1. Đất nước ta phải phát triển theo dòng thời đại, song vấn đề là thời đại nào?
Thời đại là một khái niệm khoa học dùng để phân kỳ lịch sử xã hội, phân biệt những nấc thang phát triển của xã hội loài người. Từ lâu, việc phân kỳ lịch sử xã hội loài người đã được nhiều nhà khoa học quan tâm, đưa ra các cách phân loại khác nhau. S.Phuriê (1772-1837), một nhà khoa học xã hội người Pháp đã chia lịch sử loài người thành bốn giai đoạn, tạo thành bốn thời đại khác nhau là: mông muội, dã man, gia trưởng, văn minh. Nhà nhân chủng học người Mỹ, Moocgan (1818-1881) chia lịch sử loài người thành ba giai đoạn, ba thời đại là: mông muội, gia trưởng, văn minh. S.Phuriê và Moocgan sống trong thời kỳ đầu phát triển của chủ nghĩa tư bản, xã hội văn minh mà các ông nói đến là xã hội tư bản, xã hội gia trưởng, mông muội và dã man trong quan niệm của các ông là xã hội phong kiến và trước phong kiến (nô lệ, nguyên thủy). Đây là những thời đại khác nhau, những bậc thang trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Cơ sở để các ông phân chia các giai đoạn phát triển của lịch sử từ mông muội, dã man đến xã hội gia trưởng, xã hội văn minh là trình độ phát triển kinh tế, xã hội, trình độ giải phóng con người. Trong thời kỳ mông muội, con người phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên; trong thời kỳ dã man, những người nô lệ bị đối xử như gia súc; trong xã hội gia trưởng, những người nông nô lệ thuộc vào các điền chủ, chúa phong kiến; chỉ trong xã hội văn minh, người lao động mới được tự do. Sự phân chia đó có những yếu tố hợp lý. Tuy nhiên, đặc trưng của từng thời đại, từng giai đoạn phát triển đó là gì, nguyên nhân nào, động lực nào thúc đẩy sự phát triển đó đều chưa được làm rõ.
Gần đây, nhà tương lai học người Mỹ, A.Topphlơ (1928-2016) phân chia sự phát triển của xã hội loài người thành ba giai đoạn (hay ba làn sóng), tương ứng với ba nền văn minh: văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp, văn minh hậu công nghiệp. Nền văn minh nông nghiệp bắt đầu từ khoảng 8.000-10.000 năm trước Công nguyên kéo dài đến khoảng năm 1650 sau Công nguyên với nông nghiệp là ngành sản xuất chính của xã hội. Làn sóng văn minh thứ hai, văn minh công nghiệp bất đầu từ khoảng những năm 1650-1750 đến giữa thế kỷ XX, bắt đầu từ châu Âu rồi lan tỏa ra khắp thế giới, với sự phát triển của những nhà máy công nghiệp sản xuất ra hầu hết những tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt của xã hội. Làn sóng văn minh thứ ba bắt đầu từ Mỹ giữa thế kỷ XX, lan tỏa sang các nước phát triển khác. Trong xã hội hậu công nghiệp, phương thức sản xuất ra của cải vật chất đã có sự thay đổi căn bản; tri thức, thông tin trở thành những yếu tố sản xuất quan trọng nhất, mà tri thức, thông tin có thể phát triển vô tận, không bị giới hạn bởi số lượng như đất đai, vốn, các yếu tố vật chất như trong các xã hội trước đây. A.Topphlơ phân chia các thời đại chỉ căn cứ vào trình độ phát triển của sản xuất, bỏ qua cơ cấu xã hội, các quan hệ xã hội, nhất là các mâu thuẫn và xung đột xã hội gắn liền với các nền sản xuất đó và không chỉ ra được động lực nào, nguyên nhân nào đã thúc đẩy sự phát triển, thay thế nhau của các nền văn minh một cách khoa học, thuyết phục.
