Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hoạt động lãnh đạo của Đảng. Với lực lượng công an, để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Đảng bộ Công an Trung ương đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng, qua đó góp phần tích cực xây dựng lực lượng công an nhân dân tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân; xây dựng lực lượng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
1- Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta đã khẳng định: “Công tác kiểm tra có vị trí cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng”(1). Vì lãnh đạo không chỉ là việc định ra đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, tổ chức thực hiện và bố trí cán bộ, mà còn là kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm đường lối, chính sách được xác định đúng, được quán triệt và thực hiện thắng lợi trên thực tiễn. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, vừa là chức năng lãnh đạo, vừa là trách nhiệm, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức, để Đảng luôn xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”. Người khẳng định, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cho Đảng tồn tại và phát triển. Thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới giúp Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bởi lẽ, Người nhận rõ hai mặt của quyền lực: một mặt, nếu biết sử dụng đúng, quyền lực sẽ là sức mạnh to lớn để cải tạo xã hội cũ, xây dựng cái mới trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; mặt khác, quyền lực cũng có sức phá hoại rất ghê gớm, nếu người nắm quyền lạm dụng quyền lực, chạy theo quyền lực, sẽ dẫn đến tham nhũng, thoái hóa, biến chất... Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Khẳng định tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: điều hết sức quan trọng, có tính quyết định để bảo đảm việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng là phải tổ chức thực hiện có hiệu quả và kiểm tra việc thực hiện một cách nghiêm túc. Người chỉ rõ: “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ”(2). Theo Người, chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Các cấp, các ngành nếu tổ chức tốt việc kiểm tra, giám sát thì không chỉ giúp cho lãnh đạo nắm chắc chất lượng đội ngũ cán bộ, ngăn ngừa khuyết điểm, sai lầm, giúp đỡ sửa chữa kịp thời nếu xảy ra, mà còn huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to lớn của nhân dân. Người căn dặn: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”(3).
Cùng với kiểm tra, giám sát, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt coi trọng kỷ luật và thi hành kỷ luật trong Đảng. Luận giải căn nguyên sâu xa của những khuyết điểm, sai lầm trong Đảng, Người chỉ rõ: “Đảng ta là một đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng”(4). Vì vậy, kỷ luật và thi hành kỷ luật trong Đảng là một tất yếu khách quan để giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn thiếu sót, khuyết điểm, sai lầm; sửa chữa thói hư, tật xấu; thải loại những kẻ thoái hóa, biến chất, bảo đảm sự thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thống nhất ý chí và hành động, lời nói và việc làm của các tổ chức đảng và đảng viên, củng cố sự đoàn kết và giữ vững kỷ cương của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đoàn kết là sức mạnh của Đảng, còn kỷ luật của Đảng là một điều kiện, nhân tố quan trọng để giữ vững sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, nâng cao khả năng lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Người cho rằng: “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người. Đó là nhờ có kỷ luật”(5). Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm minh của cán bộ, đảng viên. Tất cả đảng viên đều phải tự giác tuân thủ, không phân biệt đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý hay đảng viên thường; đảng viên ở cơ sở hay đảng viên trong các cơ quan trung ương. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Kỷ luật của ta là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác. Các đồng chí chúng ta cần phải ra sức giữ gìn kỷ luật sắt của Đảng”(6), “Về mặt tổ chức: Đảng phải có kỷ luật rất nghiêm. Kiên quyết chống những hiện tượng phớt kỷ luật, phớt tổ chức”(7). Theo Người: “Không ai bắt buộc ai vào Đảng làm chiến sĩ xung phong. Đó là do sự “tự giác”, lòng hăng hái của mỗi người mà tình nguyện làm đảng viên, làm chiến sĩ xung phong”(8). Trước khi trở thành đảng viên, mỗi cán bộ, đảng viên bản thân đã là một công dân tốt, một đoàn viên tốt, quần chúng tiêu biểu, tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; khi là đảng viên thì phải chấp hành nghiêm mọi sự phân công của Đảng, tự giác phục tùng kỷ luật của Đảng, gương mẫu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Yêu cầu cao nhất của kỷ luật đảng là chấp hành nghị quyết và tuân thủ các nguyên tắc tổ chức của Đảng. Mỗi đảng viên cần phải làm kiểu mẫu phục tùng kỷ luật, chẳng những kỷ luật của Đảng, mà cả kỷ luật của các đoàn thể nhân dân và cơ quan chính quyền.
Kế thừa và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, coi đó là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, từ đó ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị chỉ đạo công tác này trên thực tiễn. Đảng xác định công tác kiểm tra là “một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng”(9), là “một khâu quan trọng của tổ chức thực hiện... là biện pháp hiệu nghiệm để khắc phục bệnh quan liêu”(10). Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Các cấp ủy, tổ chức đảng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng”(11); đồng thời chỉ rõ: “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và hoạt động của hệ thống ủy ban kiểm tra các cấp. Hoàn thiện quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra đảng với các tổ chức đảng và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc xem xét khiếu nại, tố cáo và xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên”(12). Đến Đại hội XII, Đảng ta đặt ra yêu cầu: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và xử lý nghiêm, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng, lãng phí. Tăng cường giám sát và phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật”(13).
