lao động và mọi thành viên trong xã hội, gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất mới tiến bộ phù hợp trên cả ba mặt: sở hữu, quản lý và phân phối, nhằm thực hiện mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Còn KTTT tư bản chủ nghĩa nhằm ra ngày càng nhiều giá trị thặng dư cho nhà tư bản, duy trì sự thống trị của giai cấp tư sản và CNTB. Về cơ sở kinh tế – xã hội: đó là sự khác biệt về chế độ sở hữu: Nền kinh tế ở Việt Nam tồn tại nhiều hình thức sở hữu, trong đó chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu là nền tảng của nền kinh tế quốc dân. KTTT tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất giữ vai trò thống trị, các công ty tư bản độc quyền chi phối đến sự phát triển của nền kinh tế. Về thành phần kinh tế và vai trò của các thành phần kinh tế: Đó là sự khác biệt về thành phần kinh tế giữ vai trò chủ đạo: Ở Việt Nam, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, về lâu dài kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Trong khi nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, kinh tế tư bản tư nhân và các tổ chức độc quyền giữ vai trò chủ đạo. Về phân phối: KTTT định hướng XHCN thực hiện nhiều hình thức phân phối, trong đó lấy phân phối theo lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu. Dưới chủ nghĩa tư bản, thực hiện phân phối chủ yếu theo tài sản và vốn.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một hình thức đặc thù, có đặc trưng cơ bản thể hiện sâu sắc mối quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường với bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế, có sự tồn tại của nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đa dạng các loại hình doanh nghiệp trong điều kiện phân công lao động xã hội ngày càng phát triển. Những đặc trưng này tự nó không mang tính chất tư bản chủ nghĩa. Tính chất tư bản chủ nghĩa không phải là thuộc tính vốn có của kinh tế thị trường. Tính chất của một nền kinh tế thị trường phụ thuộc vào tính chất của những bộ phận cấu thành của nó, đặc biệt là tính chất của Nhà nước và tính chất của thành phần kinh tế giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường đó. Một nền kinh tế thị trường mang tính chất tư bản chủ nghĩa là do trong nền kinh tế đó các doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa (doanh nghiệp sử dụng và bóc lột lao động làm thuê để chiếm đoạt giá trị thặng dư) tạo nên thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa giữ vai trò chủ đạo, chi phối nền kinh tế, điều tiết nền kinh tế, mang tính chất tư bản chủ nghĩa, là người đại diện cho quyền và lợi ích của tư bản.
Thực hiện đường lối đổi mới 30 năm qua, có thể thấy việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là vấn đề hoàn toàn mới chưa có tiền lệ trong lịch sử, phải vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm, hoàn thiện thực tiễn là hoàn toàn khách quan, khoa học, biện chứng. Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều hạn chế do công tác nghiên cứu lý luận tổng kết chưa theo kịp đòi hỏi của tình hình. Nhiều vấn đề lớn đặt ra trong quá trình xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn có ý kiến khác nhau, ảnh hưởng tới việc ban hành cơ chế chính sách từ nhiều năm nhưng chưa có câu trả lời, như vấn đề sở hữu đất đai, vai trò của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân…Nhận thức được vấn đề này, Đại hội XII của Đảng đã có tổng kết, đánh giá, phát triển tư duy lý luận về kinh tế thị trường định hướng XHCN một cách sâu sắc, toàn diện và đầy đủ hơn.
Với mục đích nhằm vào nền tảng tư tưởng của Đảng, chia rẽ, làm suy yếu nội bộ Đảng; lôi kéo, kích động nhân dân xa rời Đảng, đi theo quỹ đạo chính trị, tư tưởng đối lập; xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, thủ tiêu thành quả cách mạng, thành tựu đổi mới... là mục tiêu nhất quán phản ánh bản chất phản cách mạng của các thế lực thù địch. Do vậy chúng sử dụng các luận điệu xuyên tạc, vu khống bản chất, đường lối, quan điểm của Đảng, trong đó có những luận điệu xuyên tạc về kinh tế thị trường định hướng XHCN nói trên. Không ít cán bộ, đảng viên non kém về tư tưởng chính trị, quần chúng nhân dân bị tác động, tiêm nhiễm có những biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam nói riêng và về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta nói chung, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến” và tự đẩy mình vào quá trình “tự chuyển hóa”./.
Lê Thế Cương - Học viện Chính trị CAND
Dương Thị Chuyên - Đại học Văn Lang
Nguồn Tạp chí Chính trị CAND
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Điều lệ Đảng, Đại hội XI thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011.
[2] Ngân hàng Thế giới phân loại các nước dựa trên thu nhập bình quân đầu người (GNI/người) thành bốn nhóm: 1- Nước có thu nhập thấp; 2- Nước có thu nhập trung bình thấp; 3- Nước có thu nhập trung bình cao; 4- Nước có thu nhập cao. Năm 2019, WB dựa trên thu nhập bình quân đầu người của các nước năm 2017, đưa ra các tiêu chí dựa trên thu nhập bình quân đầu người (GNI/người) theo đó, nước có thu nhập cao có thu nhập bình quân đầu trường trên 12.056 USD, nước có thu nhập trung bình cao: từ 3896 – 12.056 USD, nước có thu nhập trung bình thấp: từ 995 – 3895 USD, nước có thu nhập thấp: dưới 995 USD/người/năm.
[3] Tổng hợp, tính trên số liệu thống kê hằng năm của Tổng cục thống kê.