C.Mác (1818-1883) với quan điểm duy vật lịch sử, học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người, cơ sở để xác định các giai đoạn phát triển, để phân chia các thời đại. Lịch sử loài người là một quá trình phát triển không ngừng, đi từ thấp lên cao, ngày càng tiến bộ. Con người trước hết phải sống, phải tồn tại trước khi có thể làm thơ, làm khoa học, làm chính trị. Để sống, con người phải lao động, phải sản xuất ra của cải vật chất. Sản xuất vật chất là nền tảng cho sự tồn tại của xã hội. Trong quá trình sản xuất, nhờ tích lũy kinh nghiệm, nhờ hiểu biết ngày càng nhiều, càng sâu về thế giới xung quanh, con người không ngừng đổi mới sáng tạo, cải tiến công cụ lao động, thay đổi phương pháp sản xuất để có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn, có cuộc sống tốt hơn. Khi năng suất lao động tăng lên, của cải nhiều hơn, có của cải tích lũy, con người không cần dùng toàn bộ thời gian cho hoạt động sản xuất, một bộ phận người trong xã hội không phải trực tiếp tham gia lao động sản xuất, mà có thời gian, điều kiện cho các hoạt động khác: hoạt động văn hóa, giáo dục, chữa bệnh cho con người, nghiên cứu khoa học, hoạt động tôn giáo... làm cho xã hội phát triển không ngừng, ngày càng cao hơn, phong phú, đa dạng hơn.
Trong sản xuất, con người không chỉ có sự phân công, chuyên môn hóa mà còn có sự hợp tác với nhau; sản xuất càng phát triển thì phân công và hợp tác càng phát triển. Trong sản xuất, con người không chỉ tác động vào tự nhiên mà còn có sự tác động lẫn nhau, quan hệ với nhau, chỉ trong các quan hệ đó mới có sự tác động vào tự nhiên. Đó chính là các quan hệ sản xuất, những quan hệ sản xuất này phụ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và phát triển theo cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Những quan hệ sản xuất này là cơ sở làm hình thành những quan hệ xã hội khác, hình thành nên những giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau, hệ thống kiến trúc thượng tầng của xã hội tương ứng với nó, tạo nên một xã hội có những đặc trưng riêng, một thời đại trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Khi quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất thì nó tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất. Ngược lại, khi quan hệ sản xuất không phù hợp với lực lượng sản xuất thì trở thành lực cản, kìm hãm sự phát triển lực lượng sản xuất. Song, đến một giới hạn nhất định, sự phát triển của lực lượng sản xuất sẽ phá vỡ những quan hệ sản xuất cũ, hình thành nên những quan hệ sản xuất mới, phù hợp với sự phát triển của nó; do đó, phá vỡ kiến trúc thượng tầng, các quan hệ, kết cấu giai cấp của xã hội cũ, hình thành nên những quan hệ, kết cấu giai cấp xã hội mới, kiến trúc thượng tầng xã hội mới; thúc đẩy xã hội phát triển, đã tạo nên các thời đại khác nhau: thời đại nô lệ, thời đại phong kiến, thời đại tư bản. Đây là quy luật vận động khách quan của lịch sử xã hội loài người. Theo quy luật đó, chủ nghĩa tư bản nhất định không phải là thời đại cuối cùng của nhân loại, mà nhân loại nhất định sẽ vượt qua chủ nghĩa tư bản để đi tới một thời đại mới, một xã hội mới cao hơn, tiến bộ hơn, trên cơ sở kế thừa những thành tựu phát triển của chủ nghĩa tư bản và loại bỏ những quan hệ tiêu cực, cản trở sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Đó là xã hội cộng sản chủ nghĩa, mà giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội là một quá trình lâu dài, mà ngày nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Thực tế, ngày nay, trên thế giới đã có nhiều mô hình, nhiều thử nghiệm con đường phát triển lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô-viết đã không vượt qua được những thách thức, cạnh tranh với chủ nghĩa tư bản. Quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội không phải là một đường thẳng đơn giản, mà rất nhiều trở ngại, nhưng không phải chủ nghĩa xã hội đã hoàn toàn bị loại bỏ, chủ nghĩa tư bản sẽ tồn tại vĩnh viễn, là thời đại cuối cùng trong lịch sử nhân loại. Ngày nay, chủ nghĩa xã hội đang được đổi mới, giành được những thành tựu lớn ở một số nước và chủ nghĩa tư bản cũng phải điều chỉnh, ngay trong lòng các nước tư bản phát triển cũng đang hình thành, tích tụ những yếu tố phủ định chủ nghĩa tư bản, quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Như vậy, khi cho rằng để phát triển, đất nước ta phải theo dòng chảy của thời đại, thì những người này muốn chúng ta phải theo dòng chảy của thời đại nào? Chúng ta không thể đi vào con đường tư bản chủ nghĩa, bởi ngày nay, chủ nghĩa tư bản cũng đang từng bước được cải biến, từng bước bị phủ định, vượt qua; nhân loại đang bước vào thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; do đó, chúng ta phải đi theo dòng chảy tiến bộ của lịch sử, dòng chảy của thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Ẩn ý thực sự của những người đưa ra quan điểm nước ta phải đi theo dòng chảy của thời đại chính là muốn nước ta phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, dòng thời đại ở đây là thời đại tư bản chủ nghĩa. Đây là quan điểm sai lầm, không thể chấp nhận.
