Đấu tranh vấn nạn tin giả về phòng chống COVID-19 bảo đảm an ninh trật tự trong thời kỳ mới

Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tin giả trên mạng xã hội, tránh việc người dân bị hoang mang, dao động đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Đảng và Nhà nước ta, đã đến lúc chúng ta cần thiết lập một "vùng xanh" trên Internet, trên không gian mạng theo hướng nhận diện tin giả và "vùng xanh"…

Phóng viên Tạp chí TT&TT đã có cuộc phỏng vấn Đại tá, PGS. TS Vi Thái Lang, Trưởng khoa Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học (Học viện Chính trị Công an Nhân dân - Bộ Công an) về thực trạng trên.

Đại tá, PGS.TS Vi Thái Lang: đấu tranh với nạn đưa tin giả, tin sai sự thật sẽ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị, của toàn thể nhân dân, trong đó báo chí vừa là một trong những lực lượng nòng cốt, vừa là phương tiện cơ bản thực hiện nhiệm vụ này
 PV: Xin Đại tá, PGS. TS cho biết quan điểm của mình về vấn nạn tin giả, tin sai sự thật hiện nay, nhất là về vấn đề phòng, chống đại dịch COVID-19 gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống dịch của cả hệ thống chính trị từ Trung ương xuống địa phương?

Đại tá, PGS.TS Vi Thái Lang: Tin giả, tin sai sự thật xuất hiện từ hai loại đối tượng, một loại là cố ý đưa tin giả, tin sai sự thật vì lợi ích cá nhân, để câu "like", giật gân, gây chú ý của cộng đồng trên cơ sở đó thực hiện các ý đồ khác; loại thứ hai là do vô ý của một số người, thấy có tin mới lạ, đáng quan tâm, họ cũng đẩy lên các trang mạng xã hội, không hề kiểm chứng. Đặc biệt họ thường chọn những thời điểm, những nội dung mà dư luận xã hội đang quan tâm, nhất là trong các sự kiện đặc biệt, trong ranh giới giữa sự sống và cái chết của con người. Cho nên đại dịch COVID-19 là cơ hội vàng để họ đưa tin giả, tin sai sự thật.

Cả hai loại đưa tin trên đều gây hậu quả nghiêm trọng, bởi vì tin giả, tin sai sự thật đều gây cho người đọc những xúc cảm, những trạng thái tâm lý không bình thường, đôi khi suy nghĩ cực đoan bởi những tin đó thường phản ánh những điều vượt khỏi ranh giới đạo đức và lương tâm; làm cho dư luận xã hội dạy sóng mạnh. Điều đó cũng làm tổn thương đến uy tín chính trị của hệ thống chính trị các cấp, vì người đọc sẽ cảm thấy hình như trật tự xã hội bị đảo lộn, quyền lực nhà nước bị lu mờ mới có những hành vi, những sự kiện, hiện tượng như tin giả nêu ra.

Cũng vì mức độ nhạy cảm và ảnh hưởng lớn đến xã hội, cho nên các thế lực thù địch cũng thường xuyên tận dụng cơ hội này để đưa tin giả, tin sai sự thật, qua đó nói xấu Đảng, nói xấu chế độ XHCN và chính quyền các cấp. Do đó, mọi người cần nghe, kiểm chứng thông tin đầy đủ trước khi đưa tin. Qua thông tin về dịch bệnh và việc xử lý ở các nước trong khu vực cho thấy, không có đất nước nào quan tâm, lo lắng sẻ chia với nhân dân tốt như ở nước ta, chính vì vậy mỗi chúng ta phải tin vào những gì Đảng, Nhà nước ta và các cấp chính quyền đang cố gắng để kiểm soát dịch bệnh.   

PV: Theo Đại tá, vấn nạn tin giả vẫn còn "đất sống" nguyên nhân do đâu?

Đại tá, PGS.TS Vi Thái Lang: Việc xử lý vấn nạn đưa tin giả, tin sai sự thật đã có các quy định cụ thể của pháp luật, mức xử lý cũng được đề xuất rất nghiêm khắc, nhưng nó vẫn còn "đất sống" là do một số lượng cộng đồng cư dân mạng vẫn chưa nhận thức đầy đủ tác hại của các loại tin này, họ vẫn cổ súy, chia sẻ các loại tin đó. Mặt khác, tin giả, tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội rất khó kiểm soát, phải có một thời gian mới có thể khám phá, điều tra ra nguồn gốc của nó, cho nên việc xử lý còn chậm, nhất là những tin đó được đưa từ nước ngoài thì càng gây khó khăn hơn cho cơ quan chức năng.

Việc kịp thời đưa tin công tác xử lý nghiêm những người đưa tin giả, tin sai sự thật trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc răn đe các đối tượng trước khi đưa tin lên các trang mạng xã hội.