2- Thời gian qua, với sự nỗ lực không ngừng của Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào việc ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và kiểm soát quyền lực trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, quyền hạn được giao, nhất là kiểm soát việc lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra, giám sát thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gợi ý kiểm điểm và kiểm tra việc khắc phục các hạn chế, yếu kém qua kiểm điểm được chỉ ra tại các đại hội, hội nghị, đặc biệt theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; giải quyết tố cáo,... và giải quyết một số vụ, việc nổi cộm trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ, quyền hạn được giao của một số cán bộ, đảng viên.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng, Điều lệ Đảng khóa XI có những bổ sung, sửa đổi rất quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, tập trung trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa XI (ban hành theo Quyết định số 46-QĐ/TW, ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương), nhằm khẳng định tính pháp lý cao nhất, đồng thời khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm và những biểu hiện lệch lạc trong việc thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng còn tồn tại ở nhiều nhiệm kỳ trước. Thực hiện Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26-7-2016, của Ban Chấp hành Trung ương “Thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng”, ngày 1-6-2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 86-QĐ/TW “Giám sát trong Đảng”. Quy định này thay thế Quyết định số 68-QĐ/TW, ngày 21-3-2012, của Bộ Chính trị khóa XI. Theo quy định mới, mục đích của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng là: 1- Chủ động nắm chắc tình hình và đánh giá đúng hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý; đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; góp phần bổ sung, sửa đổi các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn. 2- Phát huy ưu điểm; phát hiện hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm và nguyên nhân để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, sửa chữa, khắc phục; cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên từ khi còn manh nha. 3- Góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác(14).
Với tinh thần tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị được thành lập “với mong muốn đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng thêm một bước”(15), góp phần tích cực trong khắc phục tình trạng suy giảm về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên của Đảng. Trong nhiệm kỳ Đại hội XI, có 56.572 đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó có 16.259 cấp ủy viên các cấp. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kiểm tra 13 tổ chức đảng và 33 đảng viên. Qua kiểm tra, kết luận các tổ chức đảng, đảng viên đều có khuyết điểm, vi phạm, trong đó đề nghị thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách 3 tổ chức đảng, thi hành kỷ luật 13 đảng viên (khiển trách 7, cảnh cáo 6). Ủy ban kiểm tra các địa phương, đơn vị đã kiểm tra 15.898 tổ chức đảng và 55.217 đảng viên, trong đó số tổ chức đảng có vi phạm là 10.478, phải thi hành kỷ luật 791 tổ chức đảng; số đảng viên có vi phạm là 42.757, trong đó phải thi hành kỷ luật 20.344 trường hợp(16).
Tuy vậy, tại Đại hội XII, Đảng ta một lần nữa chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”(17). Hơn lúc nào hết, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi thiếu đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; mạnh dạn đưa ra khỏi tổ chức những người không đủ phẩm chất, năng lực và uy tín. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng xác định phải: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Cấp ủy các cấp chỉ đạo nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; đồng thời, tiến hành rà soát, sàng lọc và đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng”(18).
Chỉ thị số 28-CTTW, ngày 21-1-2019, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, “Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng” đã nhận định: Còn một bộ phận đảng viên thiếu gương mẫu, thiếu bản lĩnh, bị cám dỗ bởi lợi ích cá nhân, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; có việc làm, phát ngôn sai nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng; một số có biểu hiện dao động, hoài nghi về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Những khuyết điểm, yếu kém đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Với quyết tâm đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tình trạng suy giảm về đạo đức, lối sống, “hình thành cơ chế phòng ngừa ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần ngăn chặn, răn đe, cảnh tỉnh để “không thể tham nhũng””(19), từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến đầu năm 2019, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 45 nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội đã thông qua 45 luật, pháp lệnh, 46 nghị quyết; Chính phủ đã ban hành 511 nghị định, 413 nghị quyết, 160 quyết định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng; đã thi hành kỷ luật 53.306 đảng viên với hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 16 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, thậm chí xử lý đến cả Ủy viên Bộ Chính trị(20).
Như vậy, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng về cơ bản đã được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, đạt hiệu quả thiết thực. Công tác kiểm tra, giám sát toàn diện cả tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác và kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao... đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, tổ chức trong tiến hành các hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò của cơ quan, ủy ban kiểm tra của cấp ủy các cấp, của tổ chức đảng, quần chúng nhân dân; gắn kiểm tra, giám sát với thi hành kỷ luật đảng; kiên quyết xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm, những tổ chức đảng yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, năng lực lãnh đạo của Đảng: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái”(21). Có nơi lựa chọn đối tượng kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm lại né tránh không kiểm tra cấp ủy viên cùng cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý và tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp, chủ yếu lựa chọn cán bộ, đảng viên không có chức vụ để kiểm tra hoặc kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên cách nhiều cấp để kiểm tra được nhiều đảng viên và dễ xử lý khi có vi phạm.