2. Phát triển kinh tế thị trường, thực hiện tam quyền phân lập và xã hội dân sự có phải là mô hình tổ chức và vận hành của xã hội có tính khuôn mẫu, bất biến mà mọi đất nước phải noi theo để phát triển không?
Thực tế lịch sử cho thấy không phải như vậy. Lịch sử cho thấy tổ chức và cơ chế vận hành của xã hội luôn phụ thuộc vào trình độ phát triển của xã hội, nhất là trình độ phát triển của sản xuất, vào đặc điểm của thời đại ở từng giai đoạn cụ thể. Các xã hội trước chủ nghĩa tư bản chưa có kinh tế thị trường, chưa có tam quyền phân lập giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp; chưa có xã hội dân sự và vai trò của xã hội dân sự. Kinh tế thị trường, tam quyền phân lập, xã hội dân sự là những yếu tố gắn liền với chủ nghĩa tư bản, được xem như là những yếu tố đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Nhưng khi khuyên nước ta phải thực hiện những điều này, họ không biết rằng ngay trong chủ nghĩa tư bản, những yếu tố này cũng không phải là bất biến mà có sự thay đổi, phát triển, sự tồn tại của chúng trong thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản và trong chủ nghĩa tư bản hiện đại ngày nay có rất nhiều điểm khác nhau, nhiều yếu tố đặc trưng của chủ nghĩa tư bản đã bị vượt qua.
Kinh tế thị trường trong thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản là kinh tế thị trường tự do cạnh tranh. Trong nền kinh tế đó, sự tác động tự phát của các quy luật của kinh tế thị trường đã dẫn đến các cuộc khủng hoảng chu kỳ, sự phân cực xã hội sâu sắc, tạo nên những bất ổn, xung đột xã hội, do đó, đòi hỏi phải có vai trò điều tiết của nhà nước, khắc phục những khuyết tật của cơ chế thị trường. Các nền kinh tế thị trường hiện đại ở các nước tư bản phát triển ngày nay đều là các nền kinh tế thị trường có sự quản lý, điều tiết của nhà nước. Hơn nữa, tùy theo mức độ, nội dung và mục tiêu can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế có sự khác nhau ở các nước khác nhau, tạo nên nhiều mô hình kinh tế thị trường hiện đại khác nhau (kinh tế thị trường tự do ở Mỹ, kinh tế thị trường xã hội ở Đức, kinh tế thị trường phúc lợi xã hội ở các nước Bắc Âu, kinh tế thị trường nhà nước phát triển ở Nhật Bản, Hàn Quốc); nhưng xu hướng chung là đều có sự can thiệp, điều tiết của nhà nước để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định môi trường cho sự phát triển kinh tế, nâng cao trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường của doanh nghiệp; đồng thời nhà nước cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho các tầng lớp nhân dân, quan tâm tới giải quyết các vấn đề xã hội. Với sự điều tiết của nhà nước, chủ nghĩa tư bản đã phát triển trở thành chủ nghĩa tư bản nhà nước, một bước phát triển mới của chủ nghĩa tư bản. Cùng với sự can thiệp, điều tiết của nhà nước, trong nền kinh tế thị trường hiện đại ngày nay, tổ chức công ty, một chủ thể chính trong nền kinh tế thị trường, cũng thay đổi; các công ty cổ phần ngày càng phát triển, trở thành loại hình công ty chủ yếu có vai trò ngày càng lớn; hầu như tất cả các công ty, tập đoàn kinh tế siêu quốc gia, xuyên quốc gia đều là công ty cổ phần, có sự tham gia của nhiều chủ sở hữu, thuộc nhiều thành phần xã hội, kể cả người lao động. Ngay từ thế kỷ XIX, khi các công ty cổ phần, hình thức sở hữu cổ phần mới xuất hiện, C.Mác đã cho rằng đây là sở hữu tư nhân được xã hội hóa, là sự phủ định đối với sở hữu tư nhân cá thể và điều này diễn ra ngay trong lòng chế độ tư bản.
