Định hướng dư luận xã hội là một nội dung trọng yếu trong công tác tư tưởng của Đảng, có vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong bài viết, các tác giả khái quát thực trạng và một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác định hướng dư luận xã hội, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh, tỉnh hình và điều kiện hiện nay.
Một xã hội yên ổn, thống nhất sẽ là điều kiện để phát triển mọi mặt đời sống của người dân. Chính vì vậy, bao đời nay, trong việc dựng nước và giữ nước, ông cha ta vẫn ngưỡng vọng đến một thời thế “quốc thái, dân an”. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ với nhiều yếu tố tác động trực tiếp, gián tiếp đến nền hòa bình của một quốc gia, chúng ta có thể thấy nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là một nhiệm vụ xuyên suốt, thường xuyên và không thể chủ quan, xem nhẹ. Các yếu tố tác động đến ổn định chính trị, an ninh, trật tự vẫn luôn tiềm ẩn và chứa đựng nhiều nguy cơ, rủi ro, bất cứ lúc nào cũng có thể tạo diễn biến phức tạp, nếu không chủ động nhận diện, nắm bắt kịp thời có thể sẽ xuất hiện tình huống bất ngờ, khó kiểm soát và phát triển cao trào thành “điểm nóng”.
Năm 2018, lấy cớ phản đối dự thảo Luật đặc khu, nhiều người đã gây rối tại Phan Rí Cửa, đập phá tại Ủy ban nhân dân Bình Thuận, nhiều nơi tại Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng,… người dân bị xúi giục, kêu gọi xuống đường thành đoàn biểu tình trái phép, gây rối an ninh, trật tự. Những vấn đề về tôn giáo tiếp tục trở thành chủ đề nóng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Núp dưới vỏ bọc “tự do tôn giáo”, một số linh mục cực đoan ra sức lôi kéo, thậm chí gây sức ép để bà con giáo dân chống phá chính quyền, tạo “điểm nóng”, tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước gây phức tạp về an ninh, trật tự. Bên cạnh đó, các đối tượng cực đoan cũng lợi dụng các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, ô nhiễm, suy thoái môi trường, cạn kiệt nguồn nước, sử dụng các vũ khí sinh thái, dịch bệnh, di cư tự do, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao… để tuyên truyền các luận điệu sai trái, gây hoang mang trong dư luận nhân dân. Những thách thức từ an ninh phi truyền thống có thể là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về an ninh truyền thống, làm gia tăng những khủng hoảng và bức xúc trong bầu tâm trạng xã hội vì nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi và mạng sống của con người. Sự việc tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm diễn ra từ năm 2017 đến 2020 với hai sự kiện nổi cộm: giữ công an, nhà báo, cán bộ chính quyền làm con tin vào năm 2017; và đầu năm 2020 là gây rối trật tự khiến 03 chiến sĩ Công an hi sinh trong khi làm nhiệm vụ. Các vụ việc được nêu ra cho thấy, sự bất ổn xuất phát từ chính việc chúng ta chưa gần dân, lắng nghe, giải quyết những tâm tư nguyện vọng của nhân dân, định hướng kịp thời tư tưởng của nhân dân nên dẫn đến những khoảng trống để các thế lực thù địch, các đối tượng cực đoan, cơ hội chính trị có điều kiện kêu gọi, móc nối, xúi giục, kích động quần chúng nhân dân phản ứng tập thể, gây rối loạn trật tự xã hội.
Sau khi kiểm soát tình hình, khắc phục những hậu quả đáng tiếc từ những cuộc gây rối, pháp luật được sử dụng để răn đe nghiêm khắc với những hành vi sai phạm. Mặc dù, pháp luật là công cụ của Nhà nước mang tính cưỡng chế, bắt buộc mọi công dân phải tuân thủ. Tuy nhiên, việc sử dụng pháp luật thường sẽ ở sau các hệ quả. Điều đó sẽ làm chậm quá trình cải biến và phát triển xã hội. Không phải ngẫu nhiên, trong xã hội công xã nguyên thủy, khi chưa tồn tại Nhà nước, pháp luật, dư luận xã hội đã được sử dụng như một công cụ để điều chỉnh hành vi của con người. Trong bất kỳ xã hội nào, dư luận xã hội cũng có những ảnh hưởng nhất định, nhiều khi rất mạnh mẽ đến nhịp độ phát triển của xã hội. Hiện nay, chúng ta cần sử dụng sức mạnh của dư luận xã hội và làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thực chất là bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Để thực hiện nhiệm vụ này, định hướng dư luận xã hội (DLXH) là một trong những biện pháp quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Có thể hiểu, định hướng DLXH là xác định phương hướng cho DLXH và công chúng theo một hướng nhất định, giúp DLXH đi theo đúng hướng, có sự thống nhất, ổn định.
Từ thực tiễn công tác định hướng dư luận xã hội, có thể thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng và giá trị của các phương thức định hướng DLXH, cụ thể:
Thứ nhất, thông qua uy tín của người lãnh đạo, thủ lĩnh nhóm xã hội. Vận động những người có uy tín cao, có sức ảnh hưởng với các nhóm xã hội để nhanh chóng tạo dựng niềm tin của công chúng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp.
Thứ hai, thông qua sinh hoạt, hội họp của các tổ chức. Ưu thế của phương thức này là nhanh chóng và trực tiếp đến từng nhóm đối tượng sinh hoạt trong cùng một tổ chức. Tuy nhiên, phương thức này chỉ tác động được nhóm đối tượng trong một phạm vi nhất định.
Thứ ba, thông qua phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội. Các loại phương tiện truyền thông đại chúng đã được sử dụng định hướng DLXH bao gồm sách, các ấn phẩm báo, bản tin, phát thanh, truyền hình, điện ảnh, quảng cáo, tuyên truyền, cổ động,… Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Twitter, Zalo, Youtube, Instagram, Tiktok,…) ngày càng được sử dụng hiệu quả nhằm định hướng DLXH.
Thứ tư, định hướng DLXH bằng chính ý kiến, quan điểm, thái độ, sự phán xét, đánh giá của các nhóm xã hội, của quần chúng nhân dân hay nói cách khác chính là lấy dư luận để định hướng dư luận. Lan tỏa những dư luận tích cực, chính xác trên các kênh, các phương tiện truyền thông, đồng thời sử dụng dư luận đó để định hướng dư luận của các nhóm xã hội khác, của toàn xã hội với phương châm “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”.
Việc sử dụng tổng hợp các phương thức định hướng DLXH đã góp phần quan trọng để tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong công cuộc Đổi mới, cung cấp cho công chúng những tri thức về khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội. Các chủ thể thực hiện việc định hướng DLXH đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, các thế lực thù địch; qua đó, làm tốt công tác định hướng DLXH theo hướng tích cực, khẳng định những thành tựu tự hào của Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện tại, khẳng định sự đúng đắn của đường lối lãnh đạo của Đảng, tính khoa học, ưu việt và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp quần chúng nhân dân thấy rõ được bản chất các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Tuy nhiên, việc định hướng DLXH có nơi, có lúc còn chưa phát huy hiệu quả rõ rệt, tạo ra những “khoảng trống” để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, từng bước thâm nhập nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên nói riêng và quần chúng nhân dân nói chung. Đặc biệt, các thế lực thù địch đã lợi dụng phương tiện truyền thông, nhất là sự nổi lên khó kiểm soát của hệ thống mạng xã hội để reo rắc thông tin bịa đặt hòng hướng lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực. Nhận thấy, sức mạnh truyền thông của mạng xã hội đã được khẳng định và ghi nhận, chúng hướng đến tác động vào nhận thức, tư tưởng của người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; người dân tộc thiểu số; người theo các đạo, tôn giáo; các đối tượng có khúc mắc, tranh chấp, khiếu kiện; đặc biệt, trong đó, chúng hướng đến bộ phận thanh, thiếu niên.v.v. gây hoài nghi, hoang mang, thậm chí có phần bất mãn; từ đó, xúi giục, kích động một bộ phận người dân gây rối, tạo ra các điểm nóng phức tạp về tình hình an ninh, trật tự.
Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do sống giữa bối cảnh bùng nổ thông tin nhưng nhận thức của người dân còn hạn chế nên bị chi phối bởi phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội, mặt khác là do việc cung cấp thông tin, định hướng DLXH đôi lúc còn chưa được kịp thời, việc quản lý, nắm bắt thông tin có nơi còn chưa chủ động, thiếu hiệu quả,… Những hạn chế, thiếu sót này đã khẳng định rằng, nếu không làm tốt công tác định hướng DLXH có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khuôn mẫu tư duy của quần chúng nhân dân về nền tảng tư tưởng của Đảng, dẫn đến thay đổi khuôn mẫu hanh vi trước các quan điểm sai trái, để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của Đảng và sự trường tồn, vững bền của quốc gia - dân tộc.
