Giá trị thời đại Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ với hơn 200 từ nhưng rất súc tích cô đọng, thể hiện những tư tưởng lớn, có giá trị sâu sắc. Tác phẩm, bút tích của Người trở thành một trong 5 “Bảo vật Quốc gia” theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 1/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Cuối năm 1946, thực dân Pháp liên tục tiến hành các hành động khiêu khích, gây chiến. Tháng 11/1946, quân Pháp chiếm đóng Hải Phòng, Lạng Sơn, chính thức gây ra cuộc chiến tranh xâm lược miền Bắc. Tại Hà Nội, từ đầu tháng 12/1946, quân Pháp liên tục dùng đại bác, súng cối bắn phá vào nhiều khu phố tàn sát dân thường... đưa quân chiếm một số trụ sở cách mạng. Đặc biệt, ngày 18 và 19/12/1946, thực dân Pháp đã liên tiếp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải phá bỏ công sự trong thành phố, giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng.

Trước tình hình đó, nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do. Ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp hội nghị tại Vạn Phúc (Hà Đông), quyết định phát động toàn quốc kháng chiến. Khoảng 20 giờ ngày 19/12/1946, quân dân Thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu kháng chiến toàn quốc. Ngay đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Trong Lời kêu gọi, Người khẳng định rõ: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!".

Chấp hành mệnh lệnh của Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy, quân dân ta tại các thành phố, thị xã ở bắc vĩ tuyến 16 có quân Pháp chiếm đóng đồng loạt nổ súng đánh địch. Chiến sự diễn ra rất quyết liệt, đặc biệt là trong các thành phố lớn. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, dù lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ chống lại kẻ địch tinh nhuệ được trang bị hiện đại nhưng với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, đồng bào, chiến sĩ ta vẫn kiên cường bám trụ, giành nhau với địch từng căn nhà, từng góc phố. Cùng với Hà Nội, quân dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam đã anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc chung sức đồng lòng với ý chí sục sôi, niềm tin tất thắng. Trải qua gần 2 tháng liên tục chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra (tiêu hao, giam chân địch trong thành phố,  tạo điều kiện di chuyển các cơ quan, kho tàng, tổ chức nhân dân tản cư về vùng căn cứ xây dựng thế trận kháng chiến lâu dài), lực lượng ta chủ động rút về hậu phương an toàn.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ với hơn 200 từ nhưng rất súc tích cô đọng, thể hiện những tư tưởng lớn, có giá trị sâu sắc. Tác phẩm, bút tích của Người trở thành một trong 5 “Bảo vật Quốc gia” theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 1/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện đường lối chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chính thức giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhìn lại lịch sử, chúng ta càng nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về chủ trương phát động toàn quốc kháng chiến của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946). Trước hết, đó là kết quả từ một quá trình đấu tranh đầy cam go, phức tạp, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trước thử thách ngặt nghèo mà biểu hiện cụ thể là những quyết sách đúng đắn, sáng tạo, vừa linh hoạt, mềm dẻo, nhưng cũng rất kiên quyết. Kết quả đem lại là chúng ta từng bước loại bỏ bớt kẻ thù, tranh thủ được thời gian chuẩn bị tiềm lực để bước vào kháng chiến.

Mặt khác, quyết định phát động toàn quốc kháng chiến còn thể hiện rõ sức mạnh to lớn của cách mạng Việt Nam, sức mạnh được tạo ra từ truyền thống yêu nước nồng nàn kết hợp với chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, nhờ đó mà ngay từ đầu chúng ta đập tan âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài, mở ra thắng lợi đầu tiên trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

75 năm sau Ngày Toàn quốc kháng chiến, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện chính trị lớn và tiến những bước dài, vững chắc, đất nước độc lập, thống nhất, đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng nhưng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” năm xưa vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam hôm nay. Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt là bài học về khơi dậy, tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân trong bối cảnh cam go, thách thức. Tiếp nối hào khí của bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” thời Lý, “Hịch tướng sĩ” thời Trần, “Bình Ngô đại cáo” thời Lê Sơ, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” là một áng hùng văn bất hủ, chứa đựng những giá trị và tư tưởng mang tính thời đại. Những tư tưởng cơ bản đó tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong giai đoạn mới của cách mạng.

Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay, chúng ta cần tranh thủ thời cơ, khắc phục khó khăn, thách thức, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, tạo tiềm lực to lớn cho đất nước; tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn chặt an ninh nhân dân vững mạnh bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, chiến thắng âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch. Không ngừng chăm lo củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp, đồng thời thực hiện hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Tinh thần “toàn quốc kháng chiến” một lần nữa thể hiện sống động trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, chúng ta đã từng bước khống chế, đẩy lùi đại dịch, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Trong điều kiện hiện nay, cần nêu cao tinh thần chủ động, cảnh giác cách mạng, kiên quyết giữ vững hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay chịu tác động sâu sắc từ những biến động mạnh mẽ và phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trên nhiều lĩnh vực. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với chúng ta là phải luôn chủ động, tỉnh táo, cảnh giác, kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa hợp tác với đấu tranh vì lợi ích đất nước. Phải phát huy sức mạnh tổng hợp để ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xung đột chiến tranh, có kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Nghị quyết Đại hội XIII chỉ rõ: “Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước”.

 

Nguồn Báo CAND

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website