Tam quyền phân lập là nguyên tắc tổ chức của nhà nước tư bản để không tập trung quá nhiều quyền lực nhà nước vào một cơ quan nhất định bằng sự phân chia quyền lực và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong xã hội phong kiến trước chủ nghĩa tư bản, mọi quyền lực nhà nước tập trung vào một cá nhân nhà vua dẫn đến chuyên quyền, chuyên chế. Với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, tư tưởng về xây dựng nhà nước pháp quyền, tam quyền phân lập được đề xướng bởi các nhà tư tưởng lớn người Anh J.Locke (1632-1704), người Pháp C.L.Montesquieu (1689-1775), J.J Rousseau (1717-1778). Các ông cho rằng quyền lực nhà nước luôn có xu hướng dẫn đến lạm quyền, chuyên quyền, bởi vậy, để ngăn ngừa các hành vi lạm quyền, chuyên quyền phải có thiết chế giới hạn, kiểm soát quyền lực nhà nước, mà cách tốt nhất là bằng pháp luật, bằng phân chia quyền lực nhà nước thành các nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp và sự kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh. Những tư tưởng này trở thành nền tảng cho tổ chức và vận hành của bộ máy nhà nước ở các nước tư bản. Tuy nhiên, tuy cũng dựa trên nền tảng của nguyên tắc tam quyền phân lập, nhưng ở các nước tư bản phát triển, do mỗi nước có truyền thống lịch sử, văn hóa, có những điều kiện đặc thù của mình, nên không có mô hình tổ chức nhà nước giống nhau, mà có nhiều mô hình tổ chức nhà nước khác nhau. Mô hình nhà nước Mỹ có Tổng thống đứng đầu hành pháp có quyền lực rất lớn, có Quốc hội gồm hai viện là Thượng viện và Hạ viện nắm quyền lập pháp, có Tòa án tối cao, hệ thống tòa án Liên bang và toà án các bang nắm giữ quyền tư pháp. Ở Pháp, nhà nước có Tổng thống đứng đầu hành pháp, nhưng lại có Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm, đứng đầu nội các (chính phủ) để điều hành hoạt động của nội các; có Nghị viện gồm Thượng viện và Quốc hội (Hạ viện), có hệ thống tòa án thực hành quyền tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý và bổ nhiệm các thẩm phán. Ở Anh, thể chế nhà nước lại là nước quân chủ lập hiến, Nữ hoàng Anh là người đứng đầu nhà nước, nguyên thủ quốc gia, trên danh nghĩa là người nắm cả quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp nhưng thực tế chỉ có tính biểu tượng. Quyền lập pháp thuộc Quốc hội gồm hai viện Viện thứ dân (Hạ viện) và Viện quý tộc (Thượng viện). Quyền hành pháp thuộc chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng là lãnh đạo phe đa số ở Viện thứ dân (Hạ viện). Quyền tư pháp thuộc về hệ thống Tòa án đứng đầu là Quan chưởng ấn, người có quyền bổ nhiệm thẩm phán cho các tòa án...
Đồng thời và quan trọng hơn là ngày nay, trong nền chính trị hiện đại ở các nước tư bản phát triển, đều phải thừa nhận rằng quyền lực nhà nước là thuộc về nhân dân. Nhân dân bằng lá phiếu của mình bầu nên Quốc hội, Tổng thống, phê chuẩn các thành viên chính phủ. Quyền lực của bộ máy nhà nước là quyền lực do nhân dân ủy quyền, thay mặt nhân dân để quản lý đất nước, quản lý xã hội. Bởi vậy, mặc dù có sự phân chia quyền lực, sự độc lập, đối lập giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp, nhưng tất cả đều phải tính đến phản ứng của nhân dân, của xã hội, phải sử dụng quyền lực trong phạm vi quy định của pháp luật. Các đảng chính trị ra đời, đề ra các chủ trương, chính sách quản lý, phát triển đất nước; tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ chủ trương, chính sách của mình, bỏ phiếu cho các ứng cử viên của đảng trong các cuộc bầu cử Quốc hội, bầu cử Tổng thống. Đảng giành được nhiều phiếu nhất trong Quốc hội được quyền thành lập chính phủ. Lãnh đạo của Đảng trở thành Tổng thống, Thủ tướng; đảng trở thành đảng cầm quyền, thông qua quyền lực nhà nước thực hiện chủ trương, chính sách của mình. Tổng thống và Quốc hội có quyền bổ nhiệm các thẩm phán của tòa án tối cao. Khi đảng cầm quyền có đa số trong Quốc hội, Tổng thống, Thủ tướng và nhiều thành viên chính phủ là người của đảng cầm quyền; Tổng thống, Quốc hội có quyền bổ nhiệm thẩm phán thì tam quyền phân lập giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp, sự kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan này, giữa các nhánh quyền lực nhà nước ở các nước tư bản phát triển đã không còn hoàn toàn như trước. Chẳng lẽ những người cổ vũ, tuyệt đối hóa nguyên tắc tam quyền phân lập trong tổ chức bộ máy nhà nước không thấy điều này. Khi cổ vũ, tuyệt đối hóa nguyên tắc tam quyền phân lập trong tổ chức bộ máy nhà nước theo tư tưởng của J.Locke, C.L.Montesquieu, xem đó là kiểu mẫu cho tổ chức nhà nước ở các nước, họ đã lạc hậu so với sự vận động, phát triển của lịch sử xã hội.
Trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản, nhất là trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, vai trò của nhân dân ngày càng được khẳng định, được thể hiện bằng nhiều hình thức phong phú. Nhân dân không chỉ bằng lá phiếu của mình để tổ chức nên bộ máy nhà nước, ủy quyền cho nhà nước thay mặt mình quản lý đất nước, quản lý xã hội, mà còn tự tập hợp thành các tổ chức đa dạng, như: theo tuổi tác, giới tính, theo nghề nghiệp, theo sở thích... để hỗ trợ lẫn nhau, để tăng thêm sức mạnh, hiệu quả trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của mình, để mở rộng giao tiếp, đáp ứng những nhu cầu xã hội, tinh thần phong phú của mình... Các tổ chức xã hội này được xem là xã hội dân sự. Điều này là cần thiết do tình trạng quan liêu, lạm quyền, tha hóa trong đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Đặc biệt, trong các nhà nước tư bản, bộ máy nhà nước bị thao túng bởi các tập đoàn tư bản, trở thành công cụ bảo vệ lợi ích cho họ, xâm phạm đến lợi ích của người lao động. Do đó, các tổ chức xã hội dân sự có xu hướng đối lập với nhà nước. Nhưng khi cho rằng để phát triển, nước ta phải có các tổ chức xã hội dân sự đối lập với nhà nước thì những người này đã sai lầm, bởi mặc dù trong nhà nước ta vẫn còn những cán bộ quan liêu, lạm quyền, thoái hóa, nhưng bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; sứ mệnh, chức năng của Nhà nước là phục vụ nhân dân, cán bộ, công chức nhà nước là công bộc của dân; nhân dân và các tổ chức do nhân dân thành lập không chỉ tự chủ trong hoạt động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân mà còn có quyền phản biện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước. Những nội dung này đều được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật của đất nước. Chính điều này đã tạo nên sự đồng thuận xã hội, tạo nên sức mạnh của khối đoàn kết toàn Đảng, toàn dân làm nên những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta những năm qua. Thật phi lý khi cổ vũ cho việc tạo ra sự đối lập giữa các tổ chức xã hội do nhân dân lập ra với nhà nước cũng do nhân dân lập ra để thay mặt nhân dân quản lý đất nước, quản lý xã hội, để phục vụ nhân dân.
Như vậy, đối với nước ta, cần phải phát triển kinh tế thị trường nhưng là kinh tế thị trường nào, không thể là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, nhất là không thể là kinh tế thị trường tự do cạnh tranh không có sự quản lý của nhà nước trong thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản, đã bị lịch sử vượt qua. Cần phải có sự kiểm soát đối với quyền lực nhà nước, sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, cần phải có sự giám sát của các tổ chức xã hội cua nhân dân với các cơ quan nhà nước; nhưng vấn đề là kiểm soát như thế nào, không thể là kiểm soát lẫn nhau như giữa các lực lượng đối lập, tạo nên sự chia rẽ, cản trở sự phát triển của đất nước. Cổ vũ cho phát triển kinh tế thị trường, tam quyền phân lập và xã hội dân sự theo hình mẫu của chủ nghĩa tư bản là kéo lùi lịch sử, với động cơ đưa nước ta phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa là không chấp nhận được.