PV: Vấn nạn tin giả không chỉ dừng lại ở công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, nó dường như len lỏi vào mọi lĩnh vực, ngóc ngách của đời sống xã hội. Đứng từ góc độ của nhà khoa học, nhà giáo dục, theo Đại tá vấn nạn này ảnh hưởng tới xã hội như thế nào?

Đại tá, PGS.TS Vi Thái Lang: Trong đại dịch COVID-19, nhất là khi phải thực hiện giãn cách, số người truy cập các trang mạng tăng lên nhanh chóng, điều đó sẽ được duy trì và phát triển trong thời gian tới kể cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát vì một xã hội số đã bắt rễ rất sâu vào các mặt của đời sống xã hội.

Ngày nay, mọi nhu cầu người gần như đều được đáp ứng qua các trang mạng và các trang mạng cũng đang ngày càng hoàn thiện để đáp ứng tốt hơn những nhu cầu xã hội. Bên cạnh mặt tích cực của sự phát triển xã hội số, góp phần hoàn thiện xã hội số ở nước ta nhanh hơn thì cũng đồng thời cũng xuất hiện việc lợi dụng không gian mạng để đưa tin giả, tin sai sự thật vào mọi lĩnh vực.

Tin giả, tin sai sự thật làm cho người đọc hiểu sai vấn đề, một khi đã hiểu không đúng thì cũng dẫn đến làm cho người đọc mất niềm tin vào các giá trị, các chuẩn mực của xã hội; dẫn đến các hành vi lệch chuẩn tức là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các giá trị đạo đức và luân lý xã hội, do đó nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là khi bị các đối tượng thù địch lợi dụng với mục đích chính trị. Do đó, đấu tranh với nạn đưa tin giả, tin sai sự thật sẽ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị, của toàn thể nhân dân, trong đó báo chí vừa là một trong những lực lượng nòng cốt, vừa là phương tiện cơ bản thực hiện nhiệm vụ này.

PV: Trên thực tế, có nhiều phần tử bất mãn, bày tỏ quan điểm thù địch, tung "chiêu trò" liên quan đến nhân quyền, tự do ngôn luận nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, nhằm xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Vậy quan điểm của cá nhân Đại tá về thủ đoạn trên như thế nào?

Đại tá, PGS.TS Vi Thái Lang: Nhờ thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, cho đến nay nước ta có quan hệ hữu nghị hợp tác với 189 quốc gia, trong đó 17 nước đối tác chiến lược và 13 nước đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế với hơn 230 nền kinh tế, đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới. Trước những thành quả hết sức to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng mà Nhân dân ta giành được đã làm cho các thế lực thù địch ngày càng lạc lõng, cô đơn, do đó họ phải tìm những chiêu trò mới để mong sẽ có nhiều người quan tâm đến những việc làm của họ.

Thực hiện ý đồ đó, một mặt họ đưa ra những tin giả, tin sai sự thật về Đảng, Nhà nước và cuộc sống bình yên của nhân dân ta, nói xấu, bôi nhọ hạ thấp uy tín cán bộ lãnh đạo; họ đòi tự do ngôn luận để hợp pháp hóa những tin giả, tin sai sự thật đó. Mặt khác, họ tìm mọi cách hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế bằng cách gán ghép, bịa đặt việc pháp luật Việt Nam xử lý những đối tượng chống Đảng, Nhà nước XHCN và lợi ích nhân dân với vấn đề dân chủ, nhân quyền. Chúng ta nên nhớ rằng không có hệ thống pháp luật nào và bất cứ quốc gia nào dung túng cho một vài người phản bội lại lợi ích của cả dân tộc, của quốc gia và của đại đa số Nhân dân, cho nên việc xử lý đó là cần thiết và cần phải nghiêm khắc hơn.

PV: Đấu tranh vấn nạn tin giả, vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền là công việc rất hệ trọng đối với mỗi quốc gia trong tình hình mới. Xin Đại tá cho biết để ngăn chặn vấn nạn trên, chúng ta cần phải làm gì để xử lý hài hòa mối quan hệ nêu trên, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay?

Đại tá, PGS.TS Vi Thái Lang: Chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, bành trướng và bá quyền, kể cả các phần tử cơ hội, bất mãn trong nước luôn muốn lật đổ bộ máy nhà nước hiện tại. Thực hiện mục đích đó, sử dụng tin giả, tin sai sự thật là công cụ hữu hiệu nhất trong thời đại công nghệ số và không gian mạng phát triển như hiện nay. Đặc biệt, họ lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để tạo ra các mâu thuẫn xã hội, gây chia rẽ nội bộ, làm "ngòi nổ" để gây bạo loạn lật đổ từ bên trong, can thiệp từ bên ngoài;... nó đã và đang diễn ra ở Trung Đông, Bắc Phi và trở thành vấn đề quan ngại, là nguy cơ ở tất cả các quốc gia, nước ta không là ngoài lệ.