Sự biến động của thế giới, khu vực trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI đã và đang tác động nhiều mặt đến vấn đề quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao hiệu quả công tác định hướng DLXH góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trở thành một nhiệm vụ cấp bách, bức thiết, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra trong tình hình hiện nay. Để làm tốt nhiệm vụ này, một số giải pháp được đề cập đến gồm có:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp đối với công tác định hướng DLXH. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần nhận thức đầy đủ, toàn diện về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nhiệm vụ định hướng DLXH, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái. Tùy tình hình mà lãnh đạo, chỉ đạo thành lập các ban chỉ đạo, kiện toàn tổ chức bộ máy sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các cách làm mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả trong thực tiễn, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phát hiện những hạn chế, thiếu sót nhằm nhanh chóng khắc phục, chấn chỉnh.
Thứ hai, nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức bộ máy làm công tác dư luận xã hội. Đối với đội ngũ chuyên trách, cần nâng cao năng lực, trình độ và có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp, trong đó, chú trọng bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trẻ, kịp thời lựa chọn những “hạt giống đỏ” để bồi dưỡng, phục vụ quá trình chuyển tiếp giữa các thế hệ. Phân công chức năng, nhiệm vụ rõ ràng đối với từng cơ quan, tránh tình trạng chồng chéo, trùng dẫm, một việc nhưng nhiều cơ quan, đơn vị cùng làm dẫn đến sự cát cứ, phân tán trong cách tiếp cận và tổ chức thực hiện. Củng cố cơ sở vật chất, các phương tiện, trang thiết bị phục vụ quá trình công tác của tổ chức bộ máy chuyên trách.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cộng tác viên DLXH các cấp mạnh, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới. Cần xác định đối tượng phù hợp để xây dựng mạng lưới cộng tác viên, nắm bắt, quản lý chặt chẽ các hoạt động và có chế độ, chính sách phù hợp đối với đội ngũ này. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng đội ngũ cộng tác viên DLXH đối với những người có uy tín trong xã hội, các “Influencer” (thuật ngữ dùng để chỉ những người có lượt tương tác, theo dõi cao trên các nền tảng mạng xã hội). Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tập hợp lực lượng, giáo dục chính trị - tư tưởng đối với đội ngũ cộng tác viên DLXH.
Thứ tư, đổi mới nội dung, hình thức sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội, nhất là các nền tảng mạng xã hội. Tăng cường công tác định hướng DLXH, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các nền tảng mạng xã hội (như Facebook, Zalo, Twitter, Youtube, Tiktok…), mở rộng hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội mới. Phối hợp chặt chẽ với công ty chủ quản các nền tảng mạng xã hội, yêu cầu xóa, gỡ bỏ các trang, kênh, nhóm có nội dung xuyên tạc, chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, tăng cường hơn nữa việc bám dân, gần dân và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Muốn làm tốt công tác định hướng DLXH, các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước cần nỗ lực hơn nữa để tiếp thu ý kiến của quần chúng nhân dân, sẵn sàng lắng nghe, nắm bắt nguyện vọng, tâm tư và phản hồi của nhân dân. Coi đây là cơ hội để nhận được sự tư vấn phù hợp, kịp thời của đa số nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và các hoạt động khác của Chính phủ; mặt khác, khi lắng nghe dân nói, dân bàn, tiếp thu sự giám sát của nhân dân, tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước sẽ từng bước hoàn thiện hơn, hướng đến xây dựng một chính phủ kiến tạo - một chính phủ phát triển bộ máy phục vụ thay vì bộ máy thống trị. Cần tăng cường bố trí cán bộ làm công tác tuyên giáo về các địa bàn trọng điểm để thắt chặt hơn tình cảm, sự gắn bó giữa Đảng với quần chúng, làm cho dân tin, dân yêu và vận động nhân dân cùng tham gia xây dựng, bảo vệ đất nước.
Mỗi giải pháp tập trung vào giải quyết một phương diện trong việc định hướng DLXH, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, song luôn nằm trong tính chỉnh thể thống nhất, không tách rời, phản ánh sự tác động có chủ ý của chủ thể theo định hướng, mục tiêu nhất quán. Mỗi chủ thể có vị trí, vai trò khác nhau trên cơ sở cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao. Quá trình thực hiện các giải pháp cần phát huy được sức mạnh của mỗi chủ thể, đồng thời tạo ra được sức mạnh tổng hợp trong nhận thức và thực tiễn công tác này trong giai đoạn hiện nay./.
Phan Thị Thu Trang – T03
Nguyễn Đức Mạnh – Công an huyện Mê Linh, Hà Nội