3. Đường lối đổi mới phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đưa nước ta vào dòng chảy của thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội để phát triển đất nước là đúng đắn, phù hợp với xu thế của thời đại và điều kiện của đất nước
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta phát triển là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vừa vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hợp tác và cạnh tranh bình đẳng theo pháp luật. Hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, việc phân bổ các nguồn lực kinh tế của nhà nước được thực hiện theo cơ chế thị trường, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước. Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, hoạt động ở mọi ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Các quyền sở hữu tài sản, tự do kinh doanh, tự do lưu thông được bảo vệ; phát triển đầy đủ, đồng bộ các loại thị trường, tạo cơ sở cho các quy luật của kinh tế thị trường hoạt động, phát huy vai trò của mình; hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh, phát triển ngày càng sâu rộng. Nhà nước quản lý đất nước bằng luật pháp, chính sách, quy hoạch, kế hoạch và sử dụng các nguồn lực kinh tế nhà nước để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; điều tiết, định hướng phát triển nền kinh tế; cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường. Nhà nước không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp bằng mệnh lệnh hành chính. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong quyết định giá cả, huy động, phân bổ các nguồn lực, điều tiết lưu thông hàng hóa, điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội của nhân dân có chức năng phản biện, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước; phản ánh nhu cầu, nguyện vọng, bảo vệ quyền, lợi ích của các tầng lớp nhân dân, vận động nhân dân thực hiện các chính sách đúng đắn của nhà nước, tác động đến quan hệ cung - cầu lao động, hàng hóa trên thị trường... Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với cơ cấu và cơ chế vận hành như vậy là nền kinh tế thị trường hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, kế thừa những thành tựu phát triển của chủ nghĩa tư bản; đồng thời, phát triển, có những yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là vai trò quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vai trò nền tảng của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể; thực hiện phân phối vừa theo kết quả lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, vừa theo mức đóng góp vốn, các yếu tố sản xuất khác, đồng thời phân phối qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; kết hợp phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; quyền lực nhà nước là do nhân dân ủy quyền, thay mặt nhân dân quản lý đất nước; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo. Giữa các cơ quan lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ), tư pháp (Tòa án) có sự kiểm soát lẫn nhau, nhưng không phải là sự kiểm soát của những lực lượng đối lập nhau, mà quyền lực của các cơ quan này đều do nhân dân ủy quyền, phân công để thực hiện các chức năng khác nhau, đều do cùng một đảng cầm quyền lãnh đạo, nên còn có trách nhiệm phối hợp với nhau để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Tổ chức bộ máy nhà nước, chức năng, quan hệ phối hợp, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đều thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; hoạt động của các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên của Đảng cầm quyền cũng phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; Nhà nước quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, theo pháp luật. Cùng với sự kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực nhà nước, Nhà nước còn chịu sự giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội của nhân dân theo quy định của pháp luật. Tổ chức và phương thức hoạt động của Nhà nước như vậy phù hợp với các chuẩn mực phổ biến của nhà nước pháp quyền trên thế giới. Nhưng điểm khác biệt lớn của Nhà nước ta so với nhà nước pháp quyền ở các nước tư bản trên thế giới là pháp luật của Nhà nước ta là để phục vụ nhân dân, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, phát triển đất nước nhanh, bền vững để nâng cao đời sống vật chất của nhân dân, là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước được sự đồng tình ủng hộ, tích cực thực hiện của nhân dân đã tạo nên những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, tạo nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế của đất nước như ngày nay. Đại hội XIII của Đảng, trên cơ sở đánh giá đúng tình hình đất nước, khu vực và thế giới, sẽ tiếp tục bổ sung, phát triển đường lối để đất nước đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa. Không có lý do gì để Đại hội XIII của Đảng phải làm theo lời khuyên của những người muốn kéo lùi lịch sử, đưa đất nước phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa./.
PGS. TS Nguyễn Văn Thạo
Phó Chủ tịch HĐLLTW
Nguồn Hội đồng LLTW