Trong bối cảnh đó, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo như ở nước ta là bài học xuyên suốt. Cho nên mọi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và mọi giáo dân trong các tôn giáo ở Việt Nam đều có nghĩa vụ phải chăm lo xây dựng khối đại đại kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để ngăn chặn được vấn nạn đưa tin giả, tin sai sự thật về vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, trước hết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với không gian mạng, các trang mạng, các phương tiện thông tin, truyền thông và việc đưa tin trên các trang mạng xã hội. Nhà nước phải có chế tài đủ mạnh với nhà mạng, với các phương tiện thông tin, truyền thông; nhà mạng, các phương tiện thông tin, truyền thông phải có chế tài, cùng chịu trách nhiệm với các bài viết đưa tin giả, tin sai sự thật. Đồng thời, kịp thời đưa tin thật, tin đúng về công tác dân tộc, tôn giáo, nhân quyền của Đảng, Nhà nước ta trên các phương tiện thông tin đại chúng và chỉ ra điểm nhấn để người đọc hiểu rằng chỉ có Nhà nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mới có những chính sách ưu việt đó đối với đồng bào các dân tộc và giáo dân.

PV: Bên cạnh sự vào cuộc "tổng lực" của cả hệ thống chính trị, thì báo chí Việt Nam cần phải làm gì để đấu tranh phản bác lại quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội xuyên tạc về vấn đề tôn giáo, nhân quyền, phòng chống COVID-19 tại Việt Nam trước tình hình mới, thưa Đại tá?

Đại tá, PGS.TS Vi Thái Lang: Đấu tranh phản bác lại quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội xuyên tạc về vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, phòng chống COVID-19 tại Việt Nam trước tình hình mới là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, trong đó báo chí là lực lượng nòng cốt và để thực sự là nòng cốt thì cần làm tốt những nhiệm vụ sau đây:

Thứ nhất là, mỗi nhà báo phải "tự làm làm khỏe mình một cách tích cực", cần tích cực học tập và thấm nhuần những quan điểm, tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, nhân quyền và những diễn biến, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa ở trong và ngoài nước để nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng. Củng cố niềm tin tuyệt đối của cá nhân vào con đường CNXH do Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân ta đã chọn; củng cố và tăng cường đạo đức nghề nghiệp. Đưa thông tin chính xác, kịp thời, định hướng dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước; củng cố đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, xây dựng khối đại đại kết toàn dân tộc.

Thứ hai là, trong bối cảnh toàn cầu hóa, mỗi nhà báo phải không ngừng nỗ lực học tập nâng cao trình độ về ngoại ngữ, tin học, chuyên môn, nghiệp vụ, bản sắc văn hóa các dân tộc, giáo lý, giáo luật của các tôn giáo; tích cực học tập kinh nghiệm làm báo của các thế hệ đi trước và kinh nghiệm của các nền báo chí hiện đại trên thế giới; thâm nhập thực tiễn, lắng nghe nhân dân, dựa vào sức mạnh của nhân dân để khai thác thông tin, đưa những thông tin hữu ích đến với công chúng báo chí.

Thứ ba là, tích cực, chủ động phối hợp với lực lượng CAND, QĐND và các lực lượng chức năng nhận diện, đấu tranh làm thất bại âm mưu, chiến lược "diễn biến hòa bình", phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; vạch trần âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các thế lực thù địch và các loại tội phạm lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo; xung kích, đi đầu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thứ tư là, củng cố, kiện toàn lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh phản bác luận điều truyên truyền xuyên tạc, phản bác các quan điểm sai trái, nhất là lực lượng báo chí Quân đội, Công an. Nghiên cứu các giải pháp kĩ thuật ngăn chặn hoạt động của các trang web, blog, mạng xã hội và các ứng dụng trên mạng Internet được các thế lực thù địch phản động sử dụng để tuyên truyền phá hoạt nền tảng tư tưởng của Đảng, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, dịch bệnh để chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Thứ năm là, các cơ quan báo chí chủ động thích ứng với các phương tiện truyền thông mới, đa dạng hóa phương thức và nội dung thông tin, tuyên truyền, bảo đảm phục vụ hiệu quả nhiệm bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại trên báo chí và các phương tiện truyền thông phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân; bảo đảm lượng thông tin tốt, tích cực về đời sống xã hội là dòng chảy chính.

Thứ sáu là, tiếp tục có những sửa đổi, điều chỉnh những nội dung của Luật và Nghị định của Chính phủ về báo chí để bảo vệ người làm báo cũng như giới hạn việc lợi dụng nghề làm báo để làm lợi bất chính.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại tá về cuộc phỏng vấn này! 

 

Nguồn Báo điện tử Bộ Thông tin và truyền